"Phù thủy tạo hình" là biệt danh nhiều người đặt cho anh Huỳnh Thanh Tâm, nông dân tại huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre. Bởi lẽ, anh chính là người đã sáng tạo ra cách khắc chữ trên vỏ dừa, tạo hình dáng mới lạ cho loại trái cây đặc sản của vùng sông nước Bến Tre.
Chia sẻ về cơ duyên đến với công việc này, anh Tâm cho biết: "Tâm ở Bến Tre, ở đây có đặc sản là dừa. Tuy nhiên, trái dừa ở đây có 1 số mùa mất giá nên mình cũng đắn đo, muốn làm một điều gì đó để cho giá trị của trái dừa Bến Tre tăng lên.
Từ đó Tâm có ý tưởng in chữ lên dừa, nắn khuôn tạo hình hồ lô, bánh tét cho loại trái cây nơi quê hương của Tâm".
Anh Tâm bên sản phẩm của mình
Chàng trai trẻ này tâm sự, trong thời gian đầu tạo hình cho trái, anh liên tục gặp thất bại, thậm chí không ít lần anh nản lòng, muốn bỏ cuộc nhưng nhờ những nỗ lực, trải qua hơn 2 năm mày mò, cố gắng niềm đam mê, nhiệt huyết của anh bắt đầu thu được thành quả.
"Trong lần đầu tiên Tâm tạo hình cho trái thì không có tỷ lệ thành công bởi trái không lên chữ. Sau hơn 2 năm nghiên cứu thì mình đã có bí quyết tạo độ nhám, bám lên trái. Và để đạt được thành quả như bây giờ, Tâm phải trải qua hơn 100 lần thất bại", anh nói.
Với người nông dân Bến Tre này, việc tạo hình dừa còn khó gấp 5 lần so với tạo hình, khắc chữ cho những loại quả khác như bưởi và dưa hấu.
"Nếu trái bưởi và dưa hấu thì đưa trái vào khuôn cacboxit, đặt dưới đất, ai cũng có thể làm được hết nhưng với trái dừa thì rất khó, gấp khoảng 5 lần. Công đoạn quyết định tạo ra sự thành công của việc tạo hình là tạo khuôn chữ tiếp xúc lên trái dừa. Trái dừa rất trơn, nếu đặt khuôn không đúng thì sẽ không ra hình".
Anh nói, công đoạn khắc chữ, tạo hình cho trái phải bắt đầu từ khi trái khoảng 2 tháng và tầm 2,5 tháng sau, việc tạo hình cơ bản sẽ hoàn thành. Trong giai đoạn này, anh sẽ thường xuyên theo dõi sự phát triển của trái cũng như mức độ khắc chữ lên vỏ.
"Thị trường hút nhất là dừa im chữ tài lộc. Bên cạnh đó, Tâm có khắc chữ theo đơn đặt hàng như khắc tên cá nhân, tên công ty... Năm ngoái là năm thử nghiệm, năm tiếp cận thị trường nên lượng người đặt hàng rất là nhiều, Tâm không có thời gian để làm.
Năm nay giá trị của trái cũng tăng gấp đôi, giá trị hiện tại là 300 nghìn, giá bán lẻ là 600 nghìn. Dừa hồ lô đắt hơn dừa bình thường khoảng 100 nghìn.
Để tạo ra sự khác biệt, Tâm cũng nghiên cứu sáng tạo ra đế dựng dừa 3 cánh mô phỏng theo hình hoa dừa, vừa đẹp lại vừa tăng thêm giá trị cho trái".
Được biết, ngoài việc khắc chữ lên dừa, tạo hình hồ lô cho trái, anh Tâm còn tạo dáng bánh tét cho loại quả này cũng như đang thử nghiệm in chữ lên trái đu đủ.
"Tâm đang thử nghiệm trên trái đu đủ và xoài. Loại này thì đơn giản hơn nhiều. Chắc chắn những năm tiếp theo, Tâm sẽ sáng tạo thêm nhiều mẫu mã mới phục vụ khác hàng", anh thể hiện quyết tâm.
Dưới đây là một vài hình ảnh về mẫu dừa anh Tâm sáng tạo:
Dừa khắc chữ Tài - Lộc là sản phẩm bán chạy nhất trong thời gian này
Một mẫu quả mang thông điệp mừng năm mới
Các trái dừa có nguồn gốc Bến Tre
Một vài mẫu sản phẩm đã hoàn thiện, chờ tung ra thị trường
An Tâm bên trái dừa hình bánh tét
Chàng trai Bến Tren cho biết anh đang thử nghiệm khắc chữ lên trái đu đủ, xoài