Hơn 11.000 lô đất được sang tay trong 1 năm tại địa phương “đất chật, người đông”, dự kiến có sân bay, khu công nghiệp và đô thị lấn biển…

Thanh Phong |

Lũy kế năm 2023, tỉnh Thái Bình có 2.350 giao dịch nhà ở và 11.394 giao dịch đất nền với tổng giá trị 5.992 tỷ đồng.

Sở Xây dựng tỉnh Thái Bình vừa thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản quý 4 và cả năm 2023. Theo đó, Sở này cho biết, từ quý IV/2022, thị trường bất động sản trải qua thời kỳ khó khăn, giao dịch mua bán bất động sản đình trệ; do các chính sách thắt chặt về tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp, lãi suất tăng cao; các vướng mắc về tính pháp lý của pháp luật về đất đai, nhà ở... chưa được tháo gỡ triệt để.

Trong bối cảnh đó, thị trường rơi vào trạng thái đóng băng, chờ đợi. Nhiều nhà đầu tư bất động sản trên địa bàn tỉnh Thái Bình rơi vào tình trạng khó khăn.

Cùng với việc tiến độ giải phóng mặt bằng của một số dự án không đảm bảo đúng tiến độ theo Hợp đồng, quá trình thực hiện còn nhiều khó khăn, vướng mắc, phức tạp cần giải quyết. Do đó một số nhà đầu tư chưa yên tâm, tin tưởng dành nguồn lực tài chính để nộp giá trị nộp Ngân sách Nhà nước M3.

Tới cuối năm 2023, tình hình bất động sản tại địa phương có chuyển biến, song số lượng nhà đầu tư tham gia đấu thầu, đấu giá dự án bất động sản vẫn còn hạn chế.

Một số dự án quy mô lớn có diện tích chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa trên 10 ha phải thực hiện thủ tục xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ về chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa, dẫn đến thời gian thực hiện giải phóng mặt bằng, giao đất cho nhà đầu tư kéo dài dẫn đến chậm triển khai thực hiện dự án.

Một số dự án ở giai đoạn trước còn tồn tại vướng mắc trong thủ tục giao đất thực hiện dự án. Hiện tại, UBND Thái Bình đã báo cáo gửi Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ để chỉ đạo tháo gỡ.

Tính đến hết quý IV/2023, trên địa bàn Thái Bình có 75 dự án nhà ở đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, trong đó có 21 dự án đã chấp thuận nhà đầu tư, 18 dự án thực hiện đấu giá và còn lại là đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Trong quý IV, tỉnh có 28 dự án phát triển nhà ở thương mại và 1 dự án nhà chung cư đang triển khai, cung cấp 372 căn chung cư và 4.375 căn nhà ở riêng lẻ. Có 28 dự án đất nền đã đầu tư xây dựng hạ tầng được phép chuyển nhượng với 10.462 nền. Một dự án nhà ở xã hội đang triển khai với 498 căn hộ.

Về số lượng giao dịch, trong quý IV/2023 toàn tỉnh có 609 căn nhà ở và 3.030 lô đất nền giao dịch thành công, tổng giá trị 1.737 tỷ đồng. Tính chung cả 2023, Thái Bình có 2.350 giao dịch nhà ở và 11.394 giao dịch đất nền với tổng giá trị 5.992 tỷ đồng.

Thái Bình là một tỉnh "đất chật, người đông", quy mô diện tích khá nhỏ (chiếm 0,48% diện tích cả nước), xếp thứ 54/63 tỉnh, thành phố. Tuy nhiên về dân số, Thái Bình xếp thứ 11/63 tỉnh, thành phố; chiếm 1,9% dân số cả nước và có mật độ dân số gấp 4 lần trung bình cả nước.

Theo Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, về phương án phát triển mạng lưới giao thông, sau năm 2030, khi hoàn thiện hạ tầng Khu kinh tế Thái Bình, các khu đô thị sinh thái, khu công nghiệp, khu thương mại dịch vụ logistics ven biển, Thái Bình sẽ đề xuất hình thành khu cụm cảng hàng không lưỡng dụng phục vụ du lịch, cứu hộ cứu nạn, an ninh, quốc phòng khu vực biên giới tỉnh Thái Bình.

Về phân bố chức năng khu kinh tế, xây dựng và phát triển Khu kinh tế Thái Bình trở thành trọng điểm, động lực phát triển kinh tế của tỉnh theo hướng đa ngành đa lĩnh vực, có kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại và nâng cao hiệu quả hoạt động của khu công nghiệp, gắn kết giữa các khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ, khu công nghiệp phía Bắc Khu kinh tế Thái Bình và các khu công nghiệp khác có nhiều điều kiện thuận lợi về kết nối hạ tầng, thu hút đầu tư. Hình thành các khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ công nghệ cao, không cacbon trên diện tích lấn biển.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại