Hơn 1 tháng Hà Nội ra quân dẹp nạn lấn chiếm vỉa hè, nhiều nơi 'đâu lại vào đấy'
Sau hơn 1 tháng TP Hà Nội yêu cầu các đơn vị đồng loạt ra quân xóa bỏ các điểm lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, nhiều tuyến phố đã có sự thay đổi đáng kể. Tuy nhiên ở một số tuyến hè phố, chỉ cần vắng bóng lực lượng chức năng thì đâu lại vào đấy.
Ghi nhận của PV
Trên tuyến đường Khúc Thừa Dụ thường xuyên diễn ra tình trạng trưng dụng lòng đường làm nơi đỗ xe ô tô.
Công an quận Cầu Giấy cho biết, trên tuyến phố Khúc Thừa Dụ, lực lượng cảnh sát trật tự thường xuyên tổ chức tuyên truyền, nhắc nhở, yêu cầu các cơ sở kinh doanh ký cam kết không lấn chiếm vỉa hè và xử phạt nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm. Từ 22/2 đến 20/3, Công an quận Cầu Giấy đã xử lý tổng số 28 trường hợp vi phạm các lỗi về trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV, khi vắng bóng lực lượng chức năng, một số cửa hàng, quán ăn trên tuyến phố này lại tiếp tục bày bàn ghế ra khắp vỉa hè.
Vỉa hè trên tuyến phố Đê La Thành cũng không khả quan hơn, các hộ kinh doanh vẫn ngang nhiên lấn chiếm hè phố, đẩy người đi bộ xuống lòng đường.
Ông Lê Văn Linh (62 tuổi, ở quận Cầu Giấy) cho biết, trên tuyến đường Lê La Thành thường xuyên diễn ra tình trạng xe máy, bàn ghế được bày la liệt trên vỉa hè, khiến người đi bộ không còn chỗ để đi lại.
Ông Linh cho rằng, nếu lực lượng chức năng không xử phạt mạnh tay hơn thì rất khó có thể xử lý dứt điểm tình trạng lấn chiếm vỉa hè. “Tôi thấy lực lượng chức năng hầu như toàn nhắc nhở các cơ sở kinh doanh lấn chiếm vỉa hè, chứ không phạt. Theo tôi phải phạt thật nặng những trường hợp lấn chiếm vỉa hè, lòng đường làm của riêng thì mới có thể răn đe được”, ông Linh nói.
Đại diện Công an phường Trung Hòa (quận Cầu Giấy) cho biết, đơn vị đang nghiên cứu để báo cáo với quận về việc cho thuê lại vỉa hè và chợ cóc. “Việc cho thuê chắc chắn chỉ có thể áp dụng tại các tuyến phố có đủ điều kiện hạ tầng. Cụ thể, đối với những vỉa hè rộng rãi, có thể nghiên cứu theo hướng, sau khi đã chừa lại 1,5 m dành cho người đi bộ thì cho phép buôn bán, kinh doanh có thu phí. Nguồn thu sẽ được sử dụng vào việc tái đầu tư hạ tầng giao thông, chỉnh trang đô thị. Còn đối với những vỉa hè nhỏ hẹp thì kiên quyết không cho thuê, duy trì việc kiểm tra, xử lý nghiêm, không để người đi bộ bị đẩy xuống lòng đường”, đại diện Công an phường Trung Hòa nói.
Theo đại diện Công an phường Trung Hòa, khi cho thuê vỉa hè cũng cần đưa ra các quy định rất rõ ràng, cụ thể, gắn trách nhiệm người thuê, từ giờ giấc, vệ sinh môi trường, vị trí bày bán… Nếu ai vi phạm là lập tức dừng cho thuê. Các tiêu chí, điều kiện cũng cần công khai để người dân nắm được. Thậm chí, cần lập đường dây nóng tại phường để người dân có thể phản ánh bất cứ khi nào.