Đây được coi là động thái có thể làm giảm đáng kể hoạt động buôn bán vây cá mập tàn ác với lợi nhuận "khủng".
Theo kế hoạch được thông qua, việc buôn bán các cá thể thuộc họ cá mập mắt trắng và cá mập đầu búa giờ đây sẽ được đưa vào danh sách được kiểm soát chặt chẽ theo Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES).
Đề xuất đã được thông qua với sự đồng thuận vào ngày cuối cùng của hội nghị kéo dài trong hai tuần với sự tham gia của các đại biểu từ 183 quốc gia và Liên minh châu Âu.
Các đại biểu đã xem xét 52 đề xuất thay đổi mức độ bảo vệ của các loài. Các loài khác được tranh luận là ếch thủy tinh, cá sấu, cá ghita và một số loài rùa.
Đại biểu Panama Shirley Binder nói với AFP rằng với "quyết định mang tính lịch sử" này, một số lượng lớn cá mập chiếm tới 90% thị trường buôn bán sẽ được bảo vệ.
Vây cá mập, với giá trị thị trường khoảng 500 triệu USD mỗi năm, có thể được bán với giá khoảng 1.000 USD/kg.
Mỗi năm có từ 63 triệu đến 273 triệu con cá mập bị giết hại. (Ảnh: Aljazeera)
Ông Luke Warwick, Giám đốc bảo vệ cá mập thuộc Hiệp hội bảo tồn động vật hoang dã (WCS), cho biết: "Điều này sẽ được ghi nhớ như cột mốc chúng ta lật ngược tình thế nhằm ngăn chặn tình trạng tuyệt chủng của cá mập và cá đuối trên thế giới.
Bước quan trọng tiếp theo sẽ là thực hiện việc bảo tồn các loài theo danh sách này và đảm bảo chúng dẫn đến những biện pháp quản lý và thương mại nghề cá mạnh mẽ hơn càng sớm càng tốt".
Theo Nhóm Môi trường Pew, có từ 63 triệu đến 273 triệu con cá mập bị giết hại mỗi năm, chủ yếu để lấy vây và các bộ phận khác.
Với nhiều loài cá mập cần hơn 10 năm để trưởng thành về giới tính và có tỷ lệ sinh sản thấp, thực trạng săn bắt liên tục cá mập đã làm suy giảm số lượng loài này.
Những nỗ lực của các nhà bảo tồn đã tiến tới bước ngoặt vào năm 2013, khi CITES áp đặt các hạn chế thương mại đầu tiên đối với một số loài cá mập. Quyết định trên được đưa ra sau cuộc tranh luận sau khi Nhật Bản và Peru cố gắng giảm số lượng các loài cá mập sẽ được bảo vệ. Tuy nhiên, đề nghị của hai nước này đã bị bác bỏ.
CITES, có hiệu lực từ năm 1975, đã thiết lập những quy tắc thương mại quốc tế cho hơn 36.000 loài hoang dã. Các bên ký kết CITES bao gồm 183 quốc gia và Liên minh châu Âu.