Hỗn loạn ở nước sát Ukraine: Hàng nghìn người vây tòa nhà quốc hội, lý do từ 1 mệnh lệnh nhằm vào Nga?

Tùng Chi |

Hàng nghìn người đã kéo tới tòa nhà Quốc hội để yêu cầu Tổng thống Moldova Maia Sandu - người có quan điểm chống Nga mạnh mẽ - từ chức.

Biểu tình quy mô lớn ở Moldova

Hãng thông tấn AP đưa tin, giữa tuần qua, hàng nghìn người từ 1 đảng thân Nga đã kéo tới biểu tình trước tòa nhà Quốc hội Moldova - quốc gia láng giềng của Ukraine - để chống lại Đảng Hành động và Đoàn kết (đảng cầm quyền ở Moldova), kêu gọi bầu cử sớm và yêu cầu Tổng thống Maia Sandu - người có quan điểm chống Nga mạnh mẽ - từ chức.

Theo kế hoạch đã được đề ra, Moldova sẽ tổ chức bầu cử Tổng thống vào cuối năm nay và bầu cử Quốc hội trong năm 2025.

Cảnh sát đã được huy động để giải tán đám đông, đồng thời phong tỏa nhiều con đường để ngăn người biểu tình tiếp tục kéo đến tòa nhà Quốc hội ở Chisinau.

Đáng lưu ý, theo tờ NewsMaker của Moldova, song song với cuộc biểu tình rầm rộ là làn sóng chống biểu tình. Trong khi những người biểu tình chống chính phủ tập trung trước tòa nhà Quốc hội, thì những người phản đối cuộc biểu tình này tập trung trước tòa nhà hành chính tổng thống.

"Chúng tôi đến để phản đối cuộc biểu tình vô nghĩa này" - Đám đông cầm cờ Moldova và Liên minh châu Âu (EU) rồi hô vang "Tất cả những người đó (người biểu tình chống chính phủ Moldova) hãy vào tù".

Hỗn loạn ở nước sát Ukraine: Hàng nghìn người vây tòa nhà quốc hội, lý do từ 1 mệnh lệnh nhằm vào Nga?- Ảnh 1.
Hỗn loạn ở nước sát Ukraine: Hàng nghìn người vây tòa nhà quốc hội, lý do từ 1 mệnh lệnh nhằm vào Nga?- Ảnh 2.
Hỗn loạn ở nước sát Ukraine: Hàng nghìn người vây tòa nhà quốc hội, lý do từ 1 mệnh lệnh nhằm vào Nga?- Ảnh 3.
Hỗn loạn ở nước sát Ukraine: Hàng nghìn người vây tòa nhà quốc hội, lý do từ 1 mệnh lệnh nhằm vào Nga?- Ảnh 4.
Hỗn loạn ở nước sát Ukraine: Hàng nghìn người vây tòa nhà quốc hội, lý do từ 1 mệnh lệnh nhằm vào Nga?- Ảnh 5.

Hình ảnh cuộc biểu tình tại Chisinau ngày 1/2. Ảnh: Facebook Shor Party

Nguyên nhân từ mệnh lệnh nhằm vào Nga?

Theo truyền thông Transnistria (vùng ly khai của Moldova), một phần nguyên nhân làm bùng phát cuộc biểu tình trên là do chính phủ Moldova không cho phép mở các điểm bỏ phiếu bầu cử Tổng thống Nga trên địa bàn Transnistria - khu vực có 30% dân số là người Nga.

Trước đó, hôm 29/1, Ngoại trưởng Moldova Mihai Popsoi thông báo quyết định này thông qua Đài phát thanh Moldova.

Hỗn loạn ở nước sát Ukraine: Hàng nghìn người vây tòa nhà quốc hội, lý do từ 1 mệnh lệnh nhằm vào Nga?- Ảnh 6.

Chính quyền bà Sandu đã ra quyết định không cho phép mở các điểm bỏ phiếu bầu cử Tổng thống Nga trên địa bàn Transnistria. Ảnh: Newsweek

Phát biểu trên Đài truyền hình Jurnal TV, Chủ tịch Quốc hội Moldova Igor Grosu cho biết, chính phủ đương nhiệm của Moldova sẽ không cho phép Nga mở các điểm bỏ phiếu phục vụ cuộc bầu cử Tổng thống Nga tại Transnistria.

"Tôi cho rằng sẽ là bất hợp pháp khi mở các điểm bỏ phiếu bầu cử Tổng thống Nga trên vùng ly khai của Moldova mà không được chính phủ Moldova chấp thuận. Quả thực, trước đây Nga từng mở các điểm bỏ phiếu ở Transnistria, nhưng đó là trước khi chúng tôi nhậm chức. Việc đó về bản chất là bất hợp pháp nhưng một số người đã nhắm mắt làm ngơ", ông Grosu - người đồng thời là Chủ tịch Đảng Hành động và Đoàn kết Moldova - cho hay.

Mối quan hệ giữa Chisinau và Moscow bắt đầu nguội lạnh từ năm 2021 sau khi Tổng thống Moldova Maia Sandu cùng Đảng Hành động & Đoàn kết thân châu Âu của bà lên nắm quyền.

Mọi chuyện trở nên tồi tệ hơn đáng kể trong thời gian qua, khi Moscow cáo buộc Chisinau có tăng cường các hành động không thân thiện nhằm vào Nga. Moldova thì tố Nga can thiệp vào công việc nội bộ của nước này, đồng thời yêu cầu trục xuất hàng chục nhân viên Đại sứ quán Nga ra khỏi lãnh thổ Moldova.

Cũng theo ông Grosu, chính phủ Moldova sẽ "cố gắng hết sức" để ngăn chặn cuộc bỏ phiếu của Nga, lệnh cho các cơ quan chức năng tiến hành các biện pháp cần thiết, không để cho các quan chức và đơn vị tổ chức bầu cử của Nga vào được lãnh thổ nước này. Moldova thậm chí có thể cấm bỏ phiếu bầu cử Tổng thống Nga trên địa bàn Đại sứ quán Nga ở Chisinau.

Theo TASS, Hội đồng Liên bang Nga đã lên lịch bầu cử Tổng thống Nga vào ngày 17/3/2024. Hoạt động bỏ phiếu sẽ diễn ra trong 3 ngày 15,16 và 17 tháng 3. Hàng trăm nghìn công dân Nga sinh sống ở Moldova và vùng ly khai Transnistria đang có nguy cơ không thể bỏ phiếu.

Trong khi đó, theo AP, cuộc biểu tình ngày 1/2 ở Chisinau là diễn biến mới nhất trong chuỗi một loạt các cuộc biểu tình chống chính phủ Moldova diễn ra suốt 18 tháng qua. Các cuộc biểu tình này chủ yếu do Đảng Shor (hoặc SOR) thân Nga phát động.

Đây là một đảng chính trị dân túy tại Moldova, được biết đến với tên gọi "Phong trào Xã hội-Chính trị Công bằng" từ khi thành lập vào năm 1998 cho đến tháng 10 năm 2016, với các quan điểm chống châu Âu và ủng hộ Nga. Tuy nhiên, Đảng Shor đã bị đóng cửa vào năm 2023 sau khi bị tuyên bố vi phạm Hiến pháp.

"Một số thành viên cấp cao của Đảng Shor đã tham gia cuộc biểu tình. Ilan Shor - người đứng đầu Đảng Shor sống lưu vong ở Israel cũng đã chia sẻ đoạn video về cuộc biểu tình trên trang Facebook cá nhân" - AP cho hay.

Hỗn loạn ở nước sát Ukraine: Hàng nghìn người vây tòa nhà quốc hội, lý do từ 1 mệnh lệnh nhằm vào Nga?- Ảnh 7.

Nhiều cuộc biểu tình diễn ra ở Moldova thời gian qua. Ảnh: Mail.ru

Còn theo hãng thông tấn RIA Novosti (Nga), các cuộc biểu tình tại Moldova đã diễn ra trong hai ngày 1 và 2/2. Ngày đầu tiên là cuộc biểu tình chống chính phủ trước tòa nhà Quốc hội ở Chisinau, với các đại diện đến từ Đảng Phục hưng Moldova và có thêm các thành viên đến từ Đảng Shor bị cấm, như hãng tin AP đề cập.

Thông tin trên Facebook chính thức của Đảng Shor cho biết, các đại diện của Đảng này tham gia biểu tình để phản đối quyền lực của Đảng Hành động và Đoàn kết, cũng như những gì bà Maia Sandu đã gây ra, song không cho biết cụ thể.

Trong khi đó, cuộc biểu tình thứ hai diễn ra gần tòa nhà chính phủ nhằm chống lại chính sách của Đảng Hành động & Đoàn kết. Cuộc biểu tình gồm những người ủng hộ "Khối Cộng sản và Xã hội chủ nghĩa" (BCS) ở Moldova.

Những người biểu tình mang theo biểu ngữ kêu gọi dừng tăng giá, không phá hủy doanh nghiệp Đường sắt Moldova, trả lương cho nhân viên nhà nước và từ bỏ quá trình tư nhân hóa tài sản nhà nước. Họ cũng đồng thời yêu cầu chính phủ đương nhiệm Moldova từ chức.

"Tất cả đều nhận thấy rằng những người đang lấy đi mọi thứ từ công dân chúng ta đang ngồi trong tòa nhà chính phủ, trong tòa nhà Quốc hội và chiếm đa số ghế trong Quốc hội, nhất là Tổng thống Maia Sandu. Họ không thể mang lại điều gì tốt đẹp hơn cho đất nước và công dân của chúng ta" - Nghị sĩ BCS Diana Karaman nói.

"Chính phủ này đã đưa đất nước trở lại tình trạng suy thoái. Mọi thứ họ chạm vào đều bị phá hủy. Công ty Nhà nước 'Đường sắt Moldova' đã tạo ra lợi nhuận trong nhiều năm, vậy mà giờ đây họ muốn giao nó vào tay tư nhân.

Chúng tôi muốn nói rằng vấn đề không phải ở doanh nghiệp, mà là do chính phủ này không thể quản lý được gì cả. Và nếu họ đã không thể làm được gì thì hãy rời đi, nhường chỗ cho những người có thể làm được" - Grigory Novak, một nghị sĩ khác của BCS cho hay.

Theo RIA, trong cuộc biểu tình, đã có những thành phần kích động, huýt sáo để át tiếng loa kêu gọi dừng biểu tình của cảnh sát.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại