Ước tính, thế giới sẽ có khoảng 80 triệu người mắc glôcôm vào năm 2020, trong đó 11,2 triệu người mù do bệnh. Hiện tại, khám mắt thường xuyên là cách tốt nhất để phát hiện và ngăn ngừa các biến chứng do bệnh glôcôm.
Thông tin từ Sở Y tế một số địa phương tại Việt Nam, hiện chưa có số liệu thống kê về tỷ lệ bệnh nhân bị glôcôm tại tỉnh; nhưng theo Bs. Lê Công Đức – Trưởng Khoa Mắt, Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Tĩnh: glôcôm đứng thứ hai trong các nguyên nhân gây mù loà sau đục thủy tinh thể.
Bệnh nguy hiểm ở chỗ không có thuốc điều trị hoặc phẫu thuật nào có thể phục hồi được những tổn thương chức năng và thực thể do glôcôm gây ra.
Tuy nhiên, hiện nay người dân vẫn còn chưa biết nhiều về bệnh, tự ý điều trị và thường đến bệnh viện khi bệnh tình đã trở nên quá nặng, nhiều trường hợp gây mù vĩnh viễn.
Ông Nguyễn Văn T. phát hiện bị glôcôm sau khi đi khám mắt
Mới đây, ông Nguyễn Văn T. (67 tuổi, trú tại Đức Thanh, Đức Thọ, Hà Tĩnh) đến Khoa Mắt, Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Tĩnh với mong muốn mổ đục thủy tinh thể.
Tuy nhiên, sau khi thăm khám, ông được chẩn đoán bị glôcôm góc mở, cần phải phẫu thuật hoặc điều trị nội khoa để duy trì thị lực.
Một trường hợp khác, bà Lê Thị Đ. (65 tuổi, trú tại Thạch Hưng, thành phố Hà Tĩnh) cũng chỉ được chẩn đoán glôcôm khi đến bệnh viện khám. Trước đó gần một năm bà tự lấy thuốc điều trị viêm xoang do thấy đau đầu, nhức nửa mặt.
Phẫu thuật glôcôm cho bà Lê Thị Đ.
Bác sĩ Lê Công Đức cho biết: những trường hợp như ông T. và bà Đ. do phát hiện muộn nên việc điều trị không thể giúp hồi phục thị lực đã mất mà chỉ ngăn chặn bệnh không tiếp tục gây tổn thương đầu dây thần kinh thị giác.
Và những người này phải tiếp tục được chăm sóc, theo dõi thường xuyên, được điều trị cho đến hết quãng đời còn lại nhằm kiểm soát được diễn biến bệnh, hạn chế tối đa tổn hại về thực thể và chức năng thị giác.
Cũng theo các bác sĩ, tất cả mọi người ở mọi lứa tuổi đều có thể bị glôcôm. Thông thường thì những người lớn tuổi bị bệnh glôcôm nhiều hơn các trẻ em.
Bệnh glôcôm thường có những biểu hiện dễ nhận thấy như: mắt đau đột ngột, đau nhức dữ dội từng cơn, lan lên nửa đầu cùng bên, bệnh nhân nhìn đèn thấy có quầng xanh đỏ như cầu vồng, thường buồn nôn hoặc nôn, mắt đỏ lên và nhìn mờ ở nhiều mức độ...
Sờ tay vào mắt thấy nhãn cầu căng cứng như hòn bi. Đôi khi người bệnh thấy sợ ánh sáng, chảy nước mắt nhưng không tiết rỉ mắt, mi mắt sưng nề, giác mạc phù nề mờ đục...
Bác sĩ Đức khuyến cáo: để phòng tránh mù lòa do glôcôm, cần tầm soát, phát hiện sớm, điều trị kịp thời và theo dõi thường xuyên.
Khi có triệu chứng nghi ngờ, người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám mắt, đo nhãn áp và xử trí kịp thời, không tự ý mua thuốc nhỏ mắt khi chưa có sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa mắt; đồng thời cần khám mắt định kỳ 6 tháng/lần để phát hiện sớm bệnh.