1. Đêm qua, sau trận thắng của U23 Việt Nam trước U23 Iraq, rất nhiều người hâm mộ Việt Nam tìm kiếm xem đối thủ của mình ở trận bán kết là ai, và trận đấu sẽ diễn ra vào ngày nào, và bất ngờ thay, Google báo rằng trận bán kết ấy là giữa U23 Qatar với... U23 Iraq, chứ chẳng phải Việt Nam. Xin nhắc lại, Google đấy nhé!
Chưa hết, Soccerway.com - một trong những trang thông tin, dữ liệu bóng đá hàng đầu thế giới cũng nhầm lẫn y hệt Google.
Đơn giản, bởi tất cả cùng nghĩ rằng việc U23 Iraq vượt qua U23 Việt nam để góp mặt ở bán kết là điều mặc định, chẳng có gì phải bàn cãi.
Đến Google còn tin là U23 Iraq mới là đội lọt vào bán kết.
Gần 68 năm trước, bóng đá thế giới cũng đã từng chứng kiến một màn "ngã ngửa người" như thế.
Ngày 29/6/1950, một bức điện tín từ thành phố Belo Horizonte của Brazil vượt Đại Tây Dương về đến London của nước Anh với nội dung thông báo kết quả trận đấu thuộc lượt trận thứ 2 vòng đấu bảng World Cup 1950 giữa Anh và Mỹ.
Tất cả các biên tập viên của những tờ báo hàng đầu xứ sở sương mù đều phàn nàn về lỗi sơ đẳng của người soạn bức điện tín, khi tỷ số được ghi là 0-1, và tất cả các tờ báo đều thống nhất "cứu cho người gửi vô trách nhiệm một bàn thua trông thấy" bằng cách sửa lại cho chính xác là... 10-1.
Không thể trách được những biên tập viên người Anh ngày đấy, bởi ai mà có thể ngờ được đội tuyển Anh hùng mạnh với những Alf Ramsey, Roy Bentley, Tom Finney, Stan Matthews... lại có thể thất bại trước một đội bóng nghiệp dư "hạng nặng" như Mỹ được.
Đội tuyển Mỹ ngày ấy chỉ được tập trung trước giải có... 10 ngày, với mục đích giao lưu và... du lịch là chính, và thậm chí chút xíu nữa đã không có được trang phục thi đấu, và tỷ lệ chiến thắng trước đội tuyển Anh là... 1 ăn 500.
Hôm qua, trên sân Thường Thục, tỷ lệ chiến thắng của U23 Việt Nam chẳng quá viễn vông như đội tuyển Mỹ 68 năm về trước, nhưng cũng đủ để rất ít những người yêu mến thầy trò HLV Park Hang-seo kỳ vọng vào một điều bất ngờ lớn lao đến thế, và đa số cũng chỉ dám mong đến một trận đấu "coi được".
Và hãy nhớ rằng, giống như những biên tập viên hàng đầu Anh quốc ngày xưa, Google đêm qua đã nhầm.
2. Gần 68 năm trước, 8 phút trước giờ giải lao, đội tuyển Mỹ tạo nên bước ngoặt "kinh thiên động địa" với bàn thắng của Joe Gaetjens tung lưới đội tuyển Anh, mở tỷ số trận đấu. Ngày ấy, trước cầu môn của mình, thủ thành người Mỹ Frank Borghi chết lặng trong sự sợ hãi cùng ý nghĩ: "Lạy Chúa, sự trả thù của người Anh sắp đổ sập xuống đầu mình mất".
Hôm qua, trên đất Trung Quốc, Công Phượng và các đồng đội không chỉ tạo có một "bước ngoặt" như người Mỹ ngày nào, mà là đến 4 "bước ngoặt" kinh thiên động địa: bàn mở tỷ số của Công Phượng, bàn san bằng tỷ số trong hiệp phụ của Văn Đức, bàn đưa Việt Nam vươn lên của Đức Chinh, và cuối cùng là cú luân lưu hạ gục hoàn toàn U23 Iraq của Bùi Tiến Dũng.
