Hội chứng Paris là gì?
Hiểu một cách đơn giản, đây là hội chứng dành cho những người nhận ra thủ đô Paris (Pháp) không giống như những gì mình tưởng tượng qua truyền thông, sách vở. Năm 1986, giáo sư Hiroaki Ota đã gọi tên Hội chứng Paris trong cuốn sách cùng tên của mình, coi đó như một trong những tổn thương tâm lý phổ biến mà du khách Nhật khi tới Pháp gặp phải.
Về đối tượng nghiên cứu là du khách Nhật, đây đều là những người đã quen với lối sống thanh lịch, lề lối tại nước mình, và chờ đợi điều tương tự tại thành phố mình thăm quan.
Trong quá trình công tác tại Pháp, ông đã chứng kiến họ bị stress nặng sau khi đối diện với sự thật phũ phàng trong phong cách sống, ngôn ngữ, văn hoá tại Paris - một cú sốc văn hoá với những kỳ vọng quá cao.
Những dấu hiệu thường thấy của Hội chứng Paris bao gồm sợ hãi, lo âu, sang chấn tâm lý, đôi khi cảm thấy bị đe dọa về mặt tinh thần. Các triệu chứng ít nguy hiểm hơn bao gồm khó chịu, choáng váng và đổ mồ hôi mất kiểm soát. Tất cả nếu cùng xuất hiện mà không có dấu hiệu thuyên giảm, bệnh nhân thậm chí sẽ có những cơn ngưng tim.
Hầu hết các nhà tâm lý học đồng ý rằng cách chữa trị tốt nhất cho hội chứng này là đưa bệnh nhân trở về quê nhà, với sự đồng hành của bạn bè, người thân. Có điều, những người nặng hơn thậm chí có thể không bao giờ trở lại Paris.
Tại sao du khách thất vọng vì Paris?
Dù cho hiện tượng tâm lý này suy giảm, một phần nhờ vào sự thức thời của dòng chảy thông tin, hội "cuồng chân" vẫn có những lý do chính đáng để thất vọng với thành phố này - tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến hội chứng Paris. Cụ thể như sau:
1. Một hàng dài chờ lên tháp Eiffel
Tháp Eiffel chính là trái tim của Paris. Rất nhiều du khách mong muốn được lên đài quan sát cao nhất, ngắm nhìn thủ đô tráng lệ, Tuy nhiên, hàng dài chờ đợi cùng kiểm soát an ninh nghiêm ngặt không kém sân bay sẽ tiêu tốn khá nhiều thời gian.
Sau tất cả những khó khăn đó, bạn sẽ muốn được nghỉ ngơi, picnic trên bãi cỏ xanh ngát trước tòa tháp. Nhưng đừng vội mừng, nhiều khả năng bạn còn không có chỗ nếu đã có những sự kiện đặt chỗ trước. Còn bãi cỏ bên ngoài cũng không tươi tắn như tưởng tượng, thường ở tình trạng héo úa, thậm chí có nơi cỏ chẳng thể mọc nổi.
Chuyện tương tự cũng xảy ra với bảo tàng Louvre. Nếu không đặt vé trước, bạn sẽ phải xếp hàng lâu tới mức vào được trong rồi, bạn sẽ quên mất mục đích mình tới đây là gì.
2. Ai cũng đòi xem Mona Lisa
Nụ cười bí hiểm của Mona Lisa là thứ ai đến Louvre cũng muốn chiêm ngưỡng một lần. Nhưng vì ai cũng muốn đến gần nàng, hỗn loạn ắt sẽ xảy ra, rất mệt mỏi đấy.
Đừng chỉ chăm chú mỗi bức hoạ bất hủ của Leonardo da Vinci. Louvre có một bộ sưu tập khổng lồ những tác phẩm nghệ thuật chờ bạn khám phá. Bản thân kiến trúc, nội thất của bảo tàng đã rất tuyệt vời rồi.
3. Không phải phụ nữ Pháp nào cũng là minh tinh
Phim ảnh đã làm cho chúng ta lầm tưởng những cô gái Pháp đeo mũ beret khắp mọi nơi, trang phục luôn là hàng "thửa", rạng rỡ bất chấp hoàn cảnh.
Nhưng ở Paris, không khó để bắt gặp những cô gái ăn vận giản dị, không trang điểm, không làm móng. Và đến tuổi 50, gu ăn mặc cũng như ngoại hình thay đổi đáng kể - trở thành hình mẫu thanh lịch thực sự cho phái nữ học tập.
4. Ăn uống đắt cắt cổ
Làm thế nào để biết nhà hàng mình ăn sang trọng đến đâu? Rất dễ: đồ càng ít, giá càng cao thì nhà hàng đó ắt nổi tiếng lắm. Chỉ là với nhiều người, ăn uống kiểu như vậy sẽ khiến họ cảm thấy khá "đắng", khi ví lõm khá sâu mà bụng cũng chẳng no.
5. Người Pháp cũng chẳng thanh lịch như bạn tưởng
Ngay cả người Paris cũng còn chưa quen nổi với những khu tiểu tiện lộ thiên ngay trên phố. Không phải nhà vệ sinh, những bốt "xả lũ" di động này xuất hiện vào năm 2018 nhằm giúp đường phố trở nên sạch sẽ hơn. Nhưng có lẽ, nó chỉ khiến thành phố bớt đi mấy điểm thanh lịch mà thôi.
6. Rất nhiều rác
Paris rất nhiều rác, những chồng rác bên vệ đường nhiều không đếm xuể. Nếu muốn dạo chơi mà không phải chịu những cảnh tượng như vậy, hãy chọn buổi sáng sớm - thời điểm thành phố vừa mới được dọn dẹp xong xuôi.
7. Không có mấy nơi nói tiếng Anh
Người Pháp nói tiếng Anh khá ổn, nhưng họ không thường xuyên sử dụng ngôn ngữ này. Ở nhà hàng, dễ thấy các nhân viên không nói tiếng Anh hoặc nói rất khó nghe. Menu cũng chỉ có tiếng Pháp, và với người không biết tiếng thì rõ ràng đây là một cực hình.
8. Kém an toàn
Trong làn sóng nhập cư tứ xứ đông đúc, không khó để thấy những người hay làm phiền khách du lịch, bán đồ linh tinh và nổi xung nếu khách không chịu mua.
Cũng như những điểm đến du lịch khác, Paris quảng bá hình ảnh có phần lung linh hơn đời thực. Chính bề dày lịch sử, văn hoá đã tạo áp lực cho Paris như một "học sinh giỏi" luôn phải giữ phong độ. Nhà văn Nga Mikhail German từng nói: "Paris vĩ đại tới mức bao nhiêu thế hệ đã yêu nó, dù họ còn không ý thức được điều ấy."
Sốc văn hoá là không thể tránh khỏi. Nhưng các chuyên gia cũng cho rằng Hội chứng Paris có thể ngăn chặn nếu như du khách có được hiểu biết và chấp nhận những điểm chưa đẹp của điểm đến này.