Chị Sơn (phải) và chị (Nga) cùng gói bánh chưng.
Là người Việt Nam đầu tiên lấy chồng Do Thái và sang Israel định cư, dù thời gian đầu còn nhiều vất vả cũng như sau này khi đã ổn định cuộc sống, gần 30 năm qua trong chị Sơn vẫn luôn đau đáu hướng về quê hương. Xa quê từ năm 18 tuổi, chị vẫn nhớ những cái Tết xưa khi còn nhỏ được chứng kiến ông bà, bố mẹ gói bánh chưng và chuẩn bị mâm cỗ ngày Tết. Năm nào cũng vậy, mỗi dịp Tết Nguyên đán ở trong nước, ban ngày bận rộn với công việc kinh doanh, dù sớm hay muộn chị đều dành thời gian để cả gia đình có được không khí tết theo đúng phong tục truyền thống của người Việt.
Năm nay cũng vậy, về đến nhà 5 giờ chiều chị mới tất tả vào bếp. Lá chuối, gạo nếp, thịt lợn và các nguyên liệu làm mâm cỗ ngày tết đã được chuẩn bị sẵn từ trưa. Tại Israel với đặc thù khác biệt về tôn giáo và ẩm thực, để có được một nồi bánh chưng đón tết là cả một sự kỳ công. Người dân ở đây rất ít người ăn thịt lợn, để tìm mua thịt đã khó, tìm được thịt ba chỉ đúng với yêu cầu gói bánh chưng còn khó hơn nhiều. Lá gói bánh cũng là một vấn đề. Ở Haifa chỉ có thể tìm được lá chuối. Chị Sơn cho biết năm nay mưa bão nhiều nên khó kiếm được lá chuối bản to, lành lặn. Chị phải lặn lội vào các trang trại nhờ người quen xin từng chiếc lá gói bánh. Lá chuối nhỏ, giòn, dễ rách nên phải hơ lửa cho mềm. Xem trên mạng có nơi hướng dẫn cách dùng nylon thực phẩm và giấy bạc để gói bánh chưng, nhưng chị Sơn vẫn cố gắng hết sức để có thể gói bánh bằng lá. Chị tâm sự: “Gói bằng giấy bạc có thể bánh không bị vỡ, chín kỹ hơn. Nhưng bánh chưng mà không có màu xanh của lá thì mất đi một nửa sự hấp dẫn”.
Sắm sửa mâm cỗ ngày Tết để chồng con hiểu thêm về không khí bận rộn và náo nức khi đón Tết truyền thống ở Việt Nam, cũng là dịp để cả gia đình chia sẻ tâm tư, tình cảm của một người vợ, người mẹ xa quê, để con gái được mẹ dạy cách làm một số món ăn truyền thống phổ biến của người Việt.
Thời gian đầu sau khi lập gia đình cùng anh Zaide Avinoam và sang đây định cư, cả miền bắc Israel chỉ có mình chị là người Việt. Không có bạn bè, đồng hương để tâm sự, những lúc ấy tình cảm của chị lại đổ dồn vào những món ăn mang hương vị quê như nem rán, phở, canh miến. Từ tìm mua nguyên liệu, chế biến chị đều phải tự mày mò, tìm hiểu. Như việc làm món nem rán (chả nem), khó nhất vẫn là mua vỏ nem. Trước đây không có đồ Việt bán ở siêu thị, chị đều bắt tàu điện về thành phố Tel Aviv ở miền trung để tìm mua. Đây là một món ăn không thể thiếu mỗi khi gia đình có khách mời là bạn bè và hàng xóm người Do Thái, cũng là dịp để giới thiệu những món ăn và truyền thống của đất nước con người Việt Nam tới người dân bản địa.
Năm nay nhà chị Sơn có thêm một khách mời đặc biệt là chị Nga, vừa cùng chồng là người Do Thái hoàn thành thủ tục nhập cư (Aliyah) và chuyển đến Israel sinh sống. Hai vợ chồng chị Nga cũng có con trai mang dòng máu chung của hai dân tộc nên rất đồng cảm và chia sẻ. Sống ở thành phố Netanya, cách khoảng 1 giờ chạy xe, anh chị cũng háo hức đến chúc tết và làm mâm cỗ Việt cùng gia đình chị Sơn. Căn nhà càng thêm rổn rảng tiếng cười nói chuyện trò vui vẻ.
Mỹ Phương, con gái chị Sơn, là sự pha trộn giữa nét dịu dàng của mẹ và vẻ thông minh cương nghị của cha. Theo học cùng lúc hai chuyên ngành Kỹ sư vật liệu và Sinh vật học tại Đại học Technion, một trường đại học hàng đầu của Israel và top 300 đại học tốt nhất thế giới, Mỹ Phương là niềm tự hào của cả gia đình. Đang tập trung ôn thi cao độ, Mỹ Phương vẫn dành thời gian vào bếp cuốn nem cùng mẹ. Chị Sơn tâm sự: “Mọi năm chị đều cố gắng thu xếp để đưa con gái về thăm quê hương, hoặc là vào dịp Tết hoặc vào dịp nghỉ Hè. Tết Nguyên đán năm nay cả nhà đã tiêm vaccine đầy đủ, trong nước chính phủ Việt Nam đã mở lại các đường bay đón du khách nước ngoài và cộng đồng người Việt về quê ăn tết. Tuy nhiên, Mỹ Phương chuẩn bị có kỳ thi quan trọng nên anh chị quyết định không về Việt Nam mà ở lại hỗ trợ con gái ăn uống, sinh hoạt đầy đủ để đảm bảo sức khỏe”.
Với chị Sơn, tình cảm quê hương còn là ngôn ngữ, tiếng nói cội nguồn. Rời quê hương đã lâu, lại không có bạn bè người quen nói tiếng Việt, những lúc nhớ nhà nhớ quê chị lại dồn hết tình thương vào dạy tiếng Việt cho cô con gái nhỏ. Cũng là cách để được nói chuyện, giao tiếp bằng tiếng nói của quê hương. Chị vẫn nhớ như in một lần khi Mỹ Phương học Lớp 1, bị mẹ phạt vì không làm bài tập viết bằng tiếng Việt, nên vẽ hình “mẹ mặt xấu”. Bức vẽ ngộ nghĩnh vẫn được lưu giữ gần 20 năm qua như một kỷ niệm chung của cả gia đình. “Mỹ Phương giờ đã sắp trưởng thành, sẽ có những lựa chọn riêng cho mình trong sự nghiệp và cuộc sống, mình vẫn khuyến khích con gái về Việt Nam làm việc và cống hiến, để có thêm cơ hội được về theo”, chị cười tâm sự.
Mới đây, chị Sơn đã đăng ký tham gia khoá tập huấn kéo dài 2 tháng do Ủy ban người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức, dành cho giáo viên và tình nguyện viên để dạy Tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài. Tập huấn 3 buổi/tuần, mỗi ngày 4 tiếng, chị được dạy cách soạn giáo án, cách phát âm chuẩn và kỹ năng sư phạm. Chị tâm sự: “Lúc tham gia khóa học được nghe bài ‘Thương ca tiếng Việt’, nhớ lại thời gian đầu mới đặt chân sang đất khách quê người mà ứa nước mắt”. Chị cho biết đi học là để tự trau dồi khả năng sử dụng tiếng mẹ đẻ, vì nhiều từ đã lâu không dùng cũng bị mai một dần. Rồi học thêm các kỹ năng để truyền đạt và dạy tiếng Việt cho các thế hệ con cháu người Việt đang sinh sống tại Israel. Quan hệ hợp tác kinh tế, du lịch giữa hai nước ngày càng rộng mở, một số người Israel cũng có nhu cầu học tiếng Việt để sang Việt Nam du lịch và tìm cơ hội kinh doanh. Sau khóa học, chị đã có “học trò” đầu tiên chính là con trai của vợ chồng chị Nga, 11 tuổi, được chị bổ túc thêm tiếng Việt hàng tuần qua Internet.
Cùng với quá trình Việt Nam mở cửa, hội nhập ra thế giới, cộng đồng người Việt ở nước ngoài ngày càng đông hơn. Ở Haifa và miền Bắc Israel, chị Sơn đã có thêm một vài người bạn đồng hương để thỉnh thoảng gặp nhau hàn huyên, tâm sự. Những người con nặng lòng với quê hương như chị đang góp một phần nhỏ bé tạo nên dòng chảy văn hóa Việt khắp nơi trên thế giới.