Một giao dịch lan đột biến “khủng” được tung lên mạng xã hội tạo sự chú ý của dư luận.
Lan đột biến đang được giao dịch trên thị trường do… nhân chồi, cắt đoạn
Thời gian qua, cơn sốt lan đột biến từ Phú Thọ đến Quảng Ninh, Sơn La, Hòa Bình… rồi vào cả Tây Nguyên kèm theo những vụ "đấu giá" với số tiền ngày càng "khủng".
Một thương vụ vừa gây choáng váng trong dư luận khi cây lan đột biến Ngọc Sơn Cước trị giá 250 tỷ đồng được giao dịch tại phường Mạo Khê (thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh).
Ngay sau đó, khi làm việc với cơ quan chức năng, chủ vườn khai báo giao dịch 250 tỷ đồng cho 5.000 cây giống lan var Ngọc Sơn Cước chứ không phải 1 cây.
Theo giới chơi lan, đây là chiêu trò của những người trong nghề kinh doanh lan đột biến "thổi" lên sau một thời gian thị trường trầm lắng. Qua khảo sát, hiện nay giá bình quân một kie lan đột biến (mầm từ cây mẹ có khả năng phát triển thành cây con) dao động từ vài triệu đến hàng chục triệu đồng, thậm chí hàng tỷ đồng.
Đơn cử, đối với lan phi điệp 5 cánh trắng Phú Thọ, một kie dài 5-10cm có giá 1,2-1,7 triệu đồng/cm; 5 cánh trắng Hiển Oanh có giá 5,8-6,8 triệu đồng/cm. Đặc biệt, lan đột biến Ngọc Sơn Cước được rao bán ở mức vài tỷ đồng đến vài chục tỷ đồng/kie.
Một chuyên gia nghiên cứu trong ngành nuôi cấy mô của Viện Sinh học nông nghiệp (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) cho biết: "Lan đột biến rất hiếm bởi đây là loại lan có sự thay đổi về màu sắc, cánh môi, tỷ lệ đột biến rất thấp.
Có khi hàng triệu cây mới có một cây đột biến ngoài tự nhiên, qua bao nhiêu thế hệ lai chéo mới tạo ra được màu sắc, hình thái như thế.
Tuy nhiên, đó là do quá trình lai tạo ngoài tự nhiên mới được gọi là đột biến, mới hiếm, còn theo tôi quan sát những loại lan do con người tác động để lai tạo đang được rao bán rầm rộ trên mạng xã hội thì không thể coi là quý hiếm được".
Một cây lan đột biến đang được giao bán trên thị trường với giá 6,8 tỷ đồng. Ảnh: PV
Về quy trình nhân cấy lan đột biến bằng công nghệ nuôi cấy mô, vị chuyên gia cho rằng, về cơ bản là nhân được.
Còn các loại lan phi điệp đột biến đang được giao dịch rầm rộ trên thị trường hiện nay là do quá trình nhân chồi, cắt đoạn. Những cây sinh ra từ cách này sẽ bị phân ly, không giữ được mặt hoa và bị biến đổi rất nhiều.
Trong khi đó, Viện sĩ Trần Đình Long - Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam khẳng định: "Cho đến thời điểm này, chưa có giống lan đột biến được đăng ký hay được Bộ NN&PTNT công nhận là một giống lan chính thức.
Bởi trong Luật Trồng trọt quy định, trước khi kinh doanh, sản xuất một loại giống cây trồng nào thì nó phải được công nhận là giống được lưu hành trong thị trường".
Theo ông Long, có thể một số nơi nộp đơn bảo hộ các loài lan này, nhưng cho đến giờ phút này chưa được cấp bằng bảo hộ giống lan đột biến.
Do đó, về mặt pháp lý, bất kỳ một tổ chức, cá nhân nào đó muốn sản xuất và kinh doanh giống, giống đó phải được công nhận hoặc phải được tự công bố chất lượng và được cơ quan có thẩm quyền cho công bố lưu hành trong toàn quốc thì lúc đó mới có tư cách pháp nhân để buôn bán thương mại.
Cẩn thận với "cái bẫy ngọt ngào"
Liên quan đến vấn đề trên, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cho biết, hoạt động mua bán lan đột biến thời gian gần đây chủ yếu là về cách thức "thổi giá", "làm giá ảo" để lừa đảo của một số đối tượng. Hay dễ hiểu hơn là các bên tự mua đi, bán lại cây lan đột biến với giá chênh lệch rất cao.
Điều này sẽ kích thích người sau mua với giá cao hơn nữa, đến khi không có người mua tiếp theo thì người đang giữ sản phẩm lan đột biến sẽ phải chịu thiệt hại vì sản phẩm không tương xứng với giá trị thực tế.
Nếu không sớm ngăn chặn sẽ dẫn đến tình trạng vỡ "bong bóng", vỡ nợ dây chuyền, phát sinh các vi phạm từ hoạt động tín dụng đen gây bất ổn xã hội.
Lan đột biến làm “dậy sóng” thị trường cây cảnh khi được công bố bán với giá “trên trời”.
Tại nhiều địa phương, đặc biệt ở những nơi thiếu thông tin hay người dân có trình độ dân trí hạn chế hơn, các đối tượng thường dùng các giao dịch ảo, dàn cảnh nhiều người chơi từ các nơi về đầu tư, giao dịch chồng số lượng lớn tiền mặt, "khoe" những câu chuyện thành công, đánh vào tâm lý muốn kiếm tiền nhanh người dân khiến không ít người rơi vào "cái bẫy ngọt ngào".
Giá lan đột biến ngày càng cao cộng thêm một số "gương" làm giàu nhanh chóng từ hoa lan khiến nhiều người càng "phát sốt" lao vào đầu tư. Họ vay nợ người thân, bạn bè, ngân hàng với hy vọng giấc mơ làm giàu nhanh từ lan đột biến.
Chỉ tính riêng đầu năm đến cuối tháng 3/2021, đã có thêm hàng trăm, hàng nghìn vườn lan lớn, nhỏ được mở ra.
Ông Vương Xuân Nguyên, Phó Chánh văn phòng Trung ương Hội Khoa học phát triển nông thôn Việt Nam cho biết, bất kỳ hoạt động nào thì cơ hội luôn đi cùng với thách thức, lợi nhuận thường đi đôi với rủi ro.
Vì vậy không nên đầu tư sản xuất kinh doanh theo tâm lý đám đông. Càng không nên dùng đòn bẩy vốn từ các nguồn vay mượn lãi suất cao.
"Lượng cung tăng quá lớn trong khi cầu hạn chế thì giá trị trao đổi dưới bất kỳ hình thức nào cũng bị đẩy lên. Từ đó làm phát sinh những trường hợp lợi dụng sự khan hiếm của hàng hóa để lừa đảo chiếm đoạt tài sản", ông Nguyên chia sẻ.
Các chuyên gia cũng cho rằng, về góc độ quản lý Nhà nước, những thương vụ mua bán lan đột biến tiền tỷ có bản chất là hành vi kinh doanh không lành mạnh, đe dọa đến tính ổn định, cân bằng và sự phát triển của thị trường.
Trong khi đó, các quy định pháp lý của chúng ta trong việc phòng, chống và xử lý các hiện tượng tiêu cực này còn thiếu và hổng. Do vậy, các cơ quan chức năng cần phải nghiên cứu và xây dựng được các hành lang pháp lý và các cơ chế quản lý đồng bộ và chặt chẽ, để có thể giám sát và xử lý hiệu quả đối với các vụ việc tương tự.
Lan đột biến không có tác dụng gì
Ông Nguyễn Hữu Vạn - Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh Việt Nam chia sẻ: "Hoa lan, đặc biệt giống lan đột biến không thể có giá lên tới vài tỷ đồng. Lan đột biến không có giá trị gì khác khi cả năm chỉ ra hoa một lần để ngắm. Bên cạnh đó, giá trị tài sản phải được nhiều người kiểm nghiệm nhưng thực tế việc mua bán hiện nay theo chủ quan, không ai xác định được".