Hôm nay 13/12, trên Google doodle xuất hiện loạt hình ảnh ngộ nghĩnh về Mặt Trời, Trái Đất và hiện tượng mưa sao băng Geminids mà người yêu thiên văn không nên bỏ lỡ trong tháng cuối cùng của năm 2018.
Xem hình ảnh trên Google doodle hôm nay 13/12:
Đến hẹn lại lên, mưa sao băng Geminids lại xuất hiện trên bầu trời vào tháng 12 hàng năm (đạt đỉnh từ 14 đến 15/12).
Đây là trận mưa sao băng rất đặc biệt của năm, bởi không chỉ xuất hiện nhiều vệt sáng nhất, tần suất nhiều nhất mà nó còn là cơn mưa sao băng duy nhất không tạo ra bởi sao chổi - Geminids xuất phát từ những mảnh vụn của một tiểu hành tinh.
Mưa sao băng Geminids xuất hiện nhiều vệt sáng nhất, tần suất nhiều nhất mà nó còn là cơn mưa sao băng duy nhất không tạo ra bởi sao chổi. Nguồn: American Meteor Society
Cách chiêm ngưỡng mưa sao băng Geminids 2018 bằng mắt thường
Tại Việt Nam, người yêu thiên văn có thể chiêm ngưỡng sự kiện thiên văn rực rỡ này từ 20h ngày 14/12 đến 6h sáng 15/12.
Theo các chuyên gia, để bạn đọc chiêm ngưỡng mưa sao băng Geminids 2018 đẹp nhất bằng mắt thường, bạn cần xác định khu vực trung tâm của sao băng là chòm sao Gemini (Song Tử), hình hai anh em trên bầu trời.
Chòm sao Gemini (Song Tử), hình hai anh em trên bầu trời.
Chòm sao này mọc lên lúc 10h hướng Đông. Vào nửa đêm thì nó lên cao trước khi dịch chuyển về chân trời phía Tây.
Ngoài ra, bạn nên đứng ở địa điểm cao, thoáng, không bị cây cao và tòa nhà cao tầng che khuất; cũng như tắt các thiết bị điện để dành không gian quan sát trời đêm tốt nhất.
"Thủ phạm" tạo ra mưa sao băng Geminids?
Theo Người Lao Động, vào cuối tháng 11, một nhóm nghiên cứu quốc tế đã báo cáo toàn cảnh về tiểu hành tinh 3200 Phaethon, "thủ phạm" tung mưa sao băng Geminids xuống Trái Đất. Theo họ, đây là một vật thể không gian cực kỳ lập dị, có màu xanh huyền hoặc và quỹ đạo phức tạp. Nó có đường kính trung bình 5,10 km.
Tiểu hành tinh 3200 Phaethon được đặt theo tên trong thần thoại Hy Lạp là Phaëton, con trai của thần Mặt Trời Helios.
Mỗi cuối năm, quỹ đạo của 3200 Patheon có một đoạn rất gần Mặt Trời và có thể chính Mặt Trời đã đốt cháy, tạo ra chiếc đuôi đá bụi dù nó không phải sao chổi. Trái Đất chúng ta may mắn đi qua vùng đá bụi đó vào tháng 12 hàng năm. Do đó, người yêu thiên văn mới có cơ hội thưởng thức cơn mưa sao băng tuyệt mỹ này hàng năm.
Mỗi cuối năm, quỹ đạo của 3200 Patheon có một đoạn rất gần Mặt Trời. Ảnh: Sky & Telescope
Những hình ảnh động về mưa sao băng Geminids:
Google Doodle là một biểu tượng đặc biệt, thay thế tạm thời cho biểu tượng trên trang chủ của Google nhằm chào mừng các ngày lễ, các sự kiện, thành tựu và con người...
Nguồn: VOX, NLD