Hội nghị thượng đỉnh GCC: Cơ hội để giải quyết khủng hoảng Qatar?

Phạm Hà |

Đây là cuộc tiếp xúc trực tiếp cấp cao nhất mà UAE, Saudi Arabia và Bahrain có với Qatar kể từ khi khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh nổ ra.

Hội nghị thượng đỉnh Hội đồng hợp tác Vùng Vịnh (GCC) hôm nay (5/12) bắt đầu tại Kuwait. Bất đồng ngoại giao giữa các nước thành viên, trong đó có Saudi Arabia, Bahrain, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và một bên là Qatar phủ bóng cuộc họp thượng đỉnh lần thứ 38 này.

Kuwait khẳng định tiếp tục vai trò hòa giải, với hy vọng Hội nghị thượng đỉnh sẽ là cơ hội để giải quyết cuộc khủng hoảng ngoại giao nghiêm trọng nhất nhiều năm qua của tổ chức.

Ngoại trưởng các nước GCC hôm qua (4/12) có cuộc họp nhằm thảo luận một số vấn đề trù bị cho Hội nghị thượng đỉnh. Hình ảnh tại cuộc họp với Ngoại trưởng Oman Yussef bin Alawi -quốc gia được cho là trung lập trong bất đồng ngoại giao hiện nay ngồi giữa Ngoại trưởng Qatar Sheikh Mohammed Al Thani và Ngoại trưởng Saudi Arabia Adel Al Jubeir là bức tranh rõ nét nhất về mối quan hệ giữa các nước GCC hiện nay.

Đây là cuộc tiếp xúc trực tiếp cấp cao nhất mà UAE, Saudi Arabia và Bahrain có với Qatar kể từ khi một lệnh cấm vận được áp đặt nhằm vào quốc gia này vào ngày 5/6 vừa qua, cáo buộc Qatar hỗ trợ chủ nghĩa khủng bố và các nhóm cực đoan.

Tuy nhiên Qatar đã bác bỏ hoàn toàn những cáo buộc này và gọi đây là hành vi can thiệp vào đường lối ngoại giao độc lập của quốc gia này. Kuwait và Oman không tham gia vào chiến dịch tẩy chay Qatar.

Chuyên gia phân tích Marwan Kabalan của viện nghiện cứu Doha nhận định: “Hội nghị thượng đỉnh diễn ra vào thời điểm khó khăn cho khối khi chứng kiến cuộc khủng hoảng ngoại giao các nước thành viên đã diễn ra quá lâu với những tác động không nhỏ. Chúng ta cũng nhận thấy rõ sự phân chia hai khối rõ rệt trong GCC với một bên là Saudi Arabia, Bahrain, UAE và một bên là Qatar với sự trung lập của Oman và Kuwait”.

Chương trình nghị sự của Hội nghị thượng đỉnh chưa được công bố nhưng dự kiến bất đồng giữa Qatar và 3 nước còn lại sẽ được tập trung thảo luận. Dự kiến có một cuộc họp báo chung thông báo kết quả cuộc họp diễn ra vào chiều 6/12 ( theo giờ địa phương).

Mặc dù Kuwait đang thúc đẩy các nỗ lực ngoại giao với hy vọng Hội nghị thượng đỉnh lần này là cơ hội để giải quyết bất đồng nhưng dư luận khu vực không mấy lạc quan. Thực tế thời gian qua Kuwait và Mỹ đã cố gắng làm hòa giải bất đồng giữa các nước nhưng đều không thành công.

 Ngay trước thềm phiên họp, không có bất cứ dấu hiệu nhượng bộ nào giữa các bên trong bất đồng ngoại giao kéo dài thời gian qua. Bahrain mới đây còn kêu gọi dừng tư cách của Qatar trong GCC. Chuyên gia phân tích chính trị khu vực Musa Qallab nhận định, nếu điều này xảy ra sẽ có tác động lớn đến GCC.

" Tác động sẽ rất lớn nếu các nước GCC ủng hộ quyết định của Bahrain. Điều đó có nghĩa là họ sẽ nhanh chóng thúc đẩy các bước đi dừng tư cách thành viên của Qatar. Cơ hội cho một giải pháp chính trị với Qatar cũng sẽ bị thu hẹp. Mọi thứ sẽ càng trở nên nghiêm trọng hơn", ông Musa Qallab nói.

Mặc dù vậy, Ngoại trưởng Kuwait Sheikh Sabah Al Khaled vẫn thể hiện quyết tâm giải quyết cuộc khủng hoảng này. Tại cuộc gặp với Ngoại trưởng các nước GCC hôm qua (4/12), ông cố gắng thuyết phục các nước thành viên rằng đoàn kết của tổ chức quan trọng hơn sự khác biệt, vì điều này có thể được giải quyết bằng thời gian. Ông cũng bày tỏ tin tưởng rằng bất đồng ngoại giao sẽ được giải quyết trong 2 ngày họp thượng đỉnh.

Giới quan sát cho rằng, nếu những bất đồng ngoại giao giữa Qatar và UAE, Bahrain, Saudi Arabia không giải quyết được tại hội nghị thượng đỉnh này sẽ tác động lớn đến vị thế và vai trò của GCC./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại