Đồ tể Hitler và các quan chức chóp bu của chế độ phát xít Đức trong một đại hội của đảng Quốc xã năm 1938. Ảnh: USHMM.
Hội nghị của các trí thức sát thủ bài Do Thái
Đúng 80 năm trước, vào ngày 20/1/1942, 15 người tụ họp tại một villa thơ mộng bên hồ gần thủ đô Berlin (Đức). Đây gồm toàn những nam giới có nền giáo dục cao, có tới 7 vị trong đó sở hữu bằng cấp cao, bao gồm triết học, luật, và y học. Nhưng đây đồng thời là các phần tử Đức Quốc xã. Chúng tụ họp trong căn biệt thự này để vạch ra ý tưởng về giải pháp cho “Vấn đề Do Thái”.
Hội nghị Wannsee là một sự kiện khét tiếng. Sách báo, sân khấu, và điện ảnh đã mô tả cuộc họp mà trong đó các nam giới có giáo dục lại đi lên kế hoạch giết người hàng loạt thông qua phương pháp công nghiệp.
Đức Quốc xã đã nhắm tới người Do Thái trước khi chúng lên nắm quyền ở Đức vào năm 1933. Thực sự, chủ nghĩa bài Do Thái nằm ở tâm của hệ tư tưởng phong trào Đức Quốc xã. Như nhận xét của sử gia Thomas Childers, “chủ nghĩa phân biệt chủng tộc Đức Quốc xã, đặc biệt là chủ nghĩa bài Do Thái điên dại, luôn trồi lên bề mặt”.
Nhưng trước khi có thể tiến hành giết hại hàng loạt người của một dân tộc, Đức Quốc xã phải phi nhân tính hóa họ.
Trước tiên, Đức Quốc xã tẩy chay các cửa hàng thuộc sở hữu của người Do Thái. Tổ chức bán quân sự SA của đảng Quốc xã hỗ trợ thực thi tẩy chay, thường là bằng phương thức bạo lực. Người Do Thái bị cấm phục vụ trong quân đội và làm các nghề nghiệp như luật và dược.
Năm 1935, theo chỉ đạo của trùm phát xít Đức Adolf Hitler, bộ luật Nuremberg tước bỏ quyền dân sự cơ bản của người Do Thái, và cấm việc hôn nhân chéo cũng như quan hệ tình dục giữa người Do Thái và người “Aryan”.
Sau này, mục sư Martin Luther King, Jr. nhận xét: “Chúng ta không bao giờ được quên rằng mọi thứ mà Adolf Hitler làm ở Đức đều hợp pháp”.
Kể từ đó, Đức Quốc xã không mất nhiều thời gian để xúc tiến bạo lực với sự tài trợ của nhà nước nhằm vào dân tộc Do Thái.
Trong các ngày 9-10/11/1938, Đức Quốc xã khởi động trò Kristallnacht (đêm kính vỡ), trong đó 91 người Do Thái đã bị sát hại, còn tài sản của họ bị tịch thu. Ngoài ra, các giáo đường Do Thái bị phá hủy, 30.000 người Do Thái bị đưa vào trại tập trung.
Ấy thế nhưng lòng hận thù mang tính diệt chủng của Đức Quốc xã mới chỉ bắt đầu. Nhờ có sự nhân nhượng cũng như thờ ơ của phương Tây, đảng Quốc xã của trùm phát xít Hitler đã bung ra cơn thịnh nộ của mình khi “xẻ thịt” châu Âu. Vào tháng 10/1939, một tháng sau khi Đức Quốc xã xâm lược Ba Lan, Hitler ra lệnh giết hàng loạt những người khuyết tật thể xác và trí óc – những người bị chúng coi là “không đáng sống”. Chương trình T4 trở thành kế hoạch cho những gì xảy ra sau đó.
Vào tháng 6/1941, sau khi Đức xâm lược Liên Xô, việc hủy diệt dân tộc Do Thái đã trở thành quốc sách chính thức của phát xít Đức. Các biệt đội tử thần đã sát hại hơn một triệu người Do Thái vào cuối năm 1941
Các báo cáo về các vụ thảm sát như thế đã tới được phương Tây. Trong một phát biểu trên sóng phát thanh vào ngày 24/8/1941, Thủ tướng Anh Winston Churchill nói rằng người Do Thái ở “toàn bộ các khu vực đang bị hủy diệt” và cảnh báo rằng “chúng ta đang chứng kiến một tội ác không có tên”.
Công nghiệp hóa tội ác giết người
Sử gia Andrew Roberts nhận xét: Trước hội nghị bên bờ hồ Wannsee vào ngày 20/1/1942, quy tắc chung của Đức trong giải quyết vấn đề Do Thái là mang tính ngẫu hứng thay vì dựa trên một kế hoạch cụ thể.
Roberts cho biết, mục đích của cuộc họp là “đưa Reinhard Heydrich, 37 tuổi, trưởng cơ quan Cảnh sát An ninh (SD), vào trung tâm của quá trình này, trong khi cũng thiết lập trách nhiệm tập thể không thể phủ nhận”.
Cuộc họp đã “công nghiệp hóa” hoạt động giết người hàng loạt.
Sử gia Mark Roseman gọi Nghị định thư Wannsee là “tuyên bố có tính biểu tượng và tính kế hoạch nhất của Đức Quốc xã về cách thức diệt chủng”.
Tại hội nghị trên, các đại biểu tham dự đã bày tỏ sự “thành thật” đáng ngạc nhiên của chúng về các kế hoạch sát nhân. Một người tham dự, tên là Adolf Eichmann, sau này viết trong hồi ký vào năm 1961 rằng người ta nói thẳng, không quanh co uyển ngữ gì hết. “Tất cả đều sẵn lòng bày tỏ sự nhất trí” với mục đích của hội nghị. Ngoài ra, Eichmann cho biết thêm, chúng còn háo hức ganh đua với nhau trong cam kết và hành động cho một giải pháp cuối cùng đối với vấn đề Do Thái.
Theo đó, mỗi người Do Thái còn sống ở châu Âu sẽ phải bị sát hại, thậm chí cả khi những người khỏe mạnh hơn đã phải lao động cưỡng bức. Biên bản hội nghị có đoạn: “Xấp xỉ 11 triệu người Do Thái sẽ tham gia Giải pháp cuối cùng cho vấn đề Do Thái ở châu Âu”.
Người Do Thái sống ở các nước trung lập như Ireland cũng bị đưa vào danh sách đen của trùm cảnh sát Heydrich, thể hiện rõ quyết tâm của bọn Quốc xã trong việc đạt mục tiêu đề ra.
Các đại biểu Hội nghị trên còn sử dụng ngôn ngữ chính thức và kỹ thuật để bàn vấn đề ai được coi là Do Thái.
Sau cùng, các đại biểu bước vào màn thưởng thức rượu vang và xì gà sành điệu.
Trong cuốn sách lịch sử năm 2011 về chủ đề Thế chiến II, tác giả Roberts viết rằng “Diệt chủng đã được công nghiệp hóa nhanh chóng sau hội nghị Wannsee”.
Thực tế, vào giữa tháng 3/1942, khoảng 75-80% tất cả các nạn nhân của cuộc Diệt chủng Do Thái (Holocaust) vẫn còn sống, trong khi 20-25% còn lại đã chết. Nhưng chỉ 11 tháng sau đó, tỷ lệ phần trăm này đã bị đảo ngược, tức là tỷ lệ người bị giết đã lên tới 75-80%.
Theo Roberts, hội nghị Wannsee là “cột mốc cho thấy diệt chủng đã trở thành chính sách chính thức”.
Cuối cùng, Holocaust đã cướp đi sinh mạng của hơn 6 triệu người Do Thái – đa số bị giết sau hội nghị Wannsee.
Những người tham gia hội nghị trên đều là những kẻ có giáo dục và có “văn hóa”. Thế nhưng chúng lại là những nhân tố then chốt trong cuộc diệt chủng người Do Thái.
Roberts nhận xét chua xót: “Vụ Holocaust có thể đã không được tiến hành nếu không có sự sẵn lòng hợp tác của các nhà khoa học, nhà thống kê, nhà nhân khẩu học, và nhà khoa học xã hội” – những người đã “hoạt động trong trạng thái chân không đạo đức”./.