Tại hội thảo về "Sức khỏe và an toàn thực phẩm" do Viện Kiểm nghiệm an toàn thực phẩm Quốc gia phối hợp với Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế tổ chức cuối tuần qua, nhiều con số về chất lượng thực phẩm được viện trưởng viện này công bố.
Ám ảnh dầu bẩn
Trong phần báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016, do Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày trước Quốc hội ngày 5/6, tình hình ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm được phản ánh là diễn ra khá nghiêm trọng ở một số địa phương.
Báo cáo của Quốc hội thông tin, mỗi năm có khoảng 70.000 người chết vì bệnh ung thư và hơn 200.000 ca phát hiện mới, trong đó có một phần nguyên nhân từ việc sử dụng thực phẩm không an toàn.
"Theo điều tra dịch tễ học của Hiệp hội ung thư thế giới thì có khoảng 35% ca mắc bệnh ung thư có nguồn gốc thực phẩm không an toàn và có thể phòng được", ông Phan Xuân Dũng cho biết.
Tỷ lệ tồn dư hóa chất vượt ngưỡng cho phép là 8,47% đối với rau; kiểm tra đối với 54.750 lượt hộ nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đã phát hiện 9.056 hộ vi phạm (chiếm 16,54%); kiểm tra 2.064 đợt với 63.230 lượt cơ sở sản xuất, buôn bán thuốc bảo vệ thực vật, phát hiện và xử lý trên 7.434 cơ sở vi phạm (chiếm 11,7%).
Hội thảo đã chia sẻ thông tin về tầm quan trọng của chất béo đối với sự phát triển của trẻ nhỏ; hướng dẫn cách thức bổ sung chất béo tốt nhất cho trẻ đã nhận được nhiều quan tâm.
Tại hội thảo, PGS Lê Thị Hồng Hảo – Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm An toàn thực phẩm Quốc gia cho biết, tình trạng an toàn thực phẩm hiện nay. Không chỉ có các chất cấm trong thực phẩm mới là nỗi lo của người tiêu dùng. Các sản phẩm thực phẩm chế biến sẵn hấp dẫn qua chiên rán cũng rất đáng báo động.
Bà Lê Thị Hồng Hảo cảnh báo về nạn dầu bẩn và nỗi lo an toàn thực phẩm từ các sản phẩm chiên rán
Các loại thực phẩm có chất tăng trưởng, trong đó có 2 nhóm chính: nhóm β2-agonist và nhóm các steroid; nguy hiểm nhất là các chất tăng trọng nhóm β2-agonist, tiếp đến là chất tạo màu Auramine
Trong khi đó, ám ảnh về bê bối dầu ăn bẩn Đài Loan 2014 đã phát hiện 243 tấn dầu ăn được tái chế từ rác thải, vật liệu nhiễm độc bán cho tập đoàn Chang Guann, chế thành 780 tấn dầu ăn vẫn ám ảnh với hàng triệu dư luận, là tiếng chuông dóng lên về tình trạng an toàn thực phẩm từ chính chai dầu ăn trong bếp nhà mỗi người.
Theo bà Hảo, tại Việt Nam tình trạng dầu ăn "bẩn" không hiếm, các loại dầu ăn không rõ nguồn gốc được đóng trong chai, túi ni lông bán ở chợ.
Bà Hảo cho hay để nhận biết dầu ăn an toàn bằng mắt thường và mùi vị là vô cùng khó khăn, dầu bẩn vẫn có thể không có mùi, màu nào khác lạ vì thế người tiêu dùng nên tránh xa những loại dầu, mỡ không rõ nguồn gốc và khi sử dụng nếu thấy có mùi lạ phải bỏ ngay.
Sử dụng dầu ăn sai rước bệnh vào thân
PGS Hảo cho biết, không chỉ sử dụng dầu ăn chiên đi chiên lại không nên dùng dầu ở nhiệt độ quá cao. Khi dầu bị đun nóng nhiều lần, thành phần hoá học sẽ thay đổi: vitamin A, E và một số chất dinh dưỡng trong dầu bị phá hủy và sẽ xuất hiện một số chất độc như aldehyde, fatty acid oxide...
Những chất này, khi đi vào cơ thể, sẽ phá hủy các men tiêu hóa làm khó tiêu, gây nhức đầu, chóng mặt, đau bụng, tiêu chảy, huyết áp tăng cao...
Ngoài ra, dầu ăn chiên đi chiên lại nhiều lần sẽ dễ bị oxy hóa do tiếp xúc với oxy từ bên ngoài môi trường. Điều này không chỉ dẫn đến sự thay đổi bất lợi về mùi vị và màu sắc của món ăn mà còn gây các bệnh lý mãn tính như ung thư, tiểu đường, tim mạch...
Các cơ sở chế biến đồ chiên rán đều sử dụng dầu chiên đi chiên lại nhiều lần
Trong khi đó, Viện Kiểm nghiệm an toàn thực phẩm quốc gia đã tiến hành khảo sát 100 cơ sở thì có tới 84 cơ sở sử dụng dầu chiên đi chiên lại, 81 cơ sở tái sử dụng dầu ăn trong ngày tại 4 quận nội thành Hà Nội là Đống Đa, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy.
Trong đó, hai quận Cầu Giấy và Hai Bà Trưng 100% các cơ sở được kiểm tra sử dụng dầu chiên đi chiên lại nhiều lần để chiên rán các sản phẩm bánh, quẩy, hành phi.
Riêng quận Cầu Giấy, khảo sát 20 cơ sở thì không có cơ sở nào có hợp đồng cung cấp dầu ăn với các nơi cung cấp mà chủ yếu được mua bán trôi nổi ngoài thị trường. Việc ăn các loại thực phẩm này ảnh hưởng tới sức khỏe và cũng là nguy cơ gây ra các bệnh không lây nhiễm đặc biệt là ung thư.
Khi chiên rán nếu sử dụng nhiệt độ vừa phải khi nấu nướng, chiên rán để thực phẩm chín sâu, dầu không bị cháy.
Một số loại dầu có điểm bốc khói thấp (khả năng chịu nhiệt không cao) như dầu ô-liu extra virgin (siêu nguyên chất), không nên được dùng để chế biến ở nhiệt độ cao, trong thời gian dài.
Với trẻ nhỏ nên sử dụng dầu ăn đặc chế riêng cho trẻ em với công thức được tối ưu hoá, phù hợp với nhu cầu phát triển và hệ tiêu hoá của trẻ đáp ứng yêu cầu cung cấp chất béo cho trẻ theo khuyến nghị của các chuyên gia dinh dưỡng.