Sự coi trọng tuyệt đối tính đúng giờ là đặc trưng của cuộc đời George Washington.
Khi muốn mua ngựa, ông đề nghị người kia dắt vài con ngựa mà ông muốn mua đến vào lúc 5h sáng. Người này đến muộn 15 phút và được người giữ ngựa thông báo rằng Tổng thống đã đợi ở đây từ lúc 5h nhưng giờ đã chuyển sang làm việc khác.
Khi ông thông báo rằng cuộc họp sẽ diễn ra vào 12h trưa thì chắc chắn ông sẽ bước vào phòng họp khi kim đồng hồ vừa chỉ 12h trưa.
Washington còn đúng giờ trong cả chuyện ăn uống. Hàng ngày, ông ăn chiều vào đúng 4h. Khi ông mời các thành viên Quốc hội đến dùng bữa và họ đến trễ.
Họ rất ngạc nhiên khi thấy Tổng thống đã đang dùng bữa được hoặc thậm chí là đã kéo ghế đứng dậy: "Ở đây chúng tôi rất đúng giờ. Đầu bếp của tôi không bao giờ hỏi liệu khách đã đến chưa, mà hỏi liệu đã đến giờ ăn chưa?"
Khi thư ký của Washington đến buổi họp muộn và đổ lỗi cho chiếc đồng hồ, ông nhanh chóng đáp, "Vậy anh phải thay chiếc đồng hồ khác đi, không thì tôi sẽ tìm một thư ký khác."
Đối với Washington, đúng giờ là cách thể hiện sự tôn trọng người khác và ông mong người khác cũng tôn trọng mình như vậy.
Dù chúng ta không còn cùng thời với Washington nữa nhưng việc đúng giờ vẫn luôn quan trọng. Đúng giờ được coi là "đức tính giản dị mà bền vững".
Dù nó không khiến bạn ưỡn ngực tự hào như lòng can đảm hay sự quyết tâm. Nhưng đúng giờ liên quan đến tính kỷ luật và tự chủ, chính trực và tôn trọng. Đó vẫn luôn là một nhân tố quan trọng trong tính cách của một người ngay thẳng.
Tại sao đúng giờ lại quan trọng?
Đúng giờ củng cố và bộc lộ tính chính trực. Nếu hẹn gặp một người vào một thời gian nhất định, bản chất là bạn đã hứa với họ.
Nếu bạn nói mình sẽ có mặt vào lúc 8h nhưng lại đến vào lúc 8h15, tức là bạn đã thất hứa. Đến đúng giờ chứng tỏ cho người khác thấy rằng bạn là người biết giữ lời.
Đúng giờ chứng tỏ bạn đáng tin cậy. Nếu bạn thấy một người luôn có mặt đúng lúc và làm đúng những việc cần thiết thì bạn biết mình có thể tin tưởng người như vậy.
Còn bạn sẽ không thể trông cậy một người hay trễ hẹn, khi cần lại không biết họ đang ở đâu. Bạn sẽ cảm thấy họ không thể sắp xếp thời gian của chính mình và dấy lên nghi ngờ: "Nếu không để tâm đến thời gian thì họ để tâm đến điều gì đây?"
Benjamin Franklin từng nói với một nhân viên luôn trễ giờ nhưng lúc nào cũng có cớ để bào chữa: "Tôi thấy người nào giỏi viện cớ thì chẳng giỏi việc gì khác nữa."
Đúng giờ giúp bạn tự tin. Đến đúng giờ không chỉ chứng tỏ với người khác bạn đáng tin cậy, nó còn cho bạn biết bạn có thể tin tưởng vào chính mình.
Đúng giờ đảm bảo bạn ở trong trạng thái tốt nhất. Sau khi phải phóng nhanh vượt ẩu né tránh cảnh sát giao thông và bực mình khi gặp đèn đỏ, thật khó để bạn có thể tập trung vào những việc quan trọng sau đó.
Khi đến đúng giờ, bạn có vài phút để sắp xếp suy nghĩ của mình, kiểm tra tài liệu và sẵn sàng bắt tay vào công việc.
Đúng giờ xây dựng và thể hiện tính kỷ luật. Người đúng giờ chứng tỏ họ có thể sắp xếp thời gian, chú ý đến chi tiết và có thể gạt thú vui qua một bên để lo việc kinh doanh.
Đúng giờ thể hiện sự khiêm nhường. Mọi người sẽ rất vui khi bạn đến, nhưng họ sẽ còn vui hơn nếu bạn đến đúng giờ.
Đúng giờ chứng tỏ bạn tôn trọng người khác. Đến trễ là một hành động ích kỷ, đặt nhu cầu của mình trên nhu cầu của người khác.
Bạn muốn có thêm vài phút làm điều mình thích, nhưng để có được vài phút đó cho bản thân, bạn lấy đi vài phút của người khác.
Trễ giờ là một dạng ăn cắp. Khi bắt người khác chờ đợi mình, bạn đã cướp đi của họ thời gian mà họ sẽ không bao giờ lấy lại được. Thời gian mà họ có thể dùng để kiếm ra tiền, hay đơn giản là làm những việc quan trọng.
Để đến gặp bạn vào đúng giờ đã thỏa thuận, có thể họ đã phải hy sinh một số việc và sự chậm trễ của bạn phủ nhận sự hy sinh đó. Đúng giờ cho thấy bạn trân trọng thời gian của người khác.
Trễ giờ quấy rầy trải nghiệm của người khác. Sự chậm trễ của bạn không chỉ cướp đi thời gian của người khác, mà còn khiến họ không được trải nghiệm một cách trọn vẹn.
Sinh viên đi học trễ làm gián đoạn bài giảng của giáo sư, một gia đình đến rạp chiếu phim muộn làm phiền người khác xem phim; một người mở cửa làm gián đoạn một bài điếu văn.
Khi một người đàn ông lớn tuổi được hỏi tại sao trong mấy chục năm qua ông luôn đi lễ đúng giờ thì ông trả lời, "Tôn giáo của tôi là không làm phiền tôn giáo của người khác."
Trễ giờ khiến các mối quan hệ căng thẳng. Việc bạn trễ hẹn với người khác khiến họ cảm thấy mình không được coi trọng.
Vị khách phải bay từ nơi khác đến gặp bạn cảm thấy mình như một tên ngốc khi đứng lẻ loi ở sân bay, người yêu bạn cảm thấy ngượng khi phải ngồi một mình ở nhà hàng và con bạn cảm thấy bị bỏ rơi khi hết giờ vẫn phải cùng cô giáo đợi bạn đến đón.
Trễ giờ gây hại đến sự nghiệp. Dù là người làm thuê hay là chủ doanh nghiệp, trễ giờ có thể cản trở thành công của bạn. Nhiều công ty có những chính sách phạm lỗi trễ giờ vài lần là bị đuổi việc.
Nếu đến trễ trong buổi phỏng vấn xin việc, có khả năng bạn đã đánh mất công việc đó ngay từ đầu. Nếu bạn đang cố lấy lòng một khách hàng mới, đến trễ sẽ không giúp bạn tạo được mối quan hệ tốt đẹp.
Trễ giờ ảnh hưởng xấu đến cuộc đời bạn. Trễ giờ khiến bạn bỏ lỡ các cơ hội: lỡ chuyến bay, lỡ cuộc hẹn, lỡ phần quan trọng của bài giảng, lỡ đám cưới.
Đến muộn làm bạn xấu hổ và buộc bạn phải nghĩ ra một cái cớ cho việc đến trễ, khiến bạn khó mà giữ được lòng trung thực.
Về cơ bản, trễ giờ khiến cuộc sống của bạn phức tạp hơn. Đối với những người luôn tìm cách đơn giản hóa cuộc sống, nuôi dưỡng thói quen đúng giờ là một phần thiết yếu của hành trình đó.
Những lý do đằng sau việc trễ nải
Đúng giờ là một kỹ năng mà ai cũng có thể thuần thục chẳng cần bất cứ tài năng hay khả năng đặc biệt nào cả.
Dù biết rằng đó là việc quan trọng cần được trau dồi có thể bạn vẫn gặp khó khăn trong việc đến đúng giờ và cảm thấy thói quen đi trễ cực kỳ khó bỏ.
Mỗi lần đến trễ, bạn đều quyết tâm lần sau mình sẽ đến đúng giờ hơn nhưng rồi vẫn luôn trễ hẹn. Tại sao bạn bận rộn ư?
Vấn đề không hoàn toàn nằm ở sự bận rộn; người bận rộn nhất thường là người đúng giờ nhất trong khi người ít việc hay phải chật vật để đến đúng giờ. Những người luôn trễ giờ có thể có khuynh hướng:
Nhận định không chính xác khoảng thời gian. Các nghiên cứu cho thấy người luôn trễ hẹn không đánh giá chính xác thời gian đã trôi qua. Bạn cần đến một nơi vào lúc 12 giờ trưa và bắt đầu sửa soạn vào lúc 11h15.
Nghĩ rằng mình vẫn còn dư thời gian, bạn dây dưa trong phòng tắm và cảm thấy dường như 20 phút đã trôi qua. Nhưng khi nhìn ra xem đồng hồ, bạn giật mình khi thấy đã 11h 45 phút rồi, bạn đã muộn giờ.
Đánh giá thấp khoảng thời gian thực hiện một việc. Những người luôn trễ giờ thường đánh giá thấp khoảng thời gian cần bỏ ra để làm một việc gì đó dù cho họ làm việc đó mỗi ngày và luôn tốn nhiều thời gian hơn họ tưởng.
Chuyện xảy ra với người không đúng giờ là họ thường nhớ rằng mình làm một việc gì đó trong điều kiện thuận lợi nhất, dù việc đó là không thường xảy ra.
Khi bạn đi làm vào ngày lễ, dọc đường có rất ít đèn giao thông và bạn gặp chủ yếu là đèn xanh nên thời gian bạn cần để đi từ nhà đến công ty là 12 phút.
Từ đó, mỗi khi nghĩ đến khoảng thời gian đi đến văn phòng, con số 12 phút luôn hiện lên trong đầu bạn. Thế nhưng ngày qua ngày, bạn phải mất 17 đến 20 phút mới đến được công ty. Vì thế, ngày nào bạn cũng đi làm trễ khoảng 5 phút.
Mang suy nghĩ ảo tưởng. Người không đúng giờ tin mình có thể làm hàng tá công việc trong một khoảng thời gian giới hạn hoặc mỗi việc không tốn nhiều thời gian như thực tế.
Họ nhìn nhận thế giới theo cách họ muốn chứ không phải theo bản chất của nó. Đúng giờ đòi hỏi mình phải ngưng làm việc khác để bắt đầu làm việc này nhưng người ảo tưởng lại muốn có tất cả.
Trì hoãn trong mọi việc. Những người chật vật với việc đi trễ thường có khuynh hướng trì hoãn công việc trong mọi lĩnh vực của cuộc sống.
Lý do có thể là vì họ dễ bị phân tâm hơn người khác, họ cần một deadline để có động lực làm việc.
Dễ bị phân tâm. Những người dễ bị phân tâm gặp khó khăn với việc đúng giờ bởi lẽ trên đường từ A đến B, họ bị kéo vào việc C.
Nước tới chân mới nhảy. Một số người cảm thấy họ làm việc tốt nhất dưới áp lực và không thể làm gì cho đến khi thời hạn đã cận kề.
Thích cảm giác thỏa mãn từ việc chạy đua với thời gian. Những người trễ giờ thích cảm giác thích thú khi chạy đua với thời gian để tận hưởng cảm giác vui sướng của việc cố xử lý rắc rối đó.
Cảm thấy lo lắng. Các nghiên cứu cho thấy người hay đi trễ có xu hướng lo lắng nhiều hơn người khác. Họ có thể xem cảm giác thích thú bên trên như một cách thoát khỏi nỗi lo của mình.
Muốn cảm thấy mình đặc biệt. Người này có thể xem việc đúng giờ như dấu hiệu của một cuộc đời tầm thường, luôn tuân thủ phép tắc.
Nếu cuộc sống không như mình hằng mong muốn, đến trễ có thể giúp bạn cảm thấy mình không quá an phận.
Gây hấn thụ động. Những người được nuôi dạy bởi cha mẹ nghiêm khắc và hay kiểm soát con cái. Họ đành dùng cách nổi loạn bằng những hành động nhỏ như đến trễ để duy trì cảm giác làm chủ cuộc đời mình.
Muốn cảm thấy mình có quyền. Một số người thích được người khác chờ đợi. Điều đó khẳng định cái tôi của họ và cho họ cảm giác kiểm soát, thường là những lúc cảm thấy thiếu quyền lực trong các lĩnh vực khác của cuộc sống.
(Còn tiếp)