Tài năng thiên bẩm và cơ duyên đến với môn bóng chuyền
Sinh năm 1982 tại phố An Dương, quận Tây Hồ, Hà Nội, Phạm Thị Kim Huệ sở hữu chiều cao lý tưởng lên tới 1m80, thừa hưởng gen trội của bố mẹ. Có mẹ là công nhân, bố là bộ đội nhưng gia cảnh hồi nhỏ của nữ VĐV không mấy khá giả.
Cô làm thêm công việc bồi giấy, gấp giấy ăn, phụ giúp gia đình, tuy nhiên, thành tích học tập của Kim Huệ vẫn đạt khá giỏi.
Năm lớp 8, Kim Huệ được chọn để tham gia giải chạy cho trường, sau đó tiếp tục được chọn vào lớp điền kinh trẻ của Hà Nội. Ôm ấp giấc mơ trở thành VĐV điền kinh, cô nỗ lực tập luyện tại sân vận động Trịnh Hoài Đức thời gian sau đó. Tới năm 1995, cô bắt đầu "bén duyên" với sự nghiệp đập bóng khi chuyển sang tập bóng chuyền tại đội bóng Bộ Tư lệnh Thông tin.
Kim Huệ từng bộc bạch với Tuổi trẻ về niềm đam mê của mình: "Lúc đầu tôi chưa biết bóng chuyền là gì nhưng khi vào đội, tôi đã nhanh chóng mê mẩn bóng chuyền. Vì mê nên sau và trước giờ tập của đội tôi tự dậy sớm, về muộn ra sân tập một mình để củng cố những điều mình còn yếu như: phát bóng, kéo dây thun để tập cổ tay...
Lúc vào CLB tôi chơi vị trí chuyền hai, nhưng sau một năm tôi cao lên 10cm và được chuyển sang chơi vị trí chủ công, sau đó chuyển sang phụ công. Làm VĐV đã khổ, phụ nữ làm VĐV còn cực nhọc hơn nhiều nhưng vì yêu nghề nên tôi quyết tâm vượt qua tất cả những vất vả, chấn thương hoành hành...".
Ở tuổi 16, Kim Huệ chính thức giành một suất chính thức tại CLB cũng như ĐTQG - trở thành vận động viên trẻ nhất tạo nên đột phá ngoạn mục ở cấp độ quốc gia chỉ sau 4 năm đến với bóng chuyền.
Tên tuổi của Phạm Thị Kim Huệ gắn liền với chiếc áo số 5. Ở SEA Games 2003 trên sân nhà, cô nhanh chóng gây ấn tượng đặc biệt với người hâm mộ với cú đánh một chân ở vị trí số 2 đủ khuất phục mọi dàn chắn.
Chưa đầy 19 tuổi, cô được trao chiếc băng đội trưởng ở cả CLB lẫn đội tuyển quốc gia - vị đội trưởng trẻ nhất trong lịch sử bóng chuyền Việt Nam. Ở giai đoạn đỉnh cao 2002 - 2007, cô được đánh giá là VĐV chơi hay nhất ở vị trí phụ công trong khu vực Đông Nam Á, không ai có thể sánh bằng. Sau này, cô và VĐV Nguyễn Thị Ngọc Hoa tạo nên cặp đôi Phụ công hàng đầu Đông Nam Á.
Tính tời thời điểm năm 2007, Kim Huệ giữ kỷ lục là nữ vận động viên bóng chuyền dự 17 giải vô địch bóng chuyền nữ quốc gia liên tiếp, đồng thời cùng các đồng đội 7 lần giành HCB SEA Games.
Trên sân bóng, cô được đánh giá là một VĐV luôn tỉnh táo và thể hiện lối chơi quyết liệt. Bên cạnh đó, trong sự nghiệp gần 20 năm thi đấu chuyên nghiệp, Kim Huệ đã nhiều lần được bầu là "Hoa khôi bóng chuyền" ở các giải quốc tế được tổ chức tại Việt Nam.
Đam mê cháy bỏng vượt qua những chấn thương không lành
Do gặp phải một chấn thương khá nặng vào năm 2006, cô đã phải nghỉ thi đấu khoảng 2 năm. Cô từng kể trên một chương trình truyền hình: "Do tập luyện quá sức trong khi thời gian nghỉ ngơi, phục hồi sau thi đấu lại rất ít nên tôi bị rạn xương ống chân, phải phẫu thuật. Nhưng sau khi mổ xong, vì đi thi đấu sớm nên tiếp tục bị tái phát. Tôi phải xin mổ trái tuyến, tự bỏ tiền lo chi phí với mong muốn trị dứt hẳn".
Với sự thuyết phục của ban huấn luyện, cũng như ngọn lửa đam mê vẫn bùng cháy, Kim Huệ trở lại tập luyện sau 3 năm vắng bóng. Năm 2012, Kim Huệ quyết định chuyển sang CLB Ngân hàng Công Thương, chia tay Bộ tư lệnh Thông tin sau 16 năm gắn bó. Ở tuổi 35, cô vẫn được đánh giá chơi rất hay, dù ở màu áo của Ngân hàng Công thương hay đội tuyển quốc gia.
Tới năm 2013, cô chính thức rời đội tuyển quốc gia, lui về tập trung cho CLB Ngân hàng Công Thương. Năm 2016, sau khi giúp đội vô địch giải quốc gia, Kim Huệ xin về làm HLV nhưng do thiếu nhân sự thi đấu, tới năm 2018, cô mới đảm nhiệm vị trí HLV. Dù không còn tỏa sáng trên sân bóng nhưng tài năng của Kim Huệ trong vai trò HLV vẫn nhận được những lời khen có cánh.
Tháng 3/2021, "Hoa khôi bóng chuyền" vướng phải án kỷ luật dậy sóng. Kim Huệ cùng ba học trò bất ngờ nộp đơn xin nghỉ Ngân hàng Công thương với mục đích gia nhập Bamboo Airway Vĩnh Phúc. Tuy nhiên, vì nhiều lí do nên 4 cô trò Kim Huệ không thể kịp thanh lý hợp đồng để về đội bóng mới.
Một phần, Ngân hàng Công thương đã đăng ký họ trong danh sách đội bóng ngành ngân hàng dự tranh giải VĐQG 2021 cũng như phía nhà tài trợ của Bamboo Airway Vĩnh Phúc đã gửi Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam (VFV) đề nghị không cho họ tham gia thi đấu tại các giải đấu trong hệ thống với lý do "tổn hại tới uy tín của Hãng hàng không Bamboo Airway".
Sau đó, cô trò Kim Huệ quay trở lại Ngân hàng Công thương để chuẩn bị cho mùa giải VĐQG như bình thường và phía Liên đoàn thông báo không giải quyết vì giữa hai bên không có hợp đồng ràng buộc mang tính pháp lý.
Tuy nhiên, ngày khai mạc vòng 1 giải bóng chuyền VĐQG 2021 (10/4), Kim Huệ nhận được quyết định cảnh cáo từ Liên đoàn. Không chấp nhận, Kim Huệ đã phản ứng quyết liệt và sẵn sàng kiện Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam nếu không xem xét rút lại án kỷ luật.
Đường tình duyên lận đận của "Hoa khôi bóng chuyền"
Trong thời gian nghỉ ngơi vì chấn thương, Kim Huệ đã lên xe hoa. Khi ấy, cô chia sẻ với báo giới: "Tôi nghĩ ai cũng vậy thôi, khi có gia đình rồi thì phải biết bằng lòng với cuộc sống, với sự lựa chọn của mình và cùng nhau cố gắng xây đắp hạnh phúc.
Nhiều người bảo thời điểm trước khi lập gia đình tôi có nhiều lựa chọn, tại sao tôi lại chọn anh ấy. Gia đình cũng cấm cản không cho yêu nhưng rồi tôi vẫn quyết định theo tiếng gọi của trái tim. Tôi bảo với cha mẹ: 'Sướng khổ gì sau này con chịu!'. Cơ bản, tôi đã nhìn ra những hạn chế của chồng mình nhưng 'nhân vô thập toàn' mà, bản thân tôi cũng vậy".
Tuy nhiên, hôn nhân sau đó sớm đổ vỡ, Kim Huệ mới thấy được những khó khăn: "Có quá nhiều áp lực, đặc biệt là về mặt kinh tế trong cuộc sống hôn nhân mà trước đó có lẽ vì quá yêu người ta chưa thể nhìn ra. Lâu dần, mọi thứ cứ như 'giọt nước tràn ly', chúng tôi không chịu được nhau nên đành chia tay".
Cô quyết định lựa chọn làm mẹ đơn thân. Tuy nhiên, dù đã li hôn nhưng cô và chồng cũ vẫn coi nhau là những người bạn luôn dành thời gian chăm sóc cô con gái nhỏ. Cuộc sống cá nhân gặp nhiều trắc trở nhưng Kim Huệ vẫn một lòng với môn bóng chuyền. Cô thậm chí còn hy sinh quyền nuôi con cho chồng sau khi hôn nhân tan vỡ.
Trên Dân Việt, cô cho hay: "Phụ nữ chơi thể thao là một thiệt thòi, phải tập luyện từ 6h sáng đến 6h tối. Đi thi đấu quanh năm suốt tháng nên thời gian cho gia đình là rất ít. Đã lựa chọn con đường này, bản thân tôi không chỉ vượt qua chính mình mà còn phải vượt qua dư luận, vượt qua những lời khen chê của khán giả."
Ngoài bóng chuyền, Kim Huệ cũng tìm được niềm đam mê ở bộ môn golf bởi môn thể thao này giúp cô điềm tĩnh hơn, sống chậm lại. Thậm chí, cô mong muốn mình sẽ trở thành một golfer chuyên nghiệp trong tương lai.