Chủ tịch Ủy ban Tổng tuyển cử Indonesia (KPU) Hasyim Asy'ari trong một cuộc họp báo ở Jakarta hôm 19/2 xác nhận thông tin trên đồng thời cho biết khoảng 4.000 người khác bị ốm trong khoảng thời gian từ ngày 14 đến ngày 18/2 do mệt mỏi sau khi tham gia công tác hỗ trợ cuộc tổng tuyển cử.
Như vậy, cuộc bầu cử mới nhất vẫn cướp đi sinh mạng của hàng chục người, ngay cả khi chính phủ Indonesia đã áp đặt giới hạn độ tuổi cho tình nguyện viên và bắt buộc kiểm tra sức khỏe của họ. Trong cuộc bầu cử năm 2019, hơn 500 nhân viên đã qua đời. Nhà chức trách Indonesia khi đó cho biết hầu hết những người thiệt mạng đều trên 50 tuổi.
Năm triệu tình nguyện viên được trả lương đã làm việc tại 800.000 điểm bỏ phiếu trên toàn Indonesia hôm 14/2.
Việc vận hành quy trình bỏ phiếu ở Indonesia đòi hỏi phải làm việc suốt ngày đêm để phân phát, đếm và báo cáo về hàng phiếu bầu bằng giấy. Quy trình này có thể kéo dài hơn 12 tiếng đồng hồ sau khi các địa điểm bỏ phiếu đóng cửa.
Cuộc bầu cử ở Indonesia, với hơn 200 triệu trong số 270 triệu dân đủ điều kiện bỏ phiếu, là cuộc bầu cử diễn ra trong một ngày lớn nhất thế giới. “Xứ sở vạn đảo” thường tổ chức bầu cử tổng thống 5 năm một lần. Vào ngày 14/2 năm nay, Indonesia tổ chức tổng tuyển cử để lựa chọn người kế nhiệm Tổng thống Joko Widodo và bầu cử Quốc hội nhiệm kỳ 2024-2029.
Ngày 14/2, Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Prabowo Subianto tuyên bố giành chiến thắng trong vòng đầu tiên của cuộc bầu cử tổng thống sau khi kết quả kiểm phiếu sơ bộ ngoài phòng bỏ phiếu được công bố. Kết quả chính thức của cuộc bầu cử dự kiến được công bố vào ngày 20/3.