Hội nghị ngoại trưởng Nga - Trung Quốc - Ấn Độ: Hữu danh vô thực?

Hải Võ |

Cơ chế đối thoại ba bên giữa Nga, Trung Quốc và Ấn Độ đang bị cho là ngày càng mờ nhạt và không thể hiện được giá trị thực tế gì.

Hội nghị ngoại trưởng ba nước Nga, Trung Quốc, Ấn Độ lần thứ 14 đã diễn ra ngày hôm qua, 18/4 tại thủ đô Moscow của Nga.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cùng người đồng cấp Trung Quốc, ông Vương Nghị và Ấn Độ, bà Sushma Swaraj đã thảo luận về các vấn đề thời sự quan trọng như tiến trình hòa bình Trung Đông, diễn biến cuộc khủng hoảng Ukraine...

Báo Độc Lập (Nga) ngày 18/4 đăng tải bài viết "Tam giác Nga-Trung-Ấn: Hữu danh vô thực", cho rằng hội nghị ngoại trưởng ba bên thường niên chỉ còn là "cái vỏ" để chứng minh ba nước này vẫn cùng ủng hộ trật tự thế giới đa cực, nhằm thay đổi vị thế "bá chủ" của Mỹ.

Tuy nhiên, cả ba nước trong "tam giác" đều chịu sức ép từ Washington. Thêm vào đó, Ấn Độ còn có thái độ bất tín nhiệm đối với Trung Quốc khi Bắc Kinh phát triển mối quan hệ hợp tác quân sự mật thiết với Pakistan.

Báo Độc Lập chỉ ra, với vị trí địa lý sát vách Trung Quốc, New Delhi đã phải duy trì chính sách ngoại giao cân bằng giữa Mỹ-Trung.

Cùng với ý đồ bành trướng rõ rệt của Bắc Kinh trên Ấn Độ Dương, cụ thể là việc tàu ngầm Trung Quốc thường xuyên ra vào vùng biển này, đã khiến Ấn Độ bất an hơn và đang "ngả" về phía Mỹ.

Báo Kommersant của Nga ngày 19/4 cũng nhận định, Nga-Trung-Ấn cần phải tìm được lợi ích chung để theo đuổi nếu không muốn cơ chế đối thoại ba bên này tan rã.

Trong khuôn khổ nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) hay G-20, cũng như bối cảnh lộ trình gia nhập Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO) của Ấn Độ tiến triển, hội nghị ngoại trưởng ba nước vẫn bị giới hạn ở các nghị trình quốc tế cố định.

Điều này cho thấy Nga, Trung, Ấn đang thiếu chủ động trong việc tìm ra nghị đề chung, đồng thời chứng minh quan hệ tam giác này đang dần mất đi ý nghĩa thực tế.

Người phụ trách nghiên cứu sự vụ liên quan đến nhóm BRICS của Nga Georgi Toloraya nhấn mạnh, hợp tác đang trở thành xu thế chủ đạo tại khu vực Á-Âu, thể hiện ở các hội nghị thượng đỉnh G-20, BRICS hay SCO.

Theo ông, vai trò và giá trị của các hội nghị thượng đỉnh này đang dần dần trở nên trùng lặp.

Phó Chủ tịch Quỹ nghiên cứu Nhà quan sát (ORF) của Ấn Độ, ông Samir Saran nhận định Nga, Trung Quốc và Ấn Độ có mục đích khác nhau khi tham dự hội nghị ba bên.

Moscow hy vọng xây dựng một khối đối trọng với các nước phương Tây. Bắc Kinh muốn mượn diễn đàn để tuyên truyền chiến lược kinh tế của họ, còn New Delhi muốn có được sự ủng hộ của hai cường quốc còn lại trong hoạt động chống khủng bố.

Tuy vậy, ông Saran cho rằng, hội nghị ngoại trưởng ba bên vẫn có giá trị tích cực.

Thứ nhất, đây là cơ chế đối thoại duy nhất không bao gồm các nước bên ngoài khu vực châu Á. Thứ hai, các bên vẫn kỳ vọng hội nghị là cơ sở làm ổn định các quan hệ song phương trong "tam giác".

Saran nhấn mạnh, mối quan hệ cần được ổn định nhất trong giai đoạn này chính là giữa Trung Quốc và Ấn Độ.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị trả lời truyền thông trong cuộc họp báo chung sau hội nghị, cho rằng đây là cuộc gặp "có hiệu quả cao, thiết thực và thành công".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại