Hơn 20 triệu thùng dầu Iran đổ bộ cảng TQ: Mỹ "giận tím mặt" nhưng cũng không thể bắt bẻ?

Tất Đạt |

Iran và Trung Quốc đang bắt tay nhau để cùng đạt được lợi ích mà vẫn không vi phạm cấm vận Mỹ.

Lượng dầu mỏ khổng lồ

Theo Bloomberg, các tàu chở dầu đang dỡ hàng triệu thùng dầu xuất xứ Iran để đưa vào các kho lưu trữ ở cảng của Trung Quốc - quốc gia mua dầu lớn nhất thế giới.

Hơn 2 tháng sau khi Nhà Trắng áp dụng lệnh cấm đối với dầu Iran, sản phẩm của nước này vẫn tiếp tục được gửi tới Trung Quốc và được giữ tại những "kho hàng kí gửi" - theo lời của những người hoạt động tại một số cảng Trung Quốc.

Số dầu mỏ này không đi qua hải quan, không xuất hiện trong dữ liệu nhập khẩu quốc gia và do đó cũng không vi phạm cấm vận. Mặc dù không lưu thông, nhưng sự hiện diện của số dầu mỏ này vẫn ảnh hưởng tới thị trường.

Việc dự trữ dầu có thể làm giảm giá dầu thế giới nếu các công ty lọc dầu Trung Quốc quyết định sử dụng số dầu được lưu trữ, ngay cả khi Tổ chức Các Quốc gia Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh hạn chế sản xuất giữa lúc các nền kinh tế lớn trên thế giới tăng trưởng chậm lại. Điều này cũng cho phép Iran tiếp tục khai thác dầu và đưa dầu mỏ tới gần những khách hàng tiềm năng.

"Dầu Iran đã được đưa tới các kho hàng kí gửi của Trung Quốc trong nhiều tháng nay, và vẫn được tiếp tục làm như vậy mặc cho hoạt động giám sát ngày càng chặt chẽ," Rachel Yew, một nhà phân tích tại công ty tư vấn công nghiệp FGE ở Singapore.

Hơn 20 triệu thùng dầu Iran đổ bộ cảng TQ: Mỹ giận tím mặt nhưng cũng không thể bắt bẻ? - Ảnh 1.

Trung Quốc nhận nhiều dầu mỏ Iran hơn số liệu công bố. Màu đen thể hiện số dầu mỏ Iran có tại cảng Trung Quốc, màu đỏ thể hiện số lượng được nhập cảnh. Ảnh: Bloomberg

"Chúng ta có thể hiểu tại sao các nhà sản xuất muốn làm như vậy, bởi việc tích trữ hàng hóa ở gần những nhà khách hàng chủ chốt rõ ràng đem lại lợi ích không nhỏ cho bên bán, đặc biệt khi cấm vận được nới lỏng vào một số thời điểm."

Theo dữ liệu theo dõi hàng hải của Bloomberg, có thể sẽ có nhiều dầu mỏ Iran được đưa tới các kho dự trữ Trung Quốc trong thời gian tới. Ít nhất hiện đang có 10 tàu chở dầu thô "siêu lớn" và 2 tàu chở dầu nhỏ hơn thuộc sở hữu của Công ty Dầu mỏ Quốc gia Iran đang tiến về Trung Quốc hoặc đang ở ngoài biển của Trung Quốc. Các phương tiện này đang chở theo tổng cộng hơn 20 triệu thùng dầu.

Số lượng dầu mỏ Iran được tích trữ trong các kho hàng Trung Quốc vẫn thuộc về Tehran và do đó, chúng không vi phạm cấm vận. Số dầu mỏ chưa "nhập cảnh" tại hải quan Trung Quốc nên trên lý thuyết, dầu mỏ Iran vẫn đang chờ quá cảnh mà chưa biết điểm tới tiếp theo là ở đâu.

Tuy nhiên, vẫn có một tỉ lệ nhỏ lượng dầu Iran thuộc về các thực thể Trung Quốc do các kế hoạch "đổi dầu lấy đầu tư". Ví dụ, một công ty dầu mỏ Trung Quốc có thể giúp đầu tư tài chính cho các dự án sản xuất ở Iran để đổi lại lợi nhuận bằng sản phẩm dầu mỏ.

Hiện chưa rõ liệu giao dịch như vậy có phải là vi phạm cấm vận hay không, vì thế nên các công ty Trung Quốc vẫn giữ dầu mỏ Iran ở các kho hàng tại cảng để tránh bị giám sát.

Bloomberg cho biết đã gửi fax cho Tổng cục Hải quan Trung Quốc nhưng vẫn chưa nhận được hồi đáp.

Thiếu minh bạch

Washington chưa có phản ứng đối với việc tích trữ dầu mỏ Iran ở các kho hàng của Trung Quốc. Ngày 2/5 vừa qua, Nhà Trắng đã kết thúc miễn trừ đối với một số quốc gia trong việc nhập khẩu dầu Iran.

Hiện tại không có nước nào được hưởng ngoại lệ trong việc nhập dầu Iran, và bất kì nước nào nhập các kiện hàng từ nhà sản xuất ở vịnh Ba Tư cũng sẽ được coi là vi phạm cấm vận - theo như quan chức cấp cao của chính quyền tổng thống Trump.

"Mỹ sẽ cần phải đánh giá mức độ vi phạm cấm vận," Michael Meidan, giám đốc Chương trình năng lượng Trung Quốc tại Viện nghiên cứu năng lượng Oxford, cho hay.

"Hiện vẫn chưa có các điều khoản rõ ràng về giao dịch tài chính hay việc chất hàng và dỡ hàng bởi các công ty và thực thể," bà nói.

Dữ liệu hàng hải cho hay Trung Quốc đã nhận khoảng 12 triệu tấn dầu thô Iran từ tháng 1 tới tháng 5 trong khi số lượng được hải quan thông qua là 10 triệu tấn. Sự khác biệt có thể là do số dầu được chuyển vào các kho hàng dự trữ.

Tàu Horse là một trong số các siêu tàu chở dầu Iran được cho là đã đưa dầu tới Trung Quốc trước khi lệnh miễn trừ của Mỹ kết thúc. Tàu này đã dỡ hàng tại Thiên Tân vào đầu tháng 7 sau khi xuất phát từ Trung Đông.

Một số tàu Iran khác cũng dỡ hàng tại Trung Quốc, ví dụ như tàu VLCC Stream dỡ hàng tại Thiên Tân vào ngày 19/6, tàu Amber, Salina, C. Infinity chuyển dầu thô xuống các cảng ở Tây Hải Ngạn, Cẩm Châu và Ninh Ba. Tàu Snow, Sevin và Maria III cũng có hướng đi về phía Trung Quốc.

Đưa dầu tới các kho hàng ở Trung Quốc cũng đồng nghĩa rằng Iran có thể tránh chi phí dự trữ dầu ở trên biển trong nhiều tháng. Nước Cộng hòa Hồi giáo đã dùng các kho dự trữ trên biển từ năm 2012 tới năm 2016, và một lần nữa vào năm 2018 khi khách hàng dừng mua dầu thô Iran do các hạn chế từ cấm vận thương mại Mỹ.

Theo chuyên gia ở Ngân hàng Mỹ Merrill Lynch, nếu dầu của Iran rời các kho hàng Trung Quốc và được bán ra thị trường, đây sẽ là áp lực lớn với giá dầu thế giới.

"Tăng mức thuế quan của Mỹ đối với hàng hóa Trung Quốc cũng sẽ khiến tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại trong khi tăng cường quan hệ hợp tác Iran - Trung Quốc. Nếu các nhà lọc dầu Trung Quốc bắt đầu mua khối lượng lớn dầu thô Iran giữa bối cảnh thuế quan Mỹ tiếp tục tăng, thì giá dầu WTI có thể sẽ giảm xuống mức 40 USD/1 thùng."

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại