LHQ đánh giá tình hình tại Yemen đang rất khó khăn do chiến sự tiếp diễn tại một số địa điểm, đồng thời nguy cơ dịch bệnh COVID-19 khó lường sau khi đã phát hiện ca nhiễm COVID đầu tiên tại nước này.
Trong khi đó, hệ thống y tế của Yemen thiếu thốn nghiêm trọng, kinh tế vĩ mô bất ổn do tác động của nhiều yếu tố như chiến sự, thương mại giảm sút, nội tệ mất giá, giá dầu lửa trên thế giới sụt giảm…
Các vấn đề nhân đạo gồm bảo vệ thường dân, tiếp cận triển khai hoạt động nhân đạo, tiếp cận tài chính khó khăn do đóng góp của các nhà tài trợ giảm (đến nay mới nhận được 800 triệu USD so với cùng kì năm ngoái là 2,6 tỷ USD).
Trong bối cảnh đó, LHQ thời gian qua đã và đang nỗ lực trong vai trò trung gian, giảm căng thẳng và đưa ra đề xuất kế hoạch nhằm đạt được một lệnh ngừng bắn trên toàn quốc, sớm nối lại tiến trình chính trị cũng như tháo gỡ các vấn đề khó khăn khác.
Các tầng lớp nhân dân Yemen ủng hộ mạnh mẽ việc chấm dứt chiến sự và tìm kiếm giải pháp hòa bình cho tình hình hiện nay.
Các thành viên HĐBA LHQ chia sẻ với những đánh giá của các báo cáo viên; kêu gọi các bên tiếp tục nỗ lực thực hiện lệnh ngừng bắn, nhất là lực lượng Houthi cùng tham gia; nhấn mạnh việc thực hiện đầy đủ các Hiệp định Stockhom và Riyadh; bày tỏ lo ngại về tình hình nhân đạo, kinh tế suy giảm tại Yemen.
Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ Đặng Đình Quý đã phát biểu tiếp tục bày tỏ quan ngại về các vụ việc căng thẳng gần đây và tình hình nhân đạo tại Yemen; ủng hộ kêu gọi của TTK LHQ về việc thực hiện ngừng bắn tại các khu vực xung đột trong bối cảnh thế giới cần tập trung ngăn chặn dịch bệnh COVID-19; đề nghị các bên tại Yemen ngừng bắn; nhấn mạnh nghĩa vụ bảo vệ thường dân, nhất là phụ nữ và trẻ em; kêu gọi các bên thực hiện nghiêm túc Thỏa thuận Stockholm và Thỏa thuận Ryadh, tiếp tục đối thoại và tiến tới một giải pháp chính trị toàn diện với vai trò trung gian của LHQ.
Trước đó, sáng ngày 15/4, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã tiến hành họp trực tuyến về vấn đề vũ khí hoá học tại Syria. Đây là cuộc họp định kỳ hàng tháng về vấn đề này, trên cơ sở Nghị quyết 2118 (năm 2013) của HĐBA.
Tại cuộc họp, Phó Tổng Thư ký kiêm Đại diện Cao cấp của LHQ về Giải trừ quân bị, bà Izumi Nakamitsu, đã cung cấp thông tin về báo cáo định kỳ giai đoạn từ ngày 24/2 đến ngày 23/3/2020 của Tổng Giám đốc Tổ chức Cấm Vũ khí hoá học (OPCW) liên quan tới hoạt động và hợp tác giữa OPCW và Syria. OPCW hiện phải tạm hoãn tất cả hoạt động thực địa của mình do tác động của đại dịch COVID-19.
Phát biểu tại cuộc họp, Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc, tái khẳng định quan điểm của Việt Nam trong việc lên án mọi hành vi sử dụng vũ khí hoá học, khẳng định tầm quan trọng của việc thực thi đầy đủ Công ước Cấm vũ khí hoá học và sự ủng hộ đối với hoạt động của OPCW phù hợp với Công ước.