Hội đàm Đức- Mỹ: “Kế hoạch thuyết khách phá sản”

Hồng Nhung |

Cuộc hội đàm giữa Thủ tướng Đức Angela Merkel với Tổng thống Mỹ Donald Trump đã không mang lại kết quả như mong muốn.

Thủ tướng Đức Angela Merkel đang ở thăm Mỹ 27/4 đã có cuộc hội đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Nhà Trắng. Thương mại Liên minh châu Âu – Mỹ và thỏa thuận hạt nhân Iran là 2 chủ đề chi phối cuộc hội đàm Mỹ - Đức.

Tuy nhiên, cuộc hội đàm dường như không mang lại kết quả như mong muốn khi Thủ tướng Đức đã không thể có được đảm bảo về việc Mỹ tiếp tục duy trì thỏa thuận hạt nhân với Iran hay loại trừ vĩnh viễn châu Âu khỏi danh sách các nước sẽ bị áp thuế thương mại mới.

Sự thất vọng thể hiện rõ trong cuộc họp báo chung sau hội đàm tại Nhà Trắng khi Thủ tướng Merkel khẳng định mọi quyết định tùy thuộc vào Tổng thống Donald Trump. Theo kế hoạch, vào ngày 1/5 tới, trừ phi Tổng thống Donald Trump can thiệp, nếu không mức thuế mới của Mỹ đánh vào mặt hàng nhôm thép xuất khẩu của châu Âu sẽ chính thức có hiệu lực. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc sẽ dẫn đến một loạt biện pháp trả đũa từ Liên minh châu Âu (EU) và có thể làm bùng phát một cuộc chiến thương mại xuyên Đại Tây Dương giữa Mỹ và châu Âu.

Tháng 3 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã quyết định áp thuế lần lượt 10% và 25% đối với các mặt hàng nhôm và thép nhập khẩu, tuy nhiên tạm miễn áp dụng các mức thuế này với Liên minh châu Âu và 6 nước khác. Thời hạn miễn trừ đối với EU sẽ kết thúc vào ngày 1/5 tới.

Về thỏa thuận hạt nhân Iran, Thủ tướng Đức cho rằng, dù không hoàn hảo, song thỏa thuận này đáng để duy trì. Giống như Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hồi đầu tuần, Thủ tướng Merkel cho biết, bà sẽ cố tìm cách thuyết phục Tổng thống Mỹ rằng thỏa thuận này là hòn đá nền tảng cho một thỏa thuận lâu dài và rộng lớn hơn liên quan đến Iran.

“Tôi tin là thỏa thuận này dù không hoàn hảo song nên được duy trì. Dù không giải quyết được tất cả các vấn đề với Iran song nó là một viên gạch mà nếu thích bạn có thể từ đó xây dựng thành một hình khối. Anh, Đức và Pháp đang nỗ lực làm việc với phía Mỹ và chúng tôi sẽ tiếp tục đàm phán về vấn đề này”, bà Merkel nói.

Về phần mình, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã không thể hiện thái độ rằng ông có sẵn sàng thỏa hiệp hay có kế hoạch thay thế hay không liên quan đến thỏa thuận hạt nhân Iran. Tuy nhiên theo ông Donald Trump, Iran không thể có vũ khí hạt nhân. Ông cũng bác bỏ những bình luận nói rằng, ông đang cân nhắc sử dụng vũ lực đối phó với Iran.

Ông Trump nhấn mạnh: “Tôi không nói là liệu tôi có sử dụng vũ lực quân sự hay không. Giờ không phải là lúc để nói về vấn đề này. Tuy nhiên, tôi có thể nói rằng, Iran sẽ không thể có phát triển vũ khí hạt nhân vào lúc này. Bạn có thể tin vào điều đó”.

Theo đánh giá của giới chuyên gia, dù không nói thẳng ra song những gì bà Merkel và ông Donald Trump thể hiện trong cuộc họp báo cho thấy, bà Merkel đã không thể thành công trong vai trò “thuyết khách” nhằm thuyết phục Tổng thống Mỹ thay đổi quyết định về thỏa thuận hạt nhân Iran.

Theo thỏa thuận ký ngày 14/7/2015 giữa Iran và nhóm P5+1, Iran hạn chế các hoạt động làm giàu urani để đổi lấy việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt của quốc tế liên quan chương trình hạt nhân của nước này. Tuy nhiên, Tổng thống Donald Trump luôn cho rằng đây là một văn kiện “ tồi tệ nhất” trong lịch sử mà Mỹ đã tham gia ký kết. Ông Donald Trump đe dọa rút khỏi thỏa thuận hạt nhân lịch sử này và áp đặt trở lại các lệnh trừng phạt.

Lo ngại về ý định của Mỹ, từ nhiều tháng nay, các nước Pháp, Anh và Đức đã đàm phán với Mỹ về vấn đề hạt nhân Iran với mục tiêu duy trì thỏa thuận hạt nhân nhưng bổ sung các điều khoản để chấm dứt những điều khoản vốn cho phép Iran tái khởi động một số thành phần của chương trình hạt nhân sau năm 2025. Tổng thống Donald Trump đặt thời hạn chót để các nước châu Âu soạn hiệp định bổ sung cho thỏa thuận hạt nhân Iran là ngày 12/5 tới, sau đó Mỹ sẽ chính thức đưa ra quyết định “đi hay ở”.

Mối quan hệ giữa Mỹ và Đức, vốn tương đối tốt đẹp dưới thời Tổng thống Mỹ tiền nhiệm Barack Obama, đã trở nên xấu đi khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức. Giữa hai bên nảy sinh nhiều bất đồng liên quan tới chi tiêu quốc phòng của NATO, vấn đề thương mại và thỏa thuận hạt nhân Iran. Đây là chuyến thăm Mỹ lần thứ hai của bà Merkel sau khi Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền. Lần gần nhất, Thủ tướng Merkel tới Nhà Trắng là cách đây một năm./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại