Trong phần 2 Phiên thảo luận mở - bàn tròn "Gỡ rối các khâu phát triển thị trường thực phẩm sạch" tại Chương trình Diễn đàn kết nối Doanh nghiệp - người tiêu dùng: ĐÓN SÓNG THỰC PHẨM SẠCH do Báo điện tử Trí thức trẻ, Soha.vn và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đồng tổ chức ngày 23/8, ca sĩ Mỹ Linh đã trực tiếp đặt câu hỏi cho ông Đoàn Văn Vươn.
"Chúng tôi cần sự minh bạch"
TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện chính sách và chiến lược PTNNNT mở đầu: Từ sáng đến giờ, nhiều người ở đây như người tiêu dùng, người sản xuất và quản lý nhà nước nhưng ai cũng có bức xúc và không biết đổ cho ai?
Câu chuyện minh bạch là câu chuyện thông tin có vấn đề, theo cách hiểu của tôi, nếu giả sử 100% người sản xuất đều sạch và tử tế, 100% người dùng là thông thái chúng ta sẽ không ngồi ở đây vào ngày hôm nay.
Thực tế nhiều người đang không sản xuất sạch. Người tiêu dùng luôn tìm đồ ăn sạch, muốn ăn sạch phải trả cao nhưng lại trả thấp do đó lại quay lại câu chuyện người tiêu dùng sẽ không sản xuất thực phẩm sạch.
Ông Nguyễn Tân Kỷ (trái) và ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn (phải)
Ca sĩ Mỹ Linh, đại diện người tiêu dùng bảy tỏ: Tôi cũng như nhiều người mong được ăn thực phẩm không có thuốc bảo vệ thực vật và nếu có phải đúng kỳ đúng hạn.
Thời gian vừa rồi, tôi thấy trên facebook rao bán khống giấy kiểm định của VietGAP do đó chúng tôi không thể tin tưởng được. Nếu có chuyện gì xảy ra, chúng tôi biết bắt đền ai?
Khi nhiều người cùng làm tốt sẽ giảm giá thành, ít người nên đắt. Chúng tôi mua đồ hoàn toàn là niềm tin. Ví dụ, tôi mua đồ của ông Đoàn Văn Vươn nhưng khi ông Vươn bán đắt hàng và khan hàng, ông lại lấy hàng của ông hàng xóm mang bán thì làm thế nào?.
Chúng tôi cần sự minh bạch, cần chế tài. Ở gần nhà tôi nhiều người bán thực phẩm sạch nhưng không bán được, giá thực phẩm sạch không khác gì nhưng lấy gì để chứng minh. Cuối cùng đạo đức không thể duy trì được bởi có thực mới vực được đạo.
Ông Đoàn Văn Vươn: Tôi quan tâm tới thực phẩm sạch khi truyền thông bắt đầu nói về thực phẩm bẩn. Tôi may mắn có đầm hơn 40ha.
Chưa kể, tôi so sánh, nhiều lần vào hàng quán phải ôm bụng chạy. Do đó, về tôi trao đổi với gia đình: Giờ tốt nhất là rau mình trồng, tôm cá mình nuôi, nuôi thêm gà lợn, có mua thì tìm hiểu cho chuẩn.
Ý tưởng đó tôi nung nấu từ lâu rồi. Nghề nuôi vịt vốn là truyền thống của gia đình tôi. Nhưng vướng một cái là khu đầm tôi có là nước mặn.
Năm 2015, tôi về, khi bạn bè đến thăm, tôi có bày tỏ trăn trở đó. Lúc đó, sau một hồi trao đổi, anh Hồng, bạn tôi có gợi ý việc nuôi vịt trời. Tôi thấy rất hay và may mắn, sản phẩm đó giờ được người dùng đón nhận.
Ông Đoàn Văn Vươn
Ca sĩ Mỹ Linh: Làm thế nào để chứng nhận đó là con vịt của anh Vươn?
Ông Đoàn Văn Vươn: Từ 100 con vịt được tặng, tôi nuôi và thấy phát triển rất nhanh. Sau đó, tôi đặt 1000 con nuôi. Hiện, tôi đang chờ cơ quan chức năng để làm giấy chứng nhận.
Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn: Tôi muốn đặt câu hỏi với anh Vươn, giả sử tôi là hàng xóm nhà anh, cũng làm vịt như anh nhưng công thức rẻ hơn và bẩn bẩn chút nhưng đặt tên Đoàn Văn Vê chẳng hạn, anh đã gặp tình huống như này chưa?
Ông Đoàn Văn Vươn: Tôi đưa ra triết lý, mỗi tỉnh thành chỉ một đại lý đại diện độc quyền. Đại diện phân phối cần đảm bảo với tôi về thương hiệu.
Ca sĩ Mỹ Linh tại hội thảo.
Một người tiêu dùng đặt câu hỏi: Lý do gì gần đây Vinacafe đưa ra thông điệp cung cấp cà phê nguyên bản? Triết lý cà phê sẽ là cà phê từ 1/8 cần được hiểu như thế nào?
Ông Nguyễn Tân Kỷ - Tổng Giám đốc Vinacafe Biên Hòa trả lời bằng cách kể lại câu chuyện ông gặp tại sân bay:
Không phải là chuyên gia công nghệ nhưng khi nhấp ngụm cà phê từ bình có chữ "Vietnam Coffee" đặt tại sân bay cho người nước ngoài thưởng thức, tôi dễ dàng nhận ra đây không phải là cà phê nguyên bản và trộn đậu nành.
Không gì đau hơn tên Vietnam Coffee dành cho người nước ngoài để người nước ngoài phân biệt lại không phải là cà phê mà là đậu nành.
Triết lý kinh doanh của Vinacafe kiên định rằng: cà phê là cà phê. Triết lý khi đã trở thành chân lý thì chân lý đó không thay đổi.
Hiện Vinacafe có nhiều nhãn hàng và đều được xây dựng trên nguyên tắc cà phê phải là cà phê chứ không trộn đậu nành.
Nhưng năm 2012, đứng trước sức ép của thị trường, sức ép của gu thưởng thức, Vinacafe có 2 dòng sản phẩm cà phê hoà tan có trộn đậu nành vào thành phần cà phê.
Tuy rằng 2 nhãn hiệu cà phê có trộn đậu nành đạt kết quả kinh doanh tốt nhưng trong bản thân chúng tôi luôn day dứt và chúng tôi quyết định đây là thời điểm chấm dứt và chuyển sang mẫu mới, từ 1/8.
Từ bây giờ các sản phẩm của Vinacafe chỉ là cà phê nguyên bản. Sau quá trình khảo sát thì được người tiêu dùng đón nhận là ngon hơn.
Theo tôi, vẫn đang tồn tại nghịch lý Việt Nam là đất nước đứng thứ nhất về Robusta kể cả chất lượng, số lượng nhưng người dân Việt Nam chưa có tiêu chuẩn định nghĩa thế nào là cà phê.
Người tiêu dùng không biết thế nào là cà phê, thế nào là cà phê trộn, hỗn hợp cà phê... tất cả đều mập mờ. Nếu vẫn cứ mập mờ, không có tiêu chuẩn rõ ràng thì khi bước ra thế giới chúng ta giới thiệu gì?",
Tôi tin rằng, tất cả người Việt Nam đều muốn vinh danh để thế giới biết tới: Việt Nam, cà phê là cà phê chứ không phải thứ tưởng là cà phê.
Cơ quan quản lý phải chủ động bảo vệ người tiêu dùng
Độc giả đặt câu hỏi: Đầu tiên minh bạch phải từ cơ quan nhà nước, cần phải thông tin đầy đủ trước khi bán ra thị trường. Địa chỉ danh sách bán thực phẩm sạch, tôi không thấy thương hiệu ở đây, như vậy có độ vênh và là rào cản khi chúng tôi lựa chọn ăn gì?
Câu hỏi khác từ độc giả: Tôi đến từ một đơn vị nghiên cứu thị trường, các đơn vị phân phối và bán lẻ có sự mất niềm tin. Ví dụ cafe, khách quan tâm trồng ở đâu, cá tra nuôi ở đâu. Vasep đã làm được việc là có bản đồ vùng nuôi cá tra, vậy các mặt hàng khác bao giờ có bản đồ?
Vấn đề nữa là như thế nào là sản phẩm thực chất, nhiều người công nhận nước mắm Masan được nhiều người thích vì không mặn. Còn cafe, vị cafe thật có nịnh miệng như cafe thêm thứ khác không? Xin hỏi là Masan đã nghiên cứu khẩu vị của người tiêu dùng chưa?
Ông Vũ Vinh Phú: Chúng ta không giải quyết được thực phẩm sạch cơ bản, thủ tiêu cạnh tranh lành mạnh, kỷ luật thị trường tại Việt Nam rất kém. Tôi ấn tượng người sản xuất rau mùi ở Nhật Bản gắn mã vạch.
Tại sao thực phẩm sạch không ra được thị trường nhiều như vậy vì chi phí sản xuất sạch khá cao, đối tượng mua 1 kg xà lách với giá mấy trăm nghìn không nhiều nên người nghèo chấp nhận ăn bẩn, đành chấp nhận ung thư sau 10 năm.
Khi hàng sạch đưa vào siêu thị thì bị ép chiết khấu, chi phí tạo mã, chiếm dụng vốn, tới đây xây dựng Luật Bán lẻ cần xem xét.
Ở Thái Lan, nếu bán bát phở với giá quá cao sẽ bị yêu cầu dừng bán hàng. Đoàn kiểm tra đi, người bán có thể bỏ thuốc độc vào ngay là thực tế ở Việt Nam.
Chúng ta chưa phân biệt doanh nghiệp làm ăn chân chính và không chân chính. Ở Singapore dán giấy đỏ có thể vào ăn và giấy đen sẽ phải phá sản.
Đừng nói người tiêu dùng thông thái mà các cơ quan quản lý phải chủ động bảo vệ người tiêu dùng. Bộ trưởng Y tế có khi mua thịt cũng có tăng trọng nên cần quản lý từ gốc.
Ca sĩ Mỹ Linh: Tôi là người tiêu dùng, tôi không biết tin tưởng ai.
Có những doanh nghiệp nhỏ làm ăn thật thì bị chèn ép, giá thành sẽ cao lên, không cạnh tranh được với anh to.
Rõ ràng là phải có cơ chế, ai kí chữ kí nào bảo vệ doanh nghiệp nào thì phải bảo vệ doanh nghiệp đó, để quy được trách nhiệm. Anh kí bảo tốt, nếu nó không tốt thì anh có chịu trách nhiệm không?
Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn: Cách làm của Bộ Nông nghiệp là kiểm tra đột xuất thì mới bảo vệ được người tiêu dùng và chặn được ngay đầu vào.
Ông Nguyễn Kim Hào, Phó cục trưởng - Cục quản lý chất lượng Nông lâm thuỷ sản, Bộ NN&PTNT: Chúng ta nói khá nhiều về cafe, có tiêu chuẩn về cafe, có quy định nhiều thông số, kĩ thuật và trong đó có quy định hàm lượng cafein không dưới 1%.
Tuy nhiên, đó là tiêu chuẩn áp dụng còn khi sản xuất phải có trách nhiệm công bố cho người tiêu dùng.
Chúng ta phải xử phạt những đối tượng làm ăn không tốt nhưng phải tuyên dương những doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc. Chúng ta rất cần những doanh nghiệp đi đầu như VinEco, TH… những tập đoàn đó họ có tên tuổi, thương hiệu và giữ gìn thương hiệu như con người.