Hồi chuông cảnh tỉnh từ UAV

ANH VŨ |

Trong chiến tranh, đôi khi những vũ khí nhỏ gọn, giá rẻ lại có khả năng khiến những hệ thống phòng thủ tỷ đô phải im hơi bặt tiếng. Điều này một lần nữa được giới phân tích quân sự chứng minh sau khi mổ xẻ vụ tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) và tên lửa hành trình nhằm vào hai nhà máy lọc dầu của Saudi Arabia vào giữa tháng 9 vừa qua.

"Kẻ giấu mặt" những lưới phòng không “dát vàng”?

Theo thông báo của Bộ Quốc phòng Saudi Arabia, tổng cộng 18 chiếc UAV và 7 tên lửa hành trình đã được sử dụng trong vụ tấn công vừa qua nhằm vào hai cơ sở lọc dầu của Tập đoàn dầu khí Aramco ở thành phố Abqaia và Khuraos của nước này.

Vụ tấn công không chỉ gây gián đoạn sản xuất, khiến sản lượng dầu của Aramco giảm 50% (tương đương 5,7 triệu thùng dầu/ngày) và ảnh hưởng lớn đến nguồn cung dầu thô toàn cầu, mà còn đẩy tình hình Trung Đông tới một nấc thang căng thẳng mới.

Ai cũng biết, Saudi Arabia là quốc gia có ngân sách quốc phòng lớn thứ ba thế giới, với khoảng 67,6 tỷ USD trong năm 2018, chỉ xếp sau Mỹ và Trung Quốc. Mạnh chi cho quốc phòng như vậy nên lưới phòng không của Saudi Arabia dĩ nhiên được liệt vào hàng “đình đám” nhất khu vực Trung Đông với nhiều hệ thống phòng không hiện đại và đắt đỏ.

Nổi bật trong số đó là các radar cảnh giới tầm xa AN/FPS-117, radar cảnh giới chiến thuật AN/TPS-43, tên lửa tầm ngắn HAWK cải tiến… và đặc biệt là 88 tổ hợp phòng không tầm xa Patriot, vốn được coi là quân bài chủ lực trong việc bảo vệ các thành phố lớn và cơ sở hạ tầng chủ chốt.

Song cũng vì thế mà sau khi các vụ tấn công nhà máy lọc dầu xảy ra, dư luận đặt câu hỏi: Vì sao hệ thống phòng không “dát vàng” của Saudi Arabia lại bất lực, thậm chí là không hề có bất cứ phản ứng nào trước đòn tập kích chớp nhoáng của những chiếc UAV nhỏ bé và rẻ tiền?

Reuters dẫn lời một số chuyên gia cho rằng, hiện nay, UAV và tên lửa hành trình vẫn là đối thủ “khó nhằn” của mọi hệ thống phòng không, trước hết là bởi UAV thường bay dưới tầm quan sát của radar và rất khó bị phát hiện.

Theo Giáo sư Dave DesRoches của Trường Đại học Quốc phòng ở Washington, lực lượng phòng không sẽ gặp rất nhiều khó khăn nếu phải đối mặt với những mục tiêu “nằm ngoài thiết kế của vũ khí”, trong đó UAV là một ví dụ điển hình.

Vị giáo sư này nhận định: "Các tổ hợp phòng không truyền thống thường được thiết kế để tiêu diệt máy bay tầm cao. Trong khi đó, tên lửa hành trình và UAV hoạt động sát mặt đất, dễ dàng ẩn mình khỏi lưới cảnh giới và do vậy, việc đánh chặn chúng rất khó khăn”.

Cùng quan điểm như trên, Jack Watling, chuyên gia tác chiến tại Viện Quân sự Hoàng gia Anh nói với hãng tin CNBC rằng, các tổ hợp phòng không Patriot mà Saudi Arabia đang sở hữu được thiết kế để bắn hạ tên lửa đạn đạo tầm cao chứ không chuyên dùng để đối phó với những UAV và tên lửa hành trình bay thấp, dưới tầm phát hiện.

Vì thế, khó có thể kỳ vọng Patriot diệt được các vũ khí này, dù khả năng bắn hạ máy bay của hệ thống này rất tốt.

"Các nhà máy dầu của Saudi Arabia giống như một cây thông Noel sáng rực giữa sa mạc vào ban đêm. Đối phương chỉ cần dùng vũ khí giá rẻ thay vì những khí tài công nghệ cao với chi phí đắt đỏ", Michael Rubin, chuyên gia nghiên cứu Trung Đông thuộc Viện Doanh nghiệp Mỹ giải thích thêm.

Cái nhìn mới về UAV

Một số chuyên gia cho rằng vụ tấn công vào các cơ sở lọc dầu quan trọng của Saudi Arabia giống như một hồi chuông báo động, buộc các quốc gia hàng đầu về công nghiệp quốc phòng và khách hàng của họ phải có những đánh giá kỹ lưỡng hơn về UAV cũng như cách đối phó, phản ứng trước các cuộc tấn công bằng thứ vũ khí “nhỏ mà đầy võ” này.

Tờ Business Insider trích một báo cáo gần đây của Trung tâm nghiên cứu drone thuộc Đại học Bard ở New York cho biết, trong vòng 10 năm qua, số quốc gia sở hữu các UAV quân sự đã tăng vọt. Cụ thể, có gần 100 quốc gia đang sử dụng UAV. Dan Gettinger, tác giả báo cáo cho biết thêm, hiện đã xác định được 171 loại UAV đang hoạt động trên khắp thế giới.

Cũng có ý kiến cho rằng, người ta đã nhận thức rõ về những mối đe dọa từ UAV, nhưng làm sao để tìm ra giải pháp ứng phó và phòng thủ trước loại vũ khí này lại là chuyện khác.

Theo tuyên bố của Phòng thí nghiệm Nghiên cứu Không quân Mỹ (AFRL), nước này đang phát triển loại vũ khí mới có tên gọi THOR, có thể hạ gục máy bay không người lái cũng như các cuộc tấn công tập thể. Và nhu cầu đối với các loại vũ khí như THOR càng lớn hơn sau các vụ tấn công nhằm vào các cơ sở lọc dầu của Saudi Arabia.

Tờ Times of Israel thì đưa tin, một số công ty công nghệ của Israel cũng đang nghiên cứu và phát triển các hệ thống có khả năng kiểm soát máy bay không người lái của đối phương và thu thập thông tin từ các máy bay này.

Ông Gettinger nhận định UAV sẽ là thứ vũ khí phổ biến trên chiến trường trong tương lai, đặc biệt là ở những khu vực căng thẳng về địa chính trị và tiềm ẩn nguy cơ xung đột. Đó cũng là lý do khiến người ta tin rằng công nghệ sản xuất và thị trường UAV sẽ tiếp tục chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại