Hơn 10.000 thợ lò có thu nhập 1 triệu/ngày, lương cao nên khó mua nhà ở xã hội dù công việc nguy hiểm, vất vả

Ngọc Điệp |

Bởi mức lương của thợ mỏ nói chung đều cao hơn mức chuẩn trong quy định và thợ mỏ thuộc đối tượng đóng thuế thu nhập cá nhân nên không gọi là lao động khó khăn và thường bị từ chối hồ sơ mua nhà ở xã hội.

Hơn 10.000 thợ lò có thu nhập 1 triệu/ngày, lương cao nên khó mua nhà ở xã hội dù công việc nguy hiểm, vất vả- Ảnh 1.

Theo thông tin từ Báo Lao động, Công đoàn TKV vừa cho biết số liệu thống kê từ các đơn vị gửi về, đến giữa tháng 12/2023, số thợ lò tại Quảng Ninh có mức thu nhập từ 300 triệu đồng/người/năm (tương đương 25 triệu đồng/tháng) trở lên năm 2023 là 7.778 người.

Số thợ lò thu nhập từ 300 triệu đồng/năm trở lên có thể còn tăng bởi những ngày cuối năm còn nhiều khoản thưởng, hỗ trợ, tăng ca…

Như vậy, so với năm 2022, số thợ lò tại Quảng Ninh mức thu nhập từ 300 triệu đồng/người/năm trong năm 2023 tăng gấp 2 lần.

Nếu tính số thợ lò đạt mức 1 triệu đồng/ngày công lao động thì trong năm 2023, cả tập đoàn có hơn 10.000 thợ lò đạt mức này. Tuy nhiên, con số này không ổn định bởi thường chỉ tập trung vào những đợt cao điểm thi đua sản xuất, kinh doanh.

Những đơn vị có nhiều thợ lò có thu nhập cao gồm: Than Vàng Danh, Than Dương Duy, Than Hà Lầm…

Tại Hội nghị tổng kết hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2023 và Hội nghị Người lao động năm 2024, Công ty CP Than Vàng Danh cho biết, tiền lương bình quân người lao động đạt 20 triệu đồng/người/tháng, tăng 16,6% so với kế hoạch năm 2023. Riêng bình quân thu nhập của thợ lò đạt 26,7 triệu đồng/người/tháng.

Dù vậy, phải hiểu rằng mặc dù thu nhập của thợ lò 25 triệu/người/tháng dù cao hơn mặt bằng chung, nhưng phải đánh đổi nhiều về mức độ nặng nhọc, nguy hiểm, độc hại của môi trường làm việc.

Chưa kể, số năm lao động của thợ lò thường ngắn hơn so với các ngành nghề khác, thậm chí nhiều người chỉ làm việc đến khoảng 45-46 tuổi là xin chuyển việc khác vì không còn đủ sức khỏe.

Tại Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, bà Nguyễn Thị Minh - Phó Chủ tịch Công đoàn TKV cho biết, về vấn đề nhà ở, ngành Than là ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, ngành đông công nhân lao động, công việc việc nặng nhọc, vất vả. Bởi mức lương của thợ mỏ nói chung đều cao hơn mức chuẩn trong quy định và thợ mỏ thuộc đối tượng đóng thuế thu nhập cá nhân nên không gọi là lao động khó khăn và thường bị từ chối hồ sơ mua nhà ở xã hội.

Về tuổi nghỉ hưu, theo quy định thì thợ mỏ được nghỉ hưu sớm hơn 10 tuổi so với những lao động khác và đến năm 2028, thợ Mỏ được nghỉ hưu ở tuổi 52. Tuy nhiên, nếu muốn được nghỉ ở tuổi 52 mà không bị trừ % tham gia BHXH thì phải đi làm từ năm 17 tuổi. Thực tế hiện nay, số lao động làm việc khai thác than trong hầm lò của TKV nếu muốn được nghỉ hưu ở tuổi 52 thì đều không có cơ hội đạt được mức lương hưu tối đa 75% vì không đủ số năm tham gia BHXH theo quy định 35 năm vì 17 tuổi còn chưa học xong PTTH.

Về thuế thu nhập cá nhân của thợ lò, theo quy định thì mức tính nộp thuế cá nhân là 11 triệu đồng/tháng và cho mỗi người phụ là 4,4 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, việc áp mức để tính thuế thu nhập cá nhân hiện được thực hiện chung cho tất cả các đối tượng, nhiều thợ lò có thu nhập từ 20 -30 triệu/tháng và phải đóng thuế thu nhập cá nhân rất cao, đặc biệt là những trường hợp không có đối tượng giảm trừ gia cảnh.

Năm 2023, Doanh thu toàn tập đoàn TKV ước đạt 170.000 tỷ đồng, đạt 100,3% kế hoạch, tương đương so với thực hiện năm 2022. Tiền lương bình quân toàn Tập đoàn ước đạt 16,4 triệu đồng/người/tháng, bằng 110,1% kế hoạch, trong đó sản xuất than đạt 17,2 triệu đồng/người/tháng, bằng 111,2% kế hoạch.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại