Có một người họ Chu nọ sống rất khổ cực, trong nhà thường xuyên thiếu gạo ăn.
Không còn khả năng tự xoay sở, sau khi suy nghĩ hồi lâu, anh ta quyết định đến nhà bạn mình là Giám Hà Hầu vay 3 đấu gạo.
Thế nhưng khi nghe bạn trình bày xong, Giám Hà Hầu trả lời rằng: "Được thôi, nhưng nhà tôi hiện không có nhiều gạo, anh đợi một thời gian nữa, chờ tôi thu được ít thuế của dân rồi cho anh mượn 300 lượng vàng".
Nghe xong lời của Giám Hà Hầu, anh Chu bày tỏ sự cảm kích, nhưng đồng thời cũng muốn kể cho bạn nghe một câu chuyện tương tự với hoàn cảnh hiện tại của mình:
"Trên đường tới nhà anh, tôi nghe thấy tiếng một con cá kêu cứu, lúc tôi quay đầu lại nhìn, thấy nước trong cái vũng nó đang bơi đã sắp cạn, con cá đó muốn tôi đổ vài gáo nước vào cho nó.
Tôi liền nói với con cá: ‘Đợi ta đến phía nam thương lượng, mượn nước của vua Ngô, vua Việt trước, sau đó sẽ dẫn nước Tây Giang về cứu ngươi, để ngươi trở về Đông Hải.’
Con cá đó tức giận nói: ‘Tôi đã mất đi cuộc sống bình thường ở trong nước rồi, giờ chỉ cần vài gáo nước là đã đủ để cứu sống tôi. Anh nói như thế chẳng khác nào giết tôi, sáng mai anh đến cửa hàng bán cá mà xem, lúc ấy tôi đã biến thành cá khô rồi’."
Ảnh minh họa.
Cuộc sống của anh Chu thực sự đang vô cùng khó khăn, lấp cái bụng đói là vấn đề cấp thiết nhất bây giờ, nên cũng chỉ cần 3 đấu gạo ăn chống đói, chẳng cần nhiều cũng chẳng cần thứ khác, càng không nói đến việc đợi để vay 300 lượng vàng xa vời kia.
Cái gọi là "Cứu người phải cứu ngay tức khắc" chính là những trường hợp như thế này. Anh Chu lấy con cá làm ví dụ trào phúng để bạn biết hoàn cảnh của mình, từ đó đưa ra cách ứng xử phù hợp hơn.
Cá đã đang hấp hối, nếu còn kéo dài thời gian thêm nữa, cho dù cho nó nhiều nước hơn nữa, cũng chẳng có tác dụng gì.
Lời bình
Con người chúng ta thường cảm thấy bản thân đang có quá ít, không bao giờ cảm thấy đủ, cũng ít khi chịu cho đi.
Thế nhưng những người đang chờ đợi được giúp đỡ cũng không cần nhiều, họ chỉ cần một chút chút là đủ. Nếu không thể giúp những người gặp hoàn cảnh khó khăn một cách kịp thời, rất nhiều khi chúng ta sẽ nhận lại sự ân hận không thể nào bù đắp được.
Phật pháp nói: "Không làm các điều ác, thường xuyên làm các việc thiện". Làm việc thiện quý ở lòng thành tâm, quý ở cách hành thiện phù hợp với khả năng của mình, cũng quý ở tuỳ duyên bố thí.
Học Phật là học những chân lý nhân sinh mộc mạc, giản dị, hướng con người đến tinh thần từ, bi, hỉ, xả, chỉ khi làm tốt được những việc đó, con người mới có thể tạo thêm phúc khí cho bản thân.
Tóm lại, làm việc thiện cần phải kịp thời, một miếng khi đói bằng một gói khi no, những lúc cần kíp, giúp đỡ chỉ một chút cũng vô cùng đáng quý.
Không muốn làm những việc tốt nhỏ bé, chỉ muốn làm ngay việc thiện lớn, thậm chí kéo dài sự chờ đợi mà không đưa tay ra giúp đỡ người khác, đây là một quan niệm hết sức sai lầm.
Quan niệm này sẽ hại người hại cả mình, thậm chí còn làm hỏng việc, gây tổn hại cho cá nhân, gia đình và xã hội.
"Vật dĩ ác tiểu nhi vi chi, vật dĩ thiện tiểu nhi bất vi", câu này ý muốn nói: Con người chúng ta không được cho rằng việc xấu này rất nhỏ, có thể làm được, cũng đừng cho rằng việc thiện này bé quá, chẳng đáng gì mà không làm.
Có thể cho đi tình yêu nhỏ bé, chia sẻ sự quan tâm, dành cho người khác sự hỏi han, chăm sóc, cuộc sống sẽ thêm phần ấm áp và ý nghĩa.
Cũng chính nhờ sự cho đi đó, cuộc sống của chúng ta một cách tự nhiên, cũng sẽ trở nên thuận lợi hơn.