Nếu như sự sợ hãi của thủ thành Frank Borghi ngày nào được ông biến thành động lực để vô hiệu hóa hoàn toàn hơn 20 cú kết thúc đầy uy lực của đội tuyển Anh, đem về chiến thắng để đời cho bóng đá Hoa Kỳ, thì trên sân Thường Thục, các chiến binh áo đỏ thậm chí còn chẳng mảy may sợ hãi, thậm chí còn "át vía" được cả đối thủ, và nã đến 3 bàn thắng vào lưới đối phương.
Năm 1994, đồng đội ngày nào của Frank Borghi - Harry Keough đã mô tả pha cứu bóng của ông trên Washington Post: "Borghi vươn người bay theo quả bóng, bàn tay trần của ông xòe rộng và cong theo hướng trái bóng bay. Khi người Anh nghĩ rằng quả bóng đã qua vạch vôi, cũng là lúc Borghi vươn tay đến được trái bóng để ngăn nó bay tiếp. Đó quả là một cảnh tượng hùng vĩ".
Một cảnh trong phim "Trận đấu của cuộc đời".
Đêm qua, thủ thành của U23 Việt Nam Bùi Tiến Dũng cũng đã có cho riêng mình một cảnh tượng hùng vĩ như thế, với pha cứu thua xuất thần sau "tiếng còi méo" không bắt việt vị cầu thủ U23 Iraq ở pha thoát xuống đối mặt vào phút 120+1. Không chỉ riêng thủ thành người Thanh Hóa, tất cả các cầu thủ U23 Việt Nam hôm qua đều có những cảnh tượng hùng vĩ của riêng mình.
Năm 2005, điện ảnh Mỹ đã tái hiện trận đấu ngày ấy bằng bộ phim "Trận đấu của cuộc đời", với tài tử người Soctland - Gerrard Butler sắm vai chính - thủ thành Frank Borghi.
Chiến thắng lịch sử này của các học trò HLV Park Hang-seo xứng đáng để dựng phim, nhưng chắc hẳn đạo diễn của "Trận đấu cuộc đời" phiên bản Việt Nam sẽ phải tốn kha khá thời gian và công sức cho công tác casting, bởi bộ phim ấy sẽ có rất, rất nhiều nhân vật chính.
Mười sáu năm sau thất bại đớn đau trước đội tuyển Mỹ ngày ấy, người Anh lần đầu tiên và duy nhất đoạt chức vô địch World Cup, và 40 năm sau trận đấu ấy, người Mỹ mới lại một lần nữa được dự VCK World Cup, lần này là với tư cách chủ nhà.
Rất có thể thất bại trước U23 Việt Nam sẽ là động lực để Iraq chơi tốt hơn ở các giải đấu sau, để rồi đoạt chức vô địch như đã từng làm được 5 năm về trước. Với U23 Việt Nam, có thể rất nhiều năm sau nữa mới có thể lặp lại được kỳ tích hôm nay, nhưng điều ấy chẳng còn quan trọng nữa rồi, bởi ngay lúc này, họ đã có được "trận đấu cuộc đời" của chính mình.
Mỗi thành viên của đội tuyển U23 Việt Nam hôm nay, đến mãi về sau sẽ chẳng thể nào quên được trận đấu hôm qua, đấy là điều chắc chắn. Quang Hải sẽ có thêm một chiếc áo đấu đóng khung treo trang trọng trong phòng khách, Công Phượng sẽ có thêm nhiều em gái sẵn sàng trao trọn trái tim, Phan Văn Đức sẽ chẳng bao giờ quên được "lần đầu tiên" không tưởng này...
Và quan trọng nhất, "trận đấu cuộc đời" của thầy trò HLV Park Hang-seo vẫn chưa kết thúc. Trận bán kết với U23 Qatar vẫn còn trước mặt đấy thôi...