Theo báo cáo nhanh của Bộ Công Thương, đến 12 giờ hôm nay 16-2, hàng trăm container hàng hóa, chủ yếu là nông sản , vẫn đang ùn ứ tại các cửa khẩu thuộc các tỉnh Lạng Sơn, Lào Cao để chờ xuất sang Trung Quốc.
Tình hình dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona ( Covid-19 ) gây ra diễn biến phức tạp, cùng với việc triển khai các biện pháp phòng chống dịch của Việt Nam và Trung Quốc, khiến việc xuất nhập khẩu hàng hóa bị ảnh hưởng.
Cụ thể, cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Lạng Sơn) hiện đang tồn 376 xe nông sản, trái cây như thanh long, mít, ớt, nhãn. Tại cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) tồn 1 xe container thanh long.
Nông sản tiếp tục ùn ứ tại các cửa khẩu, chờ xuất sang Trung Quốc
Tại cửa khẩu Cốc Nam (Lạng Sơn) tồn 10 xe nông sản, tạp hóa, da bò, mỹ phẩm; Cửa khẩu Chi Ma (Lạng Sơn): còn tồn 4 xe (1 xe tái nhập khẩu thạch đen, 1 xe hồ tiêu, 2 xe quả sung khô). Riêng tại Ga Đồng Đăng (Lạng Sơn) còn tồn 22 toa thép tròn.
Ở Lào Cai, lượng hàng hóa ùn ứ ở cửa khẩu cũng còn lớn. Theo đó, Cửa khẩu Kim Thành I đang tồn hơn 365 xe trái cây các loại, chủ yếu là thanh long. "Lượng xe đang lên khu vực cửa khẩu tăng nhanh do thương lái, doanh nghiệp tăng cường chuyển hàng lên cửa khẩu khi thấy thông tin từ nhiều kênh khác nhau về việc xuất khẩu tại các cửa khẩu đang có tín hiệu thuận lợi"- thông tin từ Bộ Công Thương cho hay.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh vừa ký Công điện gửi UBND các tỉnh biên giới phía Bắc đề nghị cho phép thực hiện hoạt động xuất nhập khẩu và vận chuyển hàng hóa theo quy định qua các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính và cửa khẩu phụ Tân Thanh, Cốc Nam (tỉnh Lạng Sơn), lối mở Km3+4, phường Hải Yên, TP Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh).
Trong Công điện nêu rõ hoạt động xuất nhập khẩu và vận chuyển hàng hóa được thực hiện trên cơ sở áp dụng nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch trong hoạt động xuất nhập khẩu và vận chuyển hàng hóa qua biên giới theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại công văn số 568/BYT-DP ngày 8-2-2020.
Bộ Công Thương cũng nhận định các lô hàng nông, lâm, thủy sản và trái cây Việt Nam mặc dù có thể được làm thủ tục thông quan xuất khẩu, nhưng tiến độ sẽ chậm hơn nhiều so với thời gian trước do phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch bệnh.
Do đó, Bộ Công Thương khuyến cáo, kêu gọi các doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân liên quan theo dõi sát tình hình tại khu vực cửa khẩu biên giới, hạn chế đưa hàng hóa lên biên giới, trừ trường hợp đưa lên để xuất khẩu theo hình thức chính ngạch và phía đối tác Trung Quốc có khả năng nhận hàng.
Đồng thời, đề nghị các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân cần liên hệ với đối tác phía Trung Quốc để đàm phán chuyển đổi sang hình thức xuất khẩu chính ngạch và chủ động áp dụng các biện pháp sẵn sàng chuyển đổi như thay đổi bao bì, nhãn mác hàng hóa, dán tem truy xuất nguồn gốc, bảo đảm an toàn thực phẩm…