Chiếc xe hơi đầu tiên lăn bánh trên đường phố Thái Lan từ khoảng những năm 1900 nhờ hoàng tộc đất nước này nhập khẩu. Hơn 60 năm sau, ngành công nghiệp ô tô Thái Lan manh nha hình thành và ngày nay vươn lên vị trí số 1 ASEAN và thứ 9 thế giới với sản lượng 2,5 triệu xe được sản xuất vào năm 2013. Hiện ngành công nghiệp này đóng góp khoảng 12% GDP của Thái Lan.
Đến nay Thái Lan đã trở thành nhà sản xuất ô tô đứng đầu ASEAN với gần 2 triệu xe mỗi năm, nhiều nhà sản xuất xe hơi lớn nhất trên thế giới đều dựa vào các nhà máy và nhân công ở Thái Lan để tạo động lực cho sản xuất trong khu vực của mình.
Các chính sách hấp dẫn hứa hẹn sẽ thu hút được ngành công nghiệp xe hơi thế hệ tiếp theo đến với Thái Lan tập trung vào những tiến bộ trong công nghệ điện tử, điện mặt trời và ô tô chạy điện.
Ngành công nghiệp ô tô Việt Nam nên học gì từ người đứng đầu?
Định hướng toàn ngành rõ ràng
Năm 1960, chính phủ Thái Lan bắt đầu ban hành chính sách thay thế nhập khẩu để thúc đẩy ngành ô tô nội địa. Năm 1961, công ty ô tô đầu tiên được thành lập có tên Anglo - Thai Motor được thành lập trên cơ sở liên doanh giữa hãng Ford của Anh và Thai Motor Industry, bắt đầu lắp ráp nội địa.
Thị trường tiêu thụ thời điểm này khá nhỏ với chỉ hơn 3.200 xe khách và hơn 520 xe khác được bán vào năm 1961. Đến năm 1970, lắp ráp nội địa tăng đến con số trên 10.600 xe. Sau 10 năm, số xe lắp ráp của Thái vẫn chiếm một nửa thị trường.
Những năm 70 - 80, Chính phủ Thái Lan ban hành những chính sách nhằm thúc đẩy công nghiệp lắp ráp nội địa như tăng thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc CBU lên 150% hay cấm nhập khẩu CBU năm 1978.
Điều này khiến các công ty sản xuất phụ tùng nội địa tăng mạnh đồng thời thúc đẩy việc sản xuất những bộ phận đơn giản như hệ thống phanh, bộ tản nhiệt, kính,..
Đến những năm 1990, những rào cản thị trường được xóa bỏ, thị trường ô tô Thái Lan bắt đầu tăng trưởng nhanh hơn. Lệnh cấm nhập khẩu xe hơi dưới 2,3 lit được dỡ bỏ năm 1991 khiến xe nhập khẩu Hàn Quốc tăng mạnh, các nhà sản xuất Nhật Bản tại Thái Lan đáp trả bằng cách cắt giảm chi phí, tung ra những mẫu xe giá thấp.
Sau khủng hoảng 1997, Thái Lan ban hành những quy định nới lỏng như nhà sản xuất nước ngoài không cần phải liên doanh với đối tác nội địa khi vào đất nước này, ưu ái lớn cho sản xuất xe tiết kiệm nhiên liệu hay cắt giảm thuế doanh nghiệp từ 30% xuống chỉ còn 20%.
Kể từ đây, công nghiệp ô tô Thái Lan bắt đầu bứt phá và năm 2012 trở thành nhà sản xuất xe hơi lớn nhất Đông Nam Á. 3 nhà sản xuất ô tô lớn nhất tại Thái Lan gồm Toyota, Isuzu và Honda.
Nhìn chung, ngành công nghiệp ô tô Thái Lan phát triển qua 5 giai đoạn chính gồm:
Giai đoạn thứ nhất tập trung vào việc sửa chữa đơn thuần những chiếc xe nhập khẩu nguyên chiếc từ nước ngoài CBU (Complete Build-up Unit).
Giai đoạn thứ hai chuyển sang lắp ráp thành phẩm từ những linh phụ kiện nhập khẩu từ nước ngoài CKD (Completely Knocked Down).
Giai đoạn thứ ba nền công nghiệp chuyển hướng sang sản xuất phụ tùng, tập trung vào những thiết bị gốc có giá trị gia tăng thấp.
Giai đoạn thứ tư vẫn tiếp tục nội địa hóa khâu sản xuất phụ tùng, nhưng đã chuyển sang sản xuất những thiết bị gốc có giá trị gia tăng cao.
Giai đoạn cuối cùng, tập trung vào hoạt động R&D (phát triển và thiết kế sản phẩm), với mục tiêu đưa Thái Lan trở thành trung tâm công nghiệp ô tô của khu vực.
Hiện nay, tại Thái Lan đã có trung tâm nghiên cứu của những hãng ô tô lớn trên thế giới như Toyota, Honda, Isuzu, Nissan và Denso.
Chính sách rộng mở cho nhà sản xuất
Để thúc đẩy ngành công nghiệp ô tô phát triển, Thái Lan chia khu vực ưu tiên thành 3 vùng: Vùng 1, vùng 2, vùng 3.
Đối với những nhà sản xuất ô tô, điều kiện để được hưởng ưu đãi bao gồm:
- Sản lượng thực tế không thấp hơn 100.000 chiếc/năm trong bất kỳ năm nào suốt 5 năm đầu tiên hoạt động.
- Tất cả sản phẩm phải được dựa trên cùng một nền tảng được chấp nhận bởi Bộ đầu tư Thái Lan.
- Tổng vốn đầu tư trong 5 năm đầu miễn thuế doanh nghiệp không được nhỏ hơn 15 tỷ baht, không bao gồm chi phí đất đai, vốn lưu động.
- Kế hoạch đầu tư cho sản xuất phụ tùng, linh kiện phải được đệ trình và chấp nhận bởi Bộ đầu tư.
Đổi lại nhà sản xuất, lắp ráp ô tô sẽ được các nghĩa vụ nhập khẩu máy móc bất kể vùng nào, miễn thuế doanh nghiệp 5 năm và những quyền lợi khác theo quyết định số 1/2543 ký ngày 01/08/2000. Năm 2012, Toyota là nhà sản xuất, lắp ráp lớn nhất tại Thái Lan, chiếm 35% thị phần.
Đối với nhà sản xuất phụ tùng, Thái Lan cũng chia rõ chính sách gồm 2 nhóm: phụ tùng thông thường và công nghệ cao.
Những nhà sản xuất phụ tùng thông thường được miễn nghĩa vụ nhập khẩu máy móc, miễn thuế doanh nghiệp với vùng 1 là 3 năm, vùng 2 là 3-7 năm, vùng 3 là 8 năm.
Với nhà sản xuất phụ tùng công nghệ cao như ABS, hệ thống điều hòa không khí cho ô tô,… được miễn nghĩa vụ nhập khẩu với máy móc, và 8 năm thuế doanh nghiệp tại tất các vùng.
Những chính sách hỗ trợ xuất sắc
Một trong những yếu tố khiến các nhà đầu tư nước ngoài yên tâm đầu tư vào công nghiệp ô tô Thái Lan chính là chính sách ổn định, tạo điều kiện gia nhập thị trường như ưu đãi thuế, miễn thuế không chỉ với ngành sản xuất mà còn đối với hoạt động nghiên cứu phát triển.
Chính phủ Thái Lan còn cho phép nhà đầu tư nước ngoài mang những chuyên gia, kỹ sư và nhân viên vào nước này với chính sách visa linh hoạt. Nguồn nhân lực trong ngành công nghiệp ô tô Thái Lan cũng có kỹ năng cao nhất so với các nước khác trong khu vực.
Để trở thành trung tâm sản xuất ô tô lớn nhất khu vực, Thái Lan không chỉ xây dựng tốt chính sách và hạ tầng cho đầu vào mà còn cung cấp cơ sở hạ tầng xuất sắc phục vụ cho vận tải.
Mạng lưới giao thông tại Thái Lan xuyên suốt từ đông- tây, nam- bắc, dễ dàng kết nối tới các nước khác trong khu vực, sân bay quốc tế Bangkok và cảng biển nước sâu Laem Chabang, cùng hệ thống tầu hỏa kết nối thuận tiện khắp đất nước. Điều này khiến cho các khâu xuất nhập khẩu trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết.