Cơn bão số 3 (Yagi) và hoàn lưu bão đã kéo theo mưa lũ, gây ngập lụt trên diện rộng tại các tỉnh miền núi phía Bắc. Đến thời điểm hiện tại, dù bão đã đi qua nhưng người dân còn phải tiếp tục đối mặt với nguy cơ bùng phát các loại dịch bệnh nguy hiểm, đe dọa tới sức khỏe cộng đồng.
Đặc biệt, môi trường sau lũ thường ẩm ướt, ô nhiễm là điều kiện thuận lợi cho sự sinh sản và phát triển của muỗi truyền bệnh. Do đó, bệnh sốt xuất huyết rất dễ xảy ra. Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, số ca mắc sốt xuất huyết tại Hà Nội từ ngày 6/9 đến ngày 13/9 là 227 ca, tăng 37 trường hợp so với tuần trước đó.
Theo đó, bệnh nhân phân bố tại 27 quận, huyện, thị xã. Cũng trong tuần, Thành phố ghi nhận 9 ổ dịch sốt xuất huyết tại các đơn vị: Ba Đình, Đan Phượng, Cầu Giấy, Hai Bà Trưng, Hà Đông, Thanh Oai, Thạch Thất; giảm 1 ổ dịch so với tuần trước. Cộng dồn năm 2024, ghi nhận 142 ổ dịch, còn 18 ổ dịch đang hoạt động.
Nhân viên y tế phun hóa chất phòng ngừa sốt xuất huyết. Ảnh: Laodongthudo
CDC Hà Nội nhận định, đánh giá dịch sốt xuất huyết hiện đã bắt đầu bước vào giai đoạn cao điểm của dịch hàng năm (tháng 9 đến tháng 11). Đồng thời, kết quả giám sát tại một số ổ dịch vẫn ghi nhận chỉ số côn trùng cao vượt ngưỡng nguy cơ, dự báo số ca mắc sốt xuất huyết sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.
Mới đây, Bộ Y Tế cũng đã cảnh báo về nhiều loại dịch bệnh có thể bùng phát trong mùa mưa lũ như: Tiêu chảy cấp, bệnh đường hô hấp, bệnh về mắt, bệnh ngoài da và sốt xuất huyết...
Sốt xuất huyết ở người lớn là bệnh truyền nhiễm cấp tính do một loại siêu vi trùng có tên là Dengue gây ra. Sốt xuất huyết có thể lây lan sang người khác qua muỗi đốt và phát triển thành dịch. Bệnh gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng so với người lớn thì trẻ em là đối tượng dễ bị mắc bệnh hơn.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Dũng - Trưởng khoa Côn trùng, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương, nguyên nhân phát sinh dịch sốt huyết sau lũ bão là do các vi sinh vật, chất thải,… theo dòng nước tràn ra nhiều nơi, gây ô nhiễm môi trường. Đây cũng là thời điểm các ổ bọ gậy và muỗi phát sinh mạnh. Khi đó, khả năng tiếp xúc giữa người dân và các nguồn lây này lớn hơn, dẫn đến nguy cơ xảy ra dịch cao hơn.
‘‘Ngoài ra, một phần nguyên nhân làm tăng nguy cơ mắc bệnh cũng có thể đến từ sự chủ quan của người dân. Sau khi mưa bão và ngập lụt đi qua, mọi người thường quan tâm đến việc khắc phục hậu quả hơn là kiểm tra các ổ muỗi hay dụng cụ chứa nước trong gia đình. Bởi thông thường mọi người sẽ lo liệu cho người thân, gia đình sau thiên tai trước hết’’ - TS. Nguyễn Văn Dũng cho biết.
Theo các chuyên gia sức khỏe, bệnh sốt xuất huyết khởi phát khá đột ngột và diễn biến qua 3 giai đoạn: Giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn phục hồi. Tùy vào giai đoạn và mức độ của bệnh sẽ có những dấu hiệu và triệu chứng khác nhau.
Giai đoạn sốt:
Sau thời gian ủ bệnh, người bệnh sốt xuất huyết sẽ bắt đầu khởi phát các triệu chứng như sốt cao đột ngột từ 39 - 40 độ C trong 2-7 ngày. Ngoài ra, người bệnh còn có các triệu chứng khác đi kèm như: Đau họng, đau cơ, mệt mỏi, nhức hai hốc mắt, đau vùng thượng vị, tiêu chảy, đau đầu, da xung huyết,…
Giai đoạn nguy hiểm:
Giai đoạn này thường rơi vào khoảng 3-7 ngày sau giai đoạn sốt. Người bệnh có thể còn sốt hoặc đã thuyên giảm, xuất hiện một số trường hợp nhiễm trùng thứ phát với biểu hiện hạ tiểu cầu và cô đặc máu.
Một số biểu hiện của người bệnh sốt xuất huyết ở giai đoạn nguy hiểm như: Thoát huyết tương do tăng tính thấm thành mạch, tràn dịch phổi, khó thở, nôn ra máu, đi tiểu ra máu, ho ra máu,... Đây là giai đoạn người bệnh cần được chăm sóc và theo dõi kỹ càng dưới sự chỉ đạo của bác sĩ.
Giai đoạn phục hồi:
Sau giai đoạn nguy hiểm khoảng 2 - 3 ngày, người bệnh hết sốt, tình trạng cải thiện nhiều, có biểu hiện thèm ăn, huyết áp ổn định hơn và tiểu nhiều hơn. Tuy nhiên, người nhà không được lơ là các triệu chứng bất thường dù bệnh nhân đang hồi phục. Nếu không được chăm sóc và theo dõi kịp thời, bệnh nhân vẫn có nguy cơ phù phổi và suy tim.
TS Nguyễn Văn Dũng cũng khuyến cáo giai đoạn đáng lo ngại nhất của bệnh sốt xuất huyết là sau khi bệnh nhân giảm sốt.
‘‘Chu kỳ sốt đầu tiên có thể từ 38 - 40 độ C nhưng chưa hẳn đáng lo bằng giai đoạn hạ sốt. Thời điểm bệnh nhân có dấu hiệu hạ sốt mà người nhà đã vội chủ quan, không theo dõi và kịp thời đưa đến bệnh viện thì rất có thể xảy ra tình trạng máu đông, gây nguy hiểm đến tính mạng. Do đó, khi bệnh nhân có triệu chứng sốt cao, người nhà cần đưa ngay đến bệnh viện để theo dõi và tuyệt đối không chủ quan khi thấy bệnh thuyên giảm’’ - TS Nguyễn Văn Dũng nói.
Trong mùa mưa lũ, việc phòng chống bệnh sốt xuất huyết cần được người dân chú trọng và đề cao. TS. Nguyễn Văn Dũng tư vấn cách tốt nhất để phòng chống loại bệnh này trong mùa bão lũ chính là chống ổ muỗi và bọ gậy. Dựa vào tình hình ngập lụt, người dân có thể thực hiện một số cách phòng chống sau đây:
Trong trường hợp nước lũ vẫn đang dâng cao, dù điều kiện sinh hoạt còn nhiều khó khăn và thiếu thốn, người dân nên ngủ màn để phòng muỗi đốt cả ban ngày và ban đêm. Nếu có điều kiện, mỗi gia đình nên trang bị bình xịt côn trùng, dung dịch khử khuẩn để để diệt muỗi và phòng muỗi đốt.
Khi nước lũ đã rút, việc cần làm đầu tiên chính là vệ sinh nhà cửa. Ngoài ra, người dân nên loại bỏ các vật liệu phế thải, hốc nước tự nhiên, lật úp các vật dụng có thể chứa nước để không tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi đẻ trứng. Khi bị sốt, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị.