Hội chứng rối loạn tiền kinh nguyệt - căn bệnh khiến cô gái trẻ sống giữa thiên đường - địa ngục và muốn tự tử

Huyền Nguyễn |

"Có một giọng nói vang lên trong đầu, bảo rằng tôi trông thật điên rồ và hãy dừng lại đi. Nhưng tôi không thể. Tôi không thể kiểm soát những việc mình thực sự làm".

Câu chuyện của Yates

Emily – Jane Yates chia sẻ: "Cơn thịnh nộ luôn là triệu chứng tồi tệ nhất của tôi. Tôi mắc phải nó từ lâu lắm rồi. Nó bùng nổ dữ dội.

Chỉ 1 phút trước tôi vẫn ổn, nhưng 1 phút sau, tôi đã la hét, quát tháo tất cả mọi người. Tôi trở nên kích động và bạo lực, tay tôi nắm lại thành nắm đấm. Tôi chưa bao giờ vượt quá giới hạn, đến mức làm thương bất cứ ai.

Nhưng tôi phải kiểm soát bản thân và điều đó khiến tôi vô cùng khó chịu. Tôi phải lái cơn cuồng nộ hướng về bản thân bằng cách làm đau chính mình, kéo đứt tóc, thậm chí, ngay cả khi tôi đang đi trên phố".

Yates, 25 tuổi, đã trải nghiệm những cuộc vật lộn với cơn giận dữ kể từ năm 13 tuổi, khi cô bắt đầu có kinh nguyệt. Nó khởi phát vào ngày cô rụng trứng - khoảng 2 tuần trước khi ngày "đèn đỏ" đến và kéo dài cho tới tận kỳ kinh.

Hội chứng rối loạn tiền kinh nguyệt - căn bệnh khiến cô gái trẻ sống giữa thiên đường - địa ngục và muốn tự tử - Ảnh 1.

Yates, 25 tuổi, đã trải nghiệm những cuộc vật lộn với cơn giận dữ kể từ năm 13 tuổi, khi cô bắt đầu có kinh nguyệt.

"Ngày rụng trứng, bạn có thể hoàn toàn đoán chắc rằng tâm trạng tôi cực kỳ xấu. Tôi cảm nhận cơn giận dữ nhói lên trong ngực và nó không biến mất trong 2 tuần kế tiếp. Ngay sau khi máu kinh chảy ra, mọi thứ trở lại bình thường. Cơn giận tan biến và tôi ổn trong suốt 2 tuần", cô cho biết.

Hội chứng rối loạn hoảng loạn tiền kinh nguyệt

Theo y khoa, Yates mắc hội chứng rối loạn hoảng loạn tiền kinh nguyệt (PMDD) - một dạng nghiêm trọng của hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS).

Triệu chứng bao gồm trầm cảm, giận dữ tột độ, lo lắng, hoảng loạn, suy giảm hứng thú trong những hoạt động hay mối quan hệ thường ngày, tự ti và có ý định tự vẫn.

Tiếp nối là những triệu chứng về mặt thể chất như đầy hơi, căng ngực, mệt mỏi cực độ, đau khớp và đau đầu/đau nửa đầu.

Nhiều phụ nữ trải nghiệm hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS) ở các mức độ khác nhau. Ví dụ, bạn có thể rơi nước mắt khi xem một bộ phim mà thông thường bạn sẽ không dễ xúc động đến vậy hoặc trở nên "đanh đá" hơn đối với một nửa của bạn.

Nó cũng có thể biểu hiện ở mức độ ảnh hưởng sâu sắc tới cuộc sống như hội chứng rối loạn hoảng loạn tiền kinh nguyệt (PMMD) kể trên.

Bác sĩ Nick Panay, chuyên gia phụ khoa, hiện đang giữ chức Chủ tịch Hiệp hội Quốc gia Mỹ về các hội chứng tiền kinh nguyệt (NAPS), cho biết, PMDD là dạng nghiêm trọng của PMS, đã được phân loại trong Sổ tay Thống kê và Chẩn đoán các Rối loạn Tâm thần của Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ.

Hội chứng rối loạn tiền kinh nguyệt - căn bệnh khiến cô gái trẻ sống giữa thiên đường - địa ngục và muốn tự tử - Ảnh 2.

Nhiều phụ nữ trải nghiệm hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS) ở các mức độ khác nhau.

Hồi đầu năm nay, một nghiên cứu mang tính đột phá được Viện Sức khỏe Quốc gia Mỹ tiến hành, đã tìm ra bằng chứng cho thấy, rất có thể PMMD là do di truyền gây nên.

"Nghiên cứu mới đây về gen PMDD xác nhận giả thuyết mà chúng ta đã theo đuổi trong nhiều năm là hội chứng tiền kinh nguyệt và hội chứng rối loạn tiền kinh nguyệt xảy ra không phải do bản thân các hormone bất thường mà do một số phụ nữ bị trầm cảm (hoặc những triệu chứng khác).

Mà chứng trầm cảm này lại là hậu quả của tính chất dễ bị tổn thương của gen trước những thay đổi trong hàm lượng hormone - vốn là hiện tượng phổ biến với mọi phụ nữ", bác sĩ Panay giải thích.

"Giờ thì đã có bằng chứng xác thực để khẳng định, hội chứng tiền kinh nguyệt/rối loạn hoảng loạn tiền kinh nguyệt là một căn bệnh có thật với cơ sở hữu cơ. Từ đó, hi vọng có thể thuyết phục được những người vẫn còn xem thường các hội chứng này", nghiên cứu cho biết.

Người ngoài nhìn vào, điều này nghe có vẻ thật phi lý. Làm thế nào mà một chu trình tự nhiên, tới nửa dân số thế giới phải chịu đựng ở thời điểm nào đó trong đời, lại có thể gây ra nhiều đau đớn về mặt thể chất và tâm lý đến vậy?

Cuộc đời đớn đau với 2 tuần xen kẽ giữa thiên đường - địa ngục

Với Yates, nó đã gây trở ngại cho cuộc đời cô suốt 12 năm, thậm chí khiến cô mất đi "công việc mơ ước", chỉ có thể làm bán thời gian vì những cơn đau nửa đầu cấp tính cũng như tình trạng mệt mỏi quá độ, kéo theo hậu quả là việc lái xe đi làm trở nên đặc biệt nguy hiểm.

Có một lần, khi hội chứng rối loạn hoảng loạn tiền kinh nguyệt lại tấn công cô, Yates thực sự cảm thấy mình đã ngủ gục trên vô-lăng khi dừng xe ở vài đoạn đèn đỏ.

Cùng với các cơn thịnh nộ, Yates còn trải nghiệm chứng hoang tưởng bộ phận (paranoia). "Chưa bao giờ liên quan đến một điều gì cụ thể, tôi chỉ cảm thấy có người đang chuẩn bị tấn công mình. Tôi sợ hãi rất nhiều người trên phố", cô bộc lộ.

Hội chứng rối loạn tiền kinh nguyệt - căn bệnh khiến cô gái trẻ sống giữa thiên đường - địa ngục và muốn tự tử - Ảnh 3.

Theo y khoa, Yates mắc hội chứng rối loạn hoảng loạn tiền kinh nguyệt (PMDD) - một dạng nghiêm trọng của hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS).

Yates đã hai lần định tự vẫn, bởi ý nghĩ tự vẫn cứ len lỏi trong tâm trí cô suốt 2 tuần khủng khiếp. "1 tuần trước khi đến tháng, có vẻ như sống chẳng còn ý nghĩa gì nữa và tôi biết mình sẽ chấm dứt cuộc sống của tôi.

Nhưng chỉ tuần sau, việc tương tự lại diễn ra. Tôi mới chỉ chủ động tìm cách tự vẫn 1-2 lần. Lúc đó, tôi còn lên cả kế hoạch. Nhưng mọi chuyện không đơn giản chỉ là đi quanh rồi tự nhủ: "Mình muốn chết". Tôi đã cho rằng, chỉ có cái chết mới giúp giải quyết mọi vấn đề của tôi".

Tuy nhiên, khoảng thời gian giữa ngày đầu tiên của kỳ kinh nguyệt và thời điểm rụng trứng, Yates "là một con người khác hẳn".

"Tôi thuộc tuýp khá hướng ngoại và thích trò chuyện, yêu và thể hiện cảm xúc nhiều hơn với bạn trai tôi, chẳng ngại ngần việc dắt cún cưng đi dạo. Cả cơ thể tôi đổi khác và tôi thấy nhẹ nhàng hơn. Tôi cảm thấy khôn ngoan hơn và bắt đầu chăm sóc bản thân.

Tôi ăn, uống, chăm sóc mình chu đáo hơn và đối xử với mọi người tốt hơn. Mọi thứ đều vô cùng tích cực.

Tôi hiếm khi có tâm trạng xấu trong vòng 2 tuần ấy. Thế giới có thể ném bất cứ thứ gì vào tôi và tôi sẽ luôn đối mặt. Tôi là nữ siêu nhân trong 2 tuần. Rồi ngày rụng trứng đến và cả cơ thể tôi trở nên nặng nề".

Một căn bệnh bị xem nhẹ

Câu chuyện về hội chứng rối loạn hoảng loạn tiền kinh nguyệt của Yates có điểm chung với những phụ nữ cũng bị hội chứng này (con số ước tính là 2-7% phụ nữ Mỹ bị PMDD). Ở tuổi thiếu niên, mẹ Yates đã đưa cô tới gặp bác sĩ bởi tâm lý có vấn đề.

Bác sĩ gợi ý cô dùng tinh dầu hoa anh thảo để xoa dịu hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS) nhưng nó chỉ "giúp ích được chút xíu".

Sau đó, năm 17 tuổi, Yates trở lại gặp bác sĩ và được chẩn đoán mắc trầm cảm. Cô được kê thuốc chống trầm cảm - loại thuốc có tác dụng làm dịu triệu chứng.

Nhưng thực tế nó là một căn bệnh thể chất với sự xuất hiện mang tính chu kỳ của các triệu chứng lại không được các chuyên gia y tế xem xét cẩn trọng.

Chính bạn trai của Yates là người đầu tiên phát hiện ra mối liên hệ giữa cách thức cơ thể và tâm trí cô thay đổi theo chu kỳ kinh nguyệt, sau khi sống cùng cô. "Sau một cơn suy nhược, tôi nói với anh ấy: ‘Em không biết tại sao chuyện này cứ tiếp diễn’. Và anh ấy chỉ đáp: ‘Chà, em yêu, có vẻ nó xảy ra đều đặn mỗi tháng’", Yates kể.

Cùng với bạn trai, cô bắt đầu ghi nhật ký triệu chứng và tìm hiểu về PMDD. Được trang bị bằng những kiến thức khoa học mới, Yates tới gặp bác sĩ - người chưa từng nghe về hội chứng rối loạn hoảng loạn tiền kinh nguyệt, nhưng may mắn thay, lại rất sẵn lòng lắng nghe cô.

Yates được kê thuốc chống trầm cảm để giảm nhẹ triệu chứng tâm lý và bắt đầu lộ trình áp dụng liệu pháp hành vi nhận thức – có tác dụng kiểm soát các ý nghĩ tự vẫn, cơn thịnh nộ, cảm giác lo lắng và trầm cảm.

Việc cả chuyên gia trị liệu lẫn bác sĩ chưa hề nghe nhắc đến PMDD cho thấy, người ta còn biết quá ít về rối loạn này.

Tuy nhiên, như câu chuyện của Yates, không xem thường và coi đó là "vấn đề của phụ nữ", đồng thời biết cách lắng nghe bệnh nhân sẽ là chìa khóa để trợ giúp người mắc bệnh.

Hội chứng rối loạn tiền kinh nguyệt - căn bệnh khiến cô gái trẻ sống giữa thiên đường - địa ngục và muốn tự tử - Ảnh 4.

Câu chuyện về hội chứng rối loạn hoảng loạn tiền kinh nguyệt của Yates có điểm chung với những phụ nữ cũng bị hội chứng này (con số ước tính là 2-7% phụ nữ Mỹ bị PMDD).

Các vấn đề phức tạp nảy sinh từ chu kỳ kinh nguyệt và sức khỏe nói chung của nữ giới – như hội chứng tiền kinh nguyệt PMS, hội chứng rối loạn hoảng loạn tiền kinh nguyệt PMDD, hội chứng buồng trứng đa nang và lạc nội mạc tử cung - đều nên được dạy từ khi còn trên ghế nhà trường.

Như thế, các cô bé tuổi teen mới có thể xem xét nghiên túc bất cứ triệu chứng nào mà họ cảm thấy bất thường với mình.

Kể từ khi được chẩn đoán, cuộc sống của Yates đã được cải thiện đáng kể. "Tôi đã hòa hợp hơn với chính chu kỳ kinh nguyệt của mình. Các biện pháp điều trị giúp tôi tiến bước trên con đường tâm linh mà tôi không hề nghĩ đến.

Tôi luôn ủng hộ việc phá bỏ những định kiến về chu kỳ kinh nguyệt và tôi giờ đây, tôi cảm thấy tích cực hơn nhiều với kỳ kinh của tôi.

Tôi biết, kinh nguyệt là điểm bất tiện với rất nhiều phụ nữ. Nhưng tôi mong đợi ‘ngày đèn đỏ’ của mình. Nó luôn mang điều tốt đẹp đến cho tôi".

Định kiến về kinh nguyệt và sức khỏe người phụ nữ cần được xoá bỏ

Laura Murphy, cũng là một bệnh nhân PMDD và đồng sáng lập của Vicious Cycle – nhóm hỗ trợ phụ nữ bị rối loạn hoảng loạn tiền kinh nguyệt, cho biết, 66% bệnh nhân PMDD tự chẩn đoán cho mình qua Google. Trách nhiệm này không nên thuộc về họ.

Một căn bệnh có khả năng gây suy kiệt đến thế, có thể ảnh hưởng sâu sắc tới cuộc sống đến thế, phải được quan tâm đúng mực. Theo bác sĩ Panay, có thể do tình trạng thiếu thốn tài chính và giáo dục dành cho cả giới chuyên môn lẫn cộng đồng, khiến PMDD bị xem nhẹ.

Cũng bởi thiếu phổ biến kiến thức khoa học về PMDD, quá nhiều phụ nữ đã lại bị chẩn đoán sai. PMDD thường bị nhầm với rối loạn lưỡng cực, lo lắng tổng quát hoặc trầm cảm, hoặc đơn thuần là không được chẩn đoán gì hết.

Vai trò của chu kỳ kinh nguyệt rất quan trọng khi chẩn đoán bởi có rất nhiều phương pháp điều trị mục tiêu cho chứng rối loạn hoảng loạn tiền kinh nguyệt, như liệu pháp hormone, phương pháp tránh thai (dùng thuốc, vòng tránh thai) và điều trị GnRH – hormone nhân tạo giúp mãn kinh tạm thời thông qua giảm lượng estrogen được sản sinh.

Tất cả những biện pháp này – khác nhau tuỳ thuộc vào bệnh nhân và trải nghiệm của cô ấy - đều hướng đến mục tiêu ức chế sự thất thường của hormone, là nguyên nhân gây ra các triệu chứng - đồng thời tạo "môi trường hormone ổn định".

Chính tình trạng thiếu hụt nhận thức về PMDD đã thúc đẩy Murphy, người trải qua phẫu thuật cắt bỏ tử cung để điều trị bệnh vào 8 tuần trước, khởi động Vicious Cycle. "Tôi thêm tất cả thành viên mới vào nhóm và trò chuyện với họ.

Rõ ràng, tất cả đều có chung một câu chuyện: họ tới gặp bác sĩ và bị chối bỏ", Murphy chia sẻ. "Hoặc, giống như tôi, họ trải qua nhiều năm sống trong địa ngục và cuối cùng, vô tình gặp phải cụm từ ‘hội chứng rối loạn hoảng loạn tiền kinh nguyệt PMDD’.

Họ bất ngờ nhận ra: Phải rồi, đây chính là căn bệnh mình mắc phải! Những người phụ nữ bị bỏ rơi trong trạng thái trầm cảm, với cuộc đời rách nát, chỉ còn biết bấu víu vào bạn trai/chồng của mình và công việc, nhưng vẫn bị chối bỏ hết lần này tới lần khác".

photo-4

Cũng bởi thiếu phổ biến kiến thức khoa học về PMDD, quá nhiều phụ nữ đã lại bị chẩn đoán sai.

Cả Murphy và Yates đều tin rằng, tình trạng hiểu lầm thâm căn cố đế và chẩn đoán sai về PMDD có liên quan tới định kiến của con người về chu kỳ kinh nguyệt, sức khỏe tâm thần và sức khỏe nói chung của phụ nữ.

"PMDD đóng đinh vào giữa các chu kỳ kinh nguyệt, vào sức khỏe tâm thần và thể chất của người phụ nữ", Murphy lý giải.

"Mới đây, báo chí còn đưa tin PMS ‘không hề tồn tại’, càng ‘thêm dầu vào lửa’ định kiến sẵn có về việc phụ nữ chỉ đang quá kích động trong những chuyện liên quan tới sức khỏe của mình.

Chúng tôi không được tin tưởng để biết về chính tâm trí và cơ thể của chúng tôi", Murphy cho biết.

(Nguồn: Goodhousekeeping)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại