Ngày 31/3/2019, Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 30 của Liên đoàn Ả Rập (AL) đã được triệu tập tại Thủ đô Tunis của Tunisia. Hội nghị lần này được tổ chức trong bối cảnh tình hình nội bộ thế giới Ả Rập hết sức phức tạp.
Trong khi cuộc nội chiến ở Syria và Yemen vẫn chưa chấm dứt, thì các cuộc biểu tình chống chính phủ lại bùng nổ tại Algeria và Sudan. Cuộc tranh giành quyền lực tại Libya vẫn chưa tìm được lối thoát. Cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh, tẩy chay Qatar kéo dài từ 2017 đến nay vẫn chưa lắng dịu. Quan hệ giữa Iran với các nước Ả Rập vẫn hết sức căng thẳng.
Trong khi đó, tiếp theo việc công nhận Jerusalem là Thủ đô của Israel, đưa ra kế hoạch gọi là "Thoả thuận thế kỷ" với mục tiêu chính là nhằm xóa bỏ vấn đề Palestine, chính quyền Mỹ đã đi thêm một bước nữa chống lại các nước Ả Rập bằng việc tuyên bố công nhận chủ quyền của Israel đối với cao nguyên Golan của Syria.
Những kết quả tích cực của Hội nghị
Trong bối cảnh phức tạp của thế giới Ả Rập, nhiều người cho rằng Hội nghị sẽ thất bại và không đạt được kết quả mong muốn. Tuy nhiên, với sự tham gia của 15/22 nguyên thủ quốc gia các nước thành viên và nhất trí thông qua được bản Tuyên bố cuối cùng gồm 17 điểm đề cập tới 20 vấn đề quan trọng nhất của thế giới Ả Rập là một thành công lớn.
Đoàn kết Ả Rập được những người tham gia Hội nghị đưa lên hàng đầu. Hội nghị đã chấp nhận sáng kiến của Tổng thống Tunisia Béji Kayed Essebsi đặt tên cho Hội nghị này là "Hội nghị Quyết tâm và Đoàn kết", khẳng định hòa giải giữa các nước Ả Rập là điểm khởi đầu cần thiết để tăng cường sức mạnh, đứng vững được trước những thách thức to lớn hiện nay, đảm bảo được an ninh và ổn định của khu vực chống lại sự can thiệp từ bên ngoài.
Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 30 của Liên đoàn Ả Rập được tổ chức tại thủ đô Tunis của Tunisia. Ảnh: CNN.
Vấn đề Palestine là một trong những chủ đề chính được đưa vào chương trình nghị sự của Hội nghị.
Hội nghị đã tuyên bố khẳng định lại vấn đề Palestine vẫn chiếm vị trí trung tâm trong hành động chung của các nước Ả Rập; cam kết hành động trên cơ sở các nghị quyết của Liên hợp quốc, sáng kiến hòa bình Ả Rập năm 2002 và nguyên tắc giải pháp hai nhà nước; ủng hộ tinh thần cũng như vật chất đối với cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Palestine dưới sự lãnh đạo của Ban lãnh đạo Palestine, đứng đầu là Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO), người đại diện hợp pháp duy nhất của nhân dân Palestine nhằm khôi phục lại các quyền dân tộc cơ bản của mình, trước hết là quyền tự quyết và quyền thành lập một Nhà nước Palestine độc lập bên trong đường biên giới 4/6/1967 với Thủ đô là Đông Jerusalem.
Về cuộc xung đột Syria, khác với trước đây, những người tham gia Hội nghị đã không còn đòi Tổng thống Bashar Al-Assad phải ra đi. Ngược lại, Tuyên bố Tunis đã khẳng định ủng hộ một giải pháp chính trị nhằm tìm ra một giải pháp cho cuộc khủng hoảng trên cơ sở các cuộc đàm phán Geneva và các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an.
Đặc biệt, các bài tham luận tại Hội nghị đã lên án mạnh mẽ quyết định của chính quyền Mỹ công nhận chủ quyền của Israel đối với cao nguyên Golan. Tuyên bố của Hội nghị khẳng định Golan là lãnh thổ Syria bị chiếm đóng và bác bỏ âm mưu thôn tính vĩnh viễn cao nguyên Golan.
Về quan hệ với Iran, trái với không khí đối đầu căng thẳng, lần đầu tiên các quốc gia thành viên của Liên đoàn Ả Rập đã dùng những lời lẽ ôn hoà, kêu gọi hợp tác với Iran trên cơ sở láng giềng tốt, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực theo các nguyên tắc của luật pháp quốc tế và tránh các hành vi gây mất ổn định và đe dọa an ninh khu vực.
Bản tuyên bố cuối cùng của Hội nghị viết "Chúng tôi khẳng định rằng, các mối quan hệ hợp tác giữa các nước Ả Rập và nước Cộng hòa Hồi giáo Iran cần phải được xây dựng trên nguyên tắc láng giềng tốt".
Tuyên bố này ngay lập tức đã được Bộ Ngoại giao Iran đón nhận và đánh giá là "tích cực hơn so với các Hội nghị thượng đỉnh Ả Rập trước đây và khơi dậy niềm hy vọng".
Một số điểm hạn chế của Hội nghị thượng đỉnh Tunis
Bên cạnh những kết quả tích cực của Hội nghị được ghi nhận, một số vấn đề nóng bỏng của thế giới Ả Rập đã không được thảo luận.
Trong số các vấn đề này phải kể đến cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh và cô lập Qatar khi 4 nước Ả Rập ngày 5/6/2017 đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với quốc gia này đến nay vẫn chưa được giải quyết.
Quốc vương Qatar Tamim bin Hamad al-Thani đã rời khỏi Hội nghị ngay sau phiên khai mạc. Đây là vấn đề ảnh hưởng nghiêm trọng đến đoàn kết Ả Rập.
Cuộc nội chiến Syria kéo dài 8 năm tàn phá đất nước, gây chia rẽ giữa các nước Ả Rập đã đến lúc phải tìm cách chấm dứt.
Mặc dù nhiều nước Ả Rập đã bắt đầu bình thường hóa quan hệ với chính quyền của Tổng thống B. Al-Assad, có nhiều tiếng nói đề nghị đưa Syria trở lại Liên đoàn Ả Rập (AL), nhưng vấn đề đã không được đưa vào chương trình nghị sự của Hội nghị. Tổng thư ký AL Ahmed Abu Al-Gheit nói thời gian còn chưa chín muồi, cần phải đợi thêm kết quả tiến trình chính trị được sự đồng thuận của các phe phái Syria.
Cuộc nội chiến Yemen kéo dài 4 năm nay, các phong trào biểu tình chống chính phủ ớ Algeria và Sudan là những vấn đề thời sự nóng của khu vực cũng đã không được đề cập tới.
Và cuối cùng là Hội nghị chưa đạt được thỏa thuận về thời gian và nước đăng cai Hội nghị thượng đỉnh tiếp theo lần thứ 31.
Thế giới Ả Rập đang phải đối phó với những khó khăn và thách thách thức to lớn chưa từng có. Những khó khăn, thách thức này, các cuộc khủng hoảng và xung đột không thể vượt qua một sớm một chiều.
Mặc dù còn nhiều vấn đề chưa được giải quyết, Hội nghị thượng đỉnh Ả Rập lần thứ 30 họp tại Tunis là bước mở đầu cho việc khôi phục khối đoàn kết, củng cố lòng tin giữa những người anh em Ả Rập.
Tổng Thư ký Liên đoàn Ả Rập Ahmed Abu Al-Gheit: “Thời điểm chưa chín muồi để đưa Syria trở lại Liên đoàn Ả Rập”. Ảnh: Arabic Post.
Một số mốc lịch sử của Hội nghị thượng đỉnh Ả Rập:
- 1946, Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên được tổ chức theo lời mời của Vua Farouq của Ai Cập tại Cung điện Anshas ở Thủ đô Cairo và được gọi là Hội nghị thượng đỉnh Anshas. Hội nghị này kêu gọi "ngăn chặn sự di cư đến Palestine và ngăn chặn việc lãnh thổ Palestine rơi vào tay người Do Thái."
- 1956, Hội nghị thượng đỉnh thứ hai được tổ chức sau cuộc xâm lược ba bên Anh, Pháp và Israel chống lại Ai Cập.
- 1964, Hội nghị thượng đỉnh chính thức đầu tiên do Liên đoàn Ả Rập tổ chức với tư cách là một tổ chức chính trị. Tại hội nghị này, các nhà lãnh đạo Ả Rập đã đồng ý tổ chức Hội nghị thượng đỉnh thường kỳ hàng năm.
- 1967, Hội nghị thượng đỉnh "Ba không" được tổ chức hai tháng sau khi Israel tiến hành cuộc chiến tranh trên ba mặt trận chống Ả Rập tháng 6/1967.
- 1973, Hội nghị thượng đỉnh Algier quyết định: "Sự cần thiết phải giải phóng hoàn toàn tất cả các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng năm 1967".
- 1978, Hội nghị thượng đỉnh Baghdad họp sau khi Ai Cập ký kết Hiệp định Camp David với Israel. Hội nghị đã ra nghị quyết bác bỏ Hiệp định,chuyển trụ sở Liên đoàn Ả Rập từ Cairo sang Tunis và đình chỉ tư cách thành viên của Ai Cập. Năm 1989, Ai Cập trở lại Liên đoàn Ả Rập và trụ sở AL trở về Cairo.
- 1981, Hội nghị thượng đỉnh Fez ( Morocco) được coi là một hội nghị thất bại, chỉ kéo dài bốn giờ đồng hồ sau khi Syria, Algeria, Libya, Iraq, Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) bác bỏ sáng kiến của Thái tử Ả Rập Saudi Fahd bin Abdul Aziz đưa ra đề nghị công nhận "quyền của tất cả các quốc gia trong khu vực được sống trong hòa bình".
Sáng kiến này sau đó được gọi là "Sáng kiến Hòa bình" của Vua Fahd và được nhất trí thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh Beirut năm 2002.
- 2002, Hai năm sau khi giải phóng miền nam Lebanon khỏi sự chiếm đóng của Israel, Hội nghị thượng đỉnh tổ chức tại thủ đô Beirut của Lebanon đã chấp nhận sáng kiến hòa bình của Quốc vương Ả Rập Saudi Abdullah bin Abdul Aziz lấy tên là "Sáng kiến hòa bình Ả Rập", đề nghị "bình thường hòa hoàn toàn quan hệ với Israel để đổi lấy việc Israel rút khỏi các vùng đất bị chiếm năm 1967."
- 2009, "Hội nghị thượng đỉnh Gaza" họp tại Thủ đô Doha của Qatar quyết định đình chỉ "sáng kiến hòa bình Ả Rập" và ngăn chặn mọi hình thức bình thường hóa quan hệ với Israel.
- 2011, Hội nghị thượng đỉnh Ả Rập hoãn triệu tập, thay vào đó là Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao họp khẩn cấp tại Cairo, quyết định đình chỉ tư cách thành viên của Syria trong AL và áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế, chính trị đối với Damascus do cuộc khủng hoảng bùng nổ tại nước này.
Nghị quyết cũng kêu gọi các nước Ả Rập "rút đại sứ và đóng cửa Đại sứ quán của họ tại Damascus." Nghị quyết được 18 quốc gia Ả Rập ủng hộ, Lebanon, Algeria, Yemen và Iraq đã bỏ phiếu trắng. Đến nay, ghế của Syria vẫn bị bỏ trống.
- 2019, Hội nghị thượng đỉnh Tunis thông qua Tuyên bố với nội dung tích cực, mở đầu cho việc khôi phục đoàn kết Ả Rập.
* Tiêu đề bài viết do tòa soạn đặt lại.