Thượng đỉnh NATO thoả thuận cung cấp loạt khí tài quan trọng cho Ukraine, nhưng bộc lộ chia rẽ lớn

Đại sứ Nguyễn Quang Khai |

Hội nghị thượng đỉnh NATO được triệu tập tại Washington từ 9 -11/7 với sự tham gia của các nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ 32 thành viên, các nước đối tác và EU.

Hội nghị diễn ra trùng với dịp kỷ niệm 75 năm thành lập Liên minh Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Liên minh được thành lập ngày 4/4/1949 với việc ký kết Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương tại Washington. Đây là hội nghị thượng đỉnh đầu tiên kể từ khi Thụy Điển gia nhập NATO và là hội nghị thượng đỉnh cuối cùng mà ông Jens Stoltenberg làm Tổng thư ký.

Thượng đỉnh NATO thoả thuận cung cấp loạt khí tài quan trọng cho Ukraine, nhưng bộc lộ chia rẽ lớn- Ảnh 1.

Hội nghị thượng đỉnh NATO tuyên bố Nga là mối đe dọa chính đối với các nước thành viên liên minh và nêu rõ NATO cam kết hỗ trợ nhiều hơn nữa cho Kiev. Ảnh: Reuters

Tăng cường khả năng răn đe và phòng thủ

Kết thúc hội nghị, các nhà lãnh đạo NATO đã thông qua tuyên bố cuối cùng, trong đó nhấn mạnh quyết tâm của các nước thành viên NATO tăng cường hơn nữa khả năng răn đe và phòng thủ, Ukraine đang trên “con đường không thể đảo ngược” hướng tới gia nhập liên minh, khẳng định chiến lược mở rộng liên minh sẽ tiếp tục không thay đổi, đồng thời tăng cường sức mạnh quân sự của các nước thành viên.

Tuyên bố coi Nga là mối đe dọa chính đối với các nước thành viên NATO và nêu rõ NATO cam kết hỗ trợ nhiều hơn nữa cho Kiev, thỏa thuận cung cấp khoản tài trợ tối thiểu 40 tỷ euro vào năm 2025 song song với việc hỗ trợ an ninh bền vững cho Ukraine.

Hội nghị thỏa thuận cho phép bắt đầu chuyển giao máy bay chiến đấu F-16 cho Ukraine, đưa tổng số máy bay các nước NATO hứa cung cấp lên 45 chiếc, đồng thời cung cấp cho Ukraine thêm 5 hệ thống phòng không chiến lược Patriot và hàng chục hệ thống phòng không chiến thuật khác để phòng thủ trong những tháng tới. Hệ thống phòng thủ tên lửa NATO "Aegis Ashore", do Mỹ chế tạo ở Ba Lan, cũng đã sẵn sàng đưa vào sử dụng.

Để phối hợp với lãnh đạo cấp cao Ukraine trong việc huấn luyện quân sự và trợ giúp an ninh cho Ukraine, lần đầu tiên NATO quyết định bổ nhiệm một đại diện cấp cao của Liên minh tại Kiev, cũng như thành lập Trung tâm Huấn luyện và Hỗ trợ an ninh của NATO cho Ukraine (NSATU) tại Kiev.

Đặc biệt, trước hội nghị thượng đỉnh, NATO đã công bố ý định mở rộng liên minh về phía Đông Balkan và Biển Đen; và lần đầu tiên kể từ những năm 1980, Mỹ tuyên bố kế hoạch triển khai vĩnh viễn các tên lửa tầm trung và tầm ngắn ở Đức vào năm 2026, đặc biệt là tên lửa đa năng SM-6, tên lửa Cruise, Tomahawk và tên lửa siêu thanh. Liên minh cũng đưa ra kế hoạch tăng gấp đôi lực lượng NATO trong khu vực, từ khoảng 40.000 binh sĩ hiện nay, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng của các quốc gia thành viên, bao gồm đường sắt và đường bộ quan trọng.

Đây là năm thứ ba liên tiếp, NATO đã mời lãnh đạo các nước đối tác ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương gồm Australia, Nhật Bản, New Zealand, Hàn Quốc và Liên minh châu Âu (EU) tham gia hội nghị thượng đỉnh để thảo luận về các biện pháp kết nối an ninh và tăng cường hợp tác giữa khu vực Châu Âu-Đại Tây Dương và Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nhằm đối phó với ảnh hưởng của Trung Quốc, cũng như làm sâu sắc thêm quan hệ đối tác toàn cầu.

Thượng đỉnh NATO thoả thuận cung cấp loạt khí tài quan trọng cho Ukraine, nhưng bộc lộ chia rẽ lớn- Ảnh 2.

Hội nghị thượng đỉnh NATO lần này có sự tham gia của các nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ 32 thành viên, các nước đối tác và EU. Ảnh: NATO

Nội bộ NATO thiếu thống nhất

Tuyên bố 38 điểm khẳng định NATO đoàn kết hơn bao giờ hết, nhưng trên thực tế tình trạng chia rẽ giữa các nước thành viên càng ngày càng trở nên rõ ràng, đặc biệt thể hiện qua thái độ gay gắt của Thủ tướng Hungary Viktor Orban tại hội nghị.

Ông Orban cảnh báo NATO ngày càng rời xa mục đích ban đầu của mình và đang biến thành một tổ chức quân sự đóng vai trò quan trọng trong cuộc xung đột đang diễn ra ở Ukraine, dẫn đến đối đầu quân sự trực tiếp với Nga mà hậu quả thảm khốc của nó không thể lường hết được. Trái với quan điểm của NATO, ông Orban ủng hộ thương lượng nhằm tìm ra một giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột.

Ngay sau khi được cử giữ chức Chủ tịch EU, Thủ tướng Hungary Orban đã đến Kiev, Moscow, Bắc Kinh và gặp cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump để thúc đẩy thương lượng giữa các bên liên quan.

Thủ tướng Slovakia, Robert Fico cũng công khai phản đối giải pháp quân sự cho cuộc xung đột Ukraine và việc Ukraine gia nhập NATO. Ngày 11/7, ngay sau khi hội nghị thượng đỉnh kết thúc, ông Fico đã cảnh báo "con đường không thể đảo ngược" của Kiev gia nhập khối quân sự do Mỹ lãnh đạo có thể sẽ dẫn đến Thế chiến thứ ba. "Ngay cả khi Ukraine chưa là thành viên NATO, chúng ta cũng không ở quá xa mục tiêu đó, nếu nhìn cách một số nền dân chủ tiên tiến đang đổ thêm dầu vào lửa như thế nào”, ông Fico nói thêm.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cũng đã bày tỏ lo ngại về nguy cơ xảy ra cuộc đối đầu trực tiếp giữa Nga và NATO vào ngày 11/7 - một ngày sau khi các đồng minh NATO tuyên bố bắt đầu chuyển giao máy bay F-16 cho Ukraine và cam kết kết nạp Ukraine làm thành viên của liên minh.

Ngay cả Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng cho biết ông không thể nói chính xác khi nào Ukraine có thể gia nhập NATO vì việc đưa ra quyết định như vậy phải có sự đồng thuận của tất cả các nước trong Liên minh và “chúng tôi mới chỉ nói về việc đưa nước này đến gần hơn với NATO thôi”. Trước đó, ông Stoltenberg cho rằng việc Ukraine gia nhập NATO chỉ có thể được bàn đến sau khi chấm dứt hoàn toàn xung đột quân sự với Nga, và Kiev đáp ứng tất cả các điều kiện cần thiết.

Không phải quốc gia nào cũng cho phép Kiev sử dụng vũ khí của mình để tấn công các mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga. Quyền Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo tại hội nghị thượng đỉnh đã nói rõ rằng, Kiev chỉ được phép sử dụng máy bay F-16 được chuyển giao trên lãnh thổ Ukraine. Trước đó, một số quốc gia châu Âu khác như Slovakia, Bulgaria, Italia và Bồ Đào Nha cũng phản đối việc Ukraine sử dụng vũ khí phương Tây để tấn công các mục tiêu ở Nga.

Thượng đỉnh NATO thoả thuận cung cấp loạt khí tài quan trọng cho Ukraine, nhưng bộc lộ chia rẽ lớn- Ảnh 4.

Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky tại một sự kiện bên lề Hội nghị thượng đỉnh NATO tại Washington, vào ngày 11/7. Ảnh: AP

Thay đổi trên chính trường châu Âu và Mỹ tác động đến xung đột Ukraine

Hội nghị thượng đỉnh NATO diễn ra trong bầu không khí chính trị bất ổn ở châu Âu và một số quốc gia thành viên.

Thắng lợi của các đảng cánh hữu trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu ngày 6 - 9/6/2024, việc Thủ tướng Hungary Victor Orban được cử giữ chức Chủ tịch EU công bố kế hoạch thành lập một liên minh mới “Những người yêu nước vì châu Âu" trong Nghị viện châu Âu nhằm “làm cho châu Âu vĩ đại trở lại” có thể tác động lớn đến các chính sách quan trọng của EU, cũng như làm thay đổi cán cân quyền lực ở nhiều quốc gia thành viên và cục diện chính trị ở châu Âu. Kết quả bầu cử này sẽ ảnh hưởng nhất định đến quan điểm của châu Âu đối với cuộc xung đột Ukraine và quan hệ với Nga.

Tại Pháp, sau kết quả bầu cử quốc hội vòng hai, không đảng nào giành được đa số quá bán, và điều này đặt nước Pháp vào một giai đoạn khó khăn trong quá trình thành lập chính phủ mới. Mặt trận Bình dân Mới cánh tả giành chiến thắng với 188 ghế, đẩy Đảng Quốc gia cực hữu xuống vị trí thứ ba sau liên minh cầm quyền Phục hưng với 164 ghế. Tuy nhiên, điều này đã làm tăng đáng kể số ghế của Đảng Quốc gia cực hữu ở Hạ viện lên 143 ghế.

Cả Mặt trận Bình dân Mới và Đảng Quốc gia, mặc dù có các chương trình chính trị hoàn toàn trái ngược nhau, đều cho rằng xung đột ở Ukraine nên được giải quyết trên bàn đàm phán chứ không phải trên chiến trường. Quan điểm này hoàn toàn trái ngược với quan điểm của Tổng thống Emmanuel Macron, và điều này có thể ảnh hưởng đến sự ủng hộ của Paris dành cho Kiev.

Những diễn biến tại Đức, Italia, Tây Ban Nha, Anh... chứng tỏ các giới tinh hoa chính trị ở châu Âu đã quá mệt mỏi và đang mong muốn có sự thay đổi.

Tại Mỹ, chiến dịch vận động tranh cử đang diễn ra quyết liệt và khả năng cựu Tổng thống Donald Trump thắng cử vào tháng 11 tới sẽ làm thay đổi hoàn toàn quan điểm của Washington đối với cuộc chiến Nga - Ukraine và NATO. Hội nghị thượng đỉnh tại Washington lần này được cho là chủ yếu nhằm củng cố hình ảnh của đương kim Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Hội nghị thượng đỉnh NATO lần này đưa ra nhiều tham vọng, trong đó quan trọng nhất là việc đưa Ukraine gia nhập liên minh và cam kết hỗ trợ quân sự dài hạn cho Kiev, bao gồm việc cung cấp vũ khí, viện trợ tài chính, chi phí đào tạo quân nhân cho lực lượng vũ trang Ukraine.... Tuy nhiên, việc thực hiện các cam kết này không dễ dàng.

Bên lề hội nghị, Tổng thư ký NATO Stoltenberg nói Ukraine có thể trở thành thành viên của liên minh "khi thời điểm thích hợp" và từ chối đưa ra đảm bảo hỗ trợ lâu dài cho Ukraine. Trong bối cảnh chính trị hiện nay và khó khăn kinh tế của các nước thành viên NATO, việc kiếm được 40 tỷ euro giúp Ukraine vào năm 2025 và các năm tiếp theo là một việc không đơn giản.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại