Hội đồng Đại Tây Dương: USD vẫn thống trị kinh tế thế giới, BRICS 'lực bất tòng tâm' phi đô la hóa

Hữu Hiển |

Sự thống trị của đồng đô la trong nền kinh tế thế giới gần đây được củng cố nhờ nền kinh tế Mỹ phục hồi mạnh mẽ, chính sách tiền tệ thắt chặt hơn và rủi ro địa chính trị gia tăng.

Theo hãng tin Reuters, một nghiên cứu mới của Trung tâm Kinh tế Địa lý thuộc tổ chức tư vấn chính sách Hội đồng Đại Tây Dương có trụ sở tại Washington cho thấy, đồng đô la Mỹ vẫn là đồng tiền dự trữ chính của thế giới, cả đồng euro cũng như các quốc gia BRICS đều không thể làm giảm sự phụ thuộc toàn cầu vào đồng đô la.

Hội đồng Đại Tây Dương: USD vẫn thống trị kinh tế thế giới, BRICS 'lực bất tòng tâm' phi đô la hóa- Ảnh 1.

Vai trò của USD là đồng tiền dự trữ toàn cầu chính của thế giới vẫn được đảm bảo trong thời gian ngắn và trung hạn. Ảnh: AI

Nghiên cứu có tiêu đề "Giám sát sự thống trị của đồng đô la Mỹ" của Trung tâm Kinh tế Địa lý thuộc Hội đồng Đại Tây Dương cho biết, đồng đô la tiếp tục thống trị trong dự trữ ngoại hối, lập hóa đơn thương mại và giao dịch tiền tệ trên toàn cầu, và vai trò của nó là đồng tiền dự trữ toàn cầu chính của thế giới vẫn được đảm bảo trong thời gian ngắn và trung hạn.

Sự thống trị của đồng đô la trong nền kinh tế thế giới gần đây đã được củng cố nhờ nền kinh tế Mỹ phục hồi mạnh mẽ, chính sách tiền tệ thắt chặt hơn và rủi ro địa chính trị gia tăng, ngay cả khi sự phân mảnh kinh tế đã củng cố nỗ lực của các quốc gia BRICS để chuyển sang những loại tiền tệ dự trữ quốc tế khác.

Báo cáo của Hội đồng Đại Tây Dương cho biết, các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga sau khi nước này phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine từ tháng 2/2022 đã thúc đẩy nỗ lực của các nước BRICS nhằm phát triển một liên minh tiền tệ, nhưng khối này vẫn không thể đạt được tiến bộ trong nỗ lực phi đô la hóa.

BRICS là một tổ chức quốc tế bao gồm các nền kinh tế mới nổi lớn như Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi, Iran, Ai Cập, Ethiopia và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE).

Hội đồng Đại Tây Dương cho biết, tính đến tháng 5/2024, Hệ thống thanh toán liên ngân hàng xuyên biên giới (CIPS) của Trung Quốc đã bổ sung thêm 62 đối tác tham gia trực tiếp trong vòng 12 tháng, tăng 78%, nâng tổng số đối tác tham gia trực tiếp lên 142, và đối tác tham gia gián tiếp là 1.394.

Các cuộc đàm phán xung quanh hệ thống thanh toán nội bộ của BRICS vẫn còn ở giai đoạn sơ khai; nhưng theo thời gian, các thỏa thuận song phương và đa phương trong khối có thể tạo cơ sở cho một nền tảng trao đổi tiền tệ. Tuy nhiên, báo cáo của Hội đồng Đại Tây Dương cho biết, những thỏa thuận này không dễ dàng mở rộng vì chúng được đàm phán riêng lẻ.

Báo cáo lưu ý rằng, Trung Quốc đã tích cực hỗ trợ thanh khoản đồng nhân dân tệ thông qua các kênh giao dịch với các đối tác thương mại của mình, nhưng tỷ trọng đồng nhân dân tệ trong dự trữ ngoại hối toàn cầu đã giảm xuống 2,3% từ mức đỉnh 2,8% vào năm 2022.

"Điều này có thể là do mối quan tâm của các nhà quản lý dự trữ về nền kinh tế Trung Quốc, quan điểm của Bắc Kinh trong cuộc chiến Nga - Ukraine và khả năng Trung Quốc Đại lục tấn công đảo Đài Loan góp phần khiến đồng nhân dân tệ trở thành đồng tiền dự trữ có rủi ro về mặt địa chính trị", báo cáo viết.

Báo cáo cũng cho biết, đồng euro - từng được coi là đối thủ cạnh tranh với vai trò quốc tế của đồng đô la Mỹ - cũng đang suy yếu như một loại tiền tệ thay thế, khi những người muốn giảm rủi ro sẽ chuyển sang tích trữ vàng.

Hội đồng Đại Tây Dương cho biết, các biện pháp trừng phạt Nga của phương Tây đã cho các nhà quản lý dự trữ thấy rõ ràng rằng đồng euro có nguy cơ gặp rủi ro địa chính trị tương tự như đồng đô la Mỹ; những lo ngại xung quanh sự ổn định kinh tế vĩ mô, hợp nhất tài chính và việc thiếu liên minh thị trường vốn châu Âu cũng làm tổn hại đến vai trò quốc tế của đồng euro.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại