Gần như suốt đại dịch, Laura G. Bustamante đã khao khát được sống lại những đêm cuối tuần sôi động, khi bà thường xuyên lái xe xuống Manhattan để gặp gỡ bạn bè, thường là tại các quán bar karaoke khu phố dành cho người Hàn.
Laura của ngày hôm nay đã được tiêm chủng, đủ 2 mũi, trong khi thành phố New York đang dần trở lại bình thường. Các quán bar, nhà hàng đều đã mở cửa. Nhưng sự khao khát trên dường như không còn nữa. Nhà quản lý sản phẩm 49 tuổi tại hạt Rockland giờ cảm thấy chưa sẵn sàng để trở lại cuộc sống cũ, nơi bà có thể thoải mái gặp gỡ bạn bè, vô lo nghĩ.
"Nhìn vào mạng xã hội, bạn sẽ thấy người ta đang ùa ra đường vui chơi," - Laura chia sẻ. "Nhưng tôi không thể nghĩ mình sẽ ở trong đó."
Những người "sợ điều bình thường mới"
Kể từ khi CDC Hoa Kỳ cho phép những ai đã tiêm chủng được tụ tập trong nhà mà không cần đeo khẩu trang, rất nhiều người đã nhanh chóng "xả" cơn khát họ đã nín nhịn suốt hơn 1 năm qua. Họ đi ăn nhà hàng, tiệc tùng nhảy nhót với bạn bè và gia đình. Nhưng với một số người, việc trở lại cuộc sống trước kia lại là một thách thức khó khăn, sau khi đã xa lánh cả thế giới một khoảng thời gian quá dài.
Thay vì cảm thấy tự do, họ lại sợ cảm giác phải hòa nhập. Họ từ chối những lời gọi mời đi chơi, né tránh những buổi tụ tập quá đông người, và trì hoãn việc phải trở lại chốn công sở càng lâu càng tốt