Nhắc đến Mỹ, người ta sẽ nhớ ngay đến một quốc gia có nền giáo dục phát triển bậc nhất với vô vàn những suất học bổng/ gói hỗ trợ tài chính để thu hút nhân tài. Vì đây là điểm đến "trong mơ" của biết bao thế hệ học sinh nên việc cạnh tranh để giành suất học bổng du học Mỹ với hàng loạt tiêu chuẩn đánh giá khắt khe là không thể tránh khỏi.
Tuy nhiên, đối với là hội "con nhà người ta" thì việc chinh phục học bổng du học Mỹ không phải là chuyện quá khó khăn, bởi họ đều sở hữu cho mình những bí quyết có "1-0-2". Muốn biết bí quyết "xịn xò" thế nào thì hãy khám phá ngay nhé!
Chuẩn bị hồ sơ càng kỹ lưỡng, khả năng trúng tuyển càng cao
Khác với ở Việt Nam, tại Mỹ các trường không tuyển sinh bằng điểm số hay bởi một kỳ thi đầu vào, mà dựa trên cả quá trình rèn luyện của học sinh. Tất cả những điều này đều được thể hiện qua một bộ hồ sơ du học Mỹ bao gồm: chứng chỉ ngoại ngữ, bảng điểm, bài luận nói về bản thân và mục đích học tập và các giấy tờ liên quan khác.
Trong đó, chứng chỉ SAT và IELTS được coi là tối quan trọng. Ngoài ra, các trường Đại học Mỹ cũng thường đánh giá cao những ứng viên thành tích tham gia hoạt động ngoại khóa tốt. Vì vậy, đa phần học sinh sẽ có sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ sớm nhằm mục đích "đánh bóng" bộ hồ sơ du học của mình.
Vũ Minh Châu (học bổng 5,7 tỷ Đại học Kenyon College): Muốn có điểm số IELTS và SAT "khủng" phải chuẩn bị thật kỹ!
Đối với chứng chỉ SAT, ngay từ khi mới bước vào lớp 10, Minh Châu đã tới một vài trung tâm ôn luyện để cải thiện kỹ năng làm bài, có thêm nhiều phương pháp học tập. Mẹo làm bài thi SAT của Minh Châu là đọc văn bản nhiều lần, sau đó đọc kỹ từng đoạn văn và đi tìm từ khoá. Còn về phần Toán cần có tư duy logic về dạng đề để không gặp áp lực về thời gian. Nhờ vậy, nữ sinh luôn tự tin trong quá trình làm bài.
Còn về chứng chỉ IELTS, nữ sinh Hà Nội khuyên mọi người khi đọc văn bản, cần khai thác nội dung bằng cách tìm những từ khoá. Cách này giúp chúng ta hiểu kỹ vấn đề và không mất nhiều thời gian đọc lại. Còn về kỹ năng Nói và Nghe, không có cách tiến bộ nào khác ngoài việc nghe nhiều và nói nhiều. Khi đã luyện tập đủ nhiều nó sẽ trở thành phản xạ. Một số nền tảng mà Minh Châu dùng để luyện tập như: YouTube, báo nói, mạng xã hội quốc tế…
Minh Châu đã có kế hoạch du học từ sớm
Đoàn Quỳnh Linh (nữ sinh chinh phục 6 suất học bổng Mỹ): Thành tích học tập có thể không "khủng", nhưng hoạt động ngoại khóa phải "cực kỳ chất"
Để đạt được học bổng du học Mỹ, bên cạnh thành tích học tập và điểm số IELTS, SAT cao thì một điều không thể thiếu chính là hoạt động ngoại khóa. Thấu hiểu được điều đó, cô bạn Đoàn Quỳnh Linh đã tích cực tham gia rất nhiều hoạt động, chương trình, sự kiện ngay từ khi còn là học sinh cấp 3. Điều đó khiến nữ sinh "giành" được học bổng của 6 trường đại học Mỹ dù thành tích học tập không hề "siêu nhân" như mọi người thường nghĩ.
Cụ thể, xác định ước mơ du học từ năm lớp 10 nên Quỳnh Linh rất tập trung tham gia các hoạt động như: làm đại biểu tham gia các hội nghị mô phỏng Liên Hợp Quốc, làm giám đốc truyền thông đêm hội thường niên của trường... Chính những hoạt động ngoại khóa trải dài đã khiến ban tuyển sinh tin rằng cô bạn sẽ trở thành một người có ích cho xã hội. Đây cũng là điểm nổi bật trong văn hóa tuyển sinh Đại học Mỹ khi tìm những bạn trẻ có thể tạo ra sức ảnh hưởng trong cộng đồng thay vì chỉ biết chăm chăm vào sách vở.
Đoàn Quỳnh Linh tham gia rất nhiều hoạt động ngoại khóa
Bài luận xuất sắc chính là chìa khóa chinh phục học bổng
Ngoài thành tích học tập và hoạt động ngoại khóa, bài luận cũng đóng một vai trò vô cùng quan trọng để quyết định xem liệu rằng bạn có nhận được học bổng hay không. Được biết, trong phần này, mọi ứng cử viên sẽ cần viết 1 bài luận chính dài 650 từ gửi đến tất cả các trường bạn nộp đơn vào. Mục đích của bài viết là để cho ban tuyển sinh thấy bạn là con người như thế nào, cá tính, hoài bão, cuộc sống của ra sao.
Bên cạnh bài luận chính, các trường sẽ thường yêu cầu một số bài luận phụ (Supplemental Essay). Đó có thể là những câu hỏi ngắn (100-150 từ) hoặc những bài luận dài (1-2 trang A4). Và dưới đây là những bí quyết viết bài luận hay:
Ánh Dương (nữ sinh Sơn La được mệnh danh là "cây" săn học bổng): Phải biết "thả hồn" vào từng câu chữ trong bài luận Mỹ!
Chia sẻ về cách chọn chủ đề hay cho bài luận, Ánh Dương cho rằng ứng cử viên cần phải đi sâu vào những ngóc ngách nhỏ nhất trong tâm hồn. Cô bạn thường liệt kê ra những điều mà mình muốn người khác nhìn vào nhất. Đặc biệt, chủ đề được chọn cần làm nổi bật được nét tính cách cá nhân của bản thân nhưng đồng thời phải khiến người đọc đồng cảm.
Ngoài ra, theo Ánh Dương, bài viết phải tinh tế để không mắc phải sự kể lể và cố tỏ ra khác biệt một cách gượng ép. Đặc biệt, các ứng viên phải rất sáng tạo trong cách viết. Từng câu từng chữ phải được thổi hồn bằng nhiều lớp lang, luôn có phép ẩn dụ, nhân hóa nhiều tầng để "ý tại ngôn ngoại", đưa vào câu chuyện nhiều lớp nghĩa.
Ánh Dương cho rằng phải biết "thả hồn" vào từng câu từng chữ trong bài luận Mỹ
Vân Khanh (học bổng gần 1 tỷ đồng của trường Đại học Nam Florida): Hãy lựa chọn chủ đề mà bản thân hiểu rõ!
Ở bài luận gửi tới các trường Đại học Mỹ, Vân Khanh đã đề cập đến lĩnh vực mà mình yêu thích và tự tin nhất chính là lịch sử dân tộc. Nhờ đó mà bài luận của cô nàng đã gây ấn tượng mạnh với phía tuyển sinh. Được biệt, thông qua bài luận, nữ sinh muốn xoá bỏ định kiến của nhiều người nước ngoài khi nhắc đến chiến tranh Việt Nam là chỉ có đau thương và mất mát.
"Mình muốn người nước ngoài nhìn thấy một góc nhìn khác về chiến tranh Việt Nam. Đó là kể cả trong thời chiến, con người Việt Nam vẫn có một vẻ đẹp tiềm tàng. Đồng thời những nét đẹp trong văn hoá dân tộc vẫn được người dân Việt cố gắng giữ gìn và bảo tồn ngay trong thời kỳ gian khó nhất. Thông qua đó, mình cũng muốn khắc hoạ cho phía tuyển sinh thấy sự nỗ lực của bản thân để học cách đánh giá sự vật, hiện tượng toàn diện và trên nhiều phương diện".
Theo Vân lựa chọn chủ đề viết luận mà bản thân hiểu rõ nhất
Lò Thảo Vi (học bổng Global UGRAD): Muốn khác biệt phải tìm chủ đề thật đặc biệt
Đối với cô bạn Lò Thảo Vy, một yếu tố khiến bài luận trở nên đặc sắc và "không đụng hàng" là viết về những điều khác biệt ở bản thân. Theo đó, muốn khác biệt thì phải khai thác những thứ đặc biệt mà không một ai có thể trùng lặp được. Có lẽ vì thế, cô bạn đã chọn viết về những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Thái - một cộng đồng đa sắc màu mà Thảo Vi thuộc về.
“Ngay từ nhỏ, mình đã rất ấn tượng với những mảng màu sắc sặc sỡ trên bộ váy Cóm mẹ thường hay mặc, hay trên chiếc khăn Piêu đặc trưng của đồng bào dân tộc Thái. Đó là nguồn cảm hứng bất tận để mình đặt bút viết lên chủ đề này. Những mảng màu truyền thống đó đã nuôi dưỡng trí tưởng tượng và định hình lên mình ở thời điểm hiện tại” , cô bạn 10x bày tỏ.
Phỏng vấn ra sao để đỗ học bổng du học Mỹ?
Sau khi chuẩn bị xong phần hồ sơ và được bộ phận tuyển sinh xét duyệt, các ứng cử viên sẽ bước vào vòng phỏng vấn. Có thể nói, đây được là vòng "khó nhằn", đòi hỏi ứng cử viên phải thực sự bản lĩnh để thể hiện cái tôi cá nhân. Tuy nhiên, "khó nhằn" đến mấy cũng không phải là vấn đề nếu áp dụng bí quyết phỏng vấn dưới đây:
Thục Quyên (học bổng trường Augustana College): Chuẩn bị thật kỹ lưỡng và gây ấn tượng ngay từ bằng sự tự tin
Về vòng phỏng vấn, Thục Quyên luôn cố gắng tạo sự ấn tượng ngay từ đầu vì đây là phần được ban tuyển sinh chú ý nhất. Sau đó, nữ sinh trình bày sự hiểu biết của mình về ngôi trường đó qua một số câu hỏi được đặt ra: "Bạn thích gì ở chúng tôi?", "Bạn nghĩ bạn sẽ đóng góp ra sao nếu được nhận vào trường?"...
Được biết, ban tuyển sinh sẽ đánh giá cao những ứng viên nắm thông tin chi tiết. Ngoài ra, Thục Quyên còn chuẩn bị sẵn những câu hỏi thông minh để hỏi ngược lại ban tuyển sinh và nở nụ cười tự tin trong suốt cuộc phỏng vấn. Cô bạn muốn thể hiện sự tự tin, thoải mái và lan tỏa năng lượng tích cực tới mọi người.
Lò Thảo Vi (học bổng Global UGRAD): Luyện tập trước các tình huống có thể xảy ra để rèn phản xạ
Đồng quan điểm với Thục Quyên, trước lúc phỏng vấn Thảo Vi luôn chuẩn bị vô cùng kỹ lưỡng; tìm kiếm những câu hỏi hóc búa của các trường đại học nổi tiếng trên thế giới để tham khảo. Không chỉ thế, nữ sinh còn bắt người bạn thân đóng vai làm ban giám khảo để hỏi những câu hỏi, rồi sau đó Vi sẽ trả lời lại để luyện tập phản xạ.
Thảo Vi luôn chuẩn bị kỹ lưỡng trước buổi phỏng vấn
Tổng hợp