Hơn 10 năm sau 'cú ngã' sông Thị Vải, Vedan vẫn thu trên dưới 4 nghìn tỷ mỗi năm tại thị trường Việt Nam

Anh Mai |

Sau sự kiện gây ô nhiễm sông Thị Vải, doanh thu của Vedan tại thị trường có phần đi xuống, nhưng vẫn giữ ở mức 160-170 triệu USD mỗi năm (tương đương khoảng 4 nghìn tỷ đồng), luôn chiếm khoảng 50% doanh thu của toàn tập đoàn.

Tập đoàn Vedan được thành lập tại Đài Loan năm 1954 tại Đài Trung, Đài Loan với tên ban đầu là Ve Cheng Food và trở thành người dẫn đầu thị trường amino axit tại đây. Đến năm 1970, công ty này được đổi tên chính thức thành Vedan như hiện nay.

Vedan đầu tư vào Việt Nam thông qua Công ty Cổ phần hữu hạn Vedan Việt Nam (Vedan (Vietnam) EnterpriseCorporation Limited) - một chi nhánh của Vedan International (Holdings) Limited - được thành lập từ năm 1991 tại xã Phước Thái, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Công ty có vốn điều lệ 132 triệu USD.

Vedan International (Holdings) Limited là công ty được niêm yết trên sàn chứng khoán Hồng K ông, nhưng có địa chỉ đăng ký kinh doanh tại thiên đường thuế Cayman Islands (Mỹ).

Sau hơn 25 năm, hiện Vedan Việt Nam đã xây dựng được hệ thống khá khép kín từ Nhà máy tinh bột nước đường, Nhà máy bột ngọt, Nhà máy tinh bột biến tính, Nhà máy Xút-axít, Nhà máy Lysine, Nhà máy phát điện có trích hơi, Nhà máy PGA, Nhà máy phân bón hữu cơ khoáng Vedagro dạng viên, và có Cảng chuyên dụng Phước Thái Vedan.

Tại Việt Nam, Vedan tăng trưởng mạnh cho đến năm 2007 nhưng sau đó gặp sự cố về môi trường vào năm 2008.

Cụ thể, tháng 9/2008, đoàn kiểm tra liên ngành Bộ Tài nguyên Môi trường sau khi thanh tra tại nhà máy Vedan phát hiện ra mỗi tháng công ty này xả 105.600m3 dịch thải sau khi lên men thẳng ra sông Thị Vải.

Dịch thải này có mức độ gây hại hơn nhiều so với nước thải và hệ thống này đã vận hành suốt từ năm 1994.

Bộ Tài nguyên Môi trường đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường đối với Vedan với tổng số tiền phạt là 267,5 triệu đồng, buộc truy nộp phí bảo vệ môi trường hơn 127 tỷ đồng.

Tuy nhiên, sau sự việc này, điều bất ngờ là doanh thu Vedan vẫn tăng trưởng tốt trong 2 năm 2010 và 2011. Năm 2010, doanh thu Vedan đạt 170 triệu USD và sang năm 2011 tăng mạnh lên 181 triệu USD.

Sau đó, doanh thu của Vedan có phần đi xuống, nhưng vẫn giữ ở mức 160-170 triệu USD mỗi năm (tương đương khoảng 4 nghìn tỷ đồng). Cụ thể, số liệu năm 2016, doanh thu của Vedan đạt 160,6 triệu USD. Năm 2017, doanh thu tăng 163 triệu USD.

Trong nửa đầu năm 2018, cùng với sự cải thiện kinh tế, thị trường tiêu dùng tại Việt Nam cũng ấm lên, doanh thu của Vedan Việt Nam tăng 10,7% so với cùng kỳ năm 2017, đạt 84,6 triệu USD.

Theo Vedan, mức gia tăng doanh thu này là chủ yếu đến từ bột ngột và gia vị, trong bối cảnh cạnh tranh thị trường đã hạ nhiệt. Hơn nữa, nhu cầu thị trường cao hơn đối với soda, tinh bột biến tính, maltose và phân bón cũng thúc đẩy tăng khối lượng bán hàng và giá bán, đóng góp vào sự tăng trưởng của doanh thu.

Việt Nam là thị trường lớn nhất của Vedan. Doanh thu của Vedan tại thị trường Việt Nam luôn chiếm khoảng 50% doanh thu của toàn tập đoàn và lớn hơn nhiều lần so với doanh thu của công ty này tại các thị trường ASEAN khác cũng như ngay tại quê nhà (Đài Loan, Trung Quốc).

Hơn 10 năm sau cú ngã sông Thị Vải, Vedan vẫn thu trên dưới 4 nghìn tỷ mỗi năm tại thị trường Việt Nam - Ảnh 1.

Doanh thu của Vedan năm 2017 tại thị trường Việt Nam chiếm 50% tổng doanh thu của Vedan.

Tính tới thời điểm 30/6/2018, Tập đoàn Vedan 3.855 lao động trong đó 3.633 lao động tại Việt Nam, 208 lao động tại Trung Quốc và 14 lao động tại Đài Loan.

Tổng tài sản của Vedan Việt Nam là 290,2 triệu USD tính đến 30/6/2018 chiếm 82% tổng tài sản của toàn tập đoàn.

Vedan cũng cho biết, trong năm 2017, tiêu chuẩn phát thải của tập đoàn phù hợp với yêu cầu đánh giá tác động môi trường tại tất cả các cơ sở sản xuất.

Nhà máy tại Việt Nam (cơ sở sản xuất chính của tập đoàn) đã cải tổ hệ thống các nhà máy sản xuất trong năm 2017 với mục đích giảm tiêu thụ hơi nước, giảm 12.339,36 tấn CO2. Tập đoàn cũng thiết lập một hệ thống xử lý khử nitrat mới giúp giảm hiệu quả việc sản xuất nước thải và bùn thải.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại