Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Hòa Bình năm 2023 với chủ đề “Hòa Bình – Điểm đến đầu tư bền vững” đã được tổ chức sáng ngày 26/2 với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.
Tại hội nghị, tỉnh Hòa Bình đã lựa chọn, trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho 15 dự án vào tỉnh với tổng vốn đầu tư gần 48.000 tỷ đồng (tương đương hơn 2 tỷ USD).
Đây là lượng vốn đầu tư lớn đối với địa phương, là tin vui, tín hiệu tốt đối với KTXH của tỉnh, cả khu vực và cả nước.
Một số dự án đáng chú ý có thể kể đến: Dự án Nhà máy Xi măng Xuân Thiện tại xã Yên Đồng, huyện Lạc Thủy, tổng vốn đầu tư 29.800 tỷ đồng của Công ty TNHH Xuân Thiện Hòa Bình; Dự án Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp (KCN) Bình Phú tại xã Mông Hóa, TP. Hòa Bình của Công ty CP Tập đoàn Phú Mỹ (1.800 tỷ đồng); Dự án Khu nhà ở đô thị tại phường Dân Chủ, TP. Hòa Bình của Công ty CP Tập đoàn Danko (913,2 tỷ đồng); Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp Lahills tại xã Bình Thanh, huyện Cao Phong (122,5 tỷ đồng)…
Năm 2022, toàn tỉnh có 75 dự án đầu tư trong nước được chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp giấy phép đầu tư với tổng vốn đăng ký khoảng 35.000 tỷ đồng; so với cùng kỳ năm 2021, số dự án đầu tư được cấp phép đầu tư tăng 31 dự án, vốn đăng ký đầu tư bằng 102,2%.
Lũy kế đến cuối năm 2022, toàn tỉnh có tổng số 729 dự án đang hoạt động, trong đó, có 37 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đăng ký khoảng 608 triệu USD và 692 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 183.000 tỷ đồng.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình Nguyễn Phi Long, ngoài các chính sách ưu đãi chung, Hòa Bình còn có một số cơ chế chính sách ưu đãi như miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm đầu, giảm 50% trong 9 năm tiếp theo; miễn giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước; miễn giảm thuế xuất, nhập khẩu... Tỉnh đã ban hành chính sách khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp theo Nghị định 210 ngày 19/12/2013 của Chính phủ, chính sách khuyến khích đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…
Về lĩnh vực ưu tiên, Hòa Bình chú trọng thu hút đầu tư nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp chế tạo, chế biến các mặt hàng nông sản thực phẩm; trong thương mại, dịch vụ, tỉnh ưu tiên phát triển chuỗi cung ứng và tiêu thụ hàng hóa; trong du lịch, tỉnh ưu tiên thu hút đầu tư xây dựng khu du lịch quốc gia, các khu, điểm và kết nối tuyến du lịch...
Về thủ tục đầu tư, tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo giải quyết nhanh các các thủ tục đầu tư; theo đó thời gian giải quyết đang được rút ngắn, đáng chú ý là kể từ ngày nộp hồ sơ đề xuất đầu tư dự án hợp lệ, doanh nghiệp sẽ nhận được chấp thuận chủ trương đầu tư đúng với cam kết.
Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình Nguyễn Phi Long khẳng định Hòa Bình luôn mở rộng cửa chào đón các nhà đầu tư trong và ngoài nước, thực hiện nhất quán quan điểm "Chính quyền địa phương luôn đồng hành cùng sự phát triển của các nhà đầu tư".
Các nhà đầu tư sẽ được tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để thực hiện thành công dự án và đảm bảo phát triển bền vững trong tương lai, để Hòa Bình thực sự là điểm đến đầu tư bền vững của các nhà đầu tư.
Hòa Bình là tỉnh miền núi, phía Tây Bắc của Tổ quốc giáp với Thủ đô Hà Nội, cửa ngõ giao lưu giữa đồng bằng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ với Tây Bắc; là cửa ngõ thông sang Thượng Lào (điểm gần nhất cách biên giới Việt - Lào 30km), nằm trong giới hạn 20°19’ - 21°08’ độ vĩ bắc và 104°48’ - 105°40’ độ kinh đông, phía bắc giáp tỉnh Phú Thọ, phía đông giáp thành phố Hà Nội, phía tây giáp tỉnh Sơn La, phía nam giáp các tỉnh Ninh Bình, Hà Nam và Thanh Hóa.
Tỉnh Hòa Bình có mạng lưới giao thông đường bộ khá tốt, rất thuận tiện cho việc phát triển KT-XH, trở thành cửa ngõ giao lưu giữa các tỉnh Tây Bắc với các tỉnh vùng đồng bằng châu thổ Sông Hồng, Thủ đô Hà Nội và tam giác phát triển vùng Đông Bắc: Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và các tỉnh Bắc Trung bộ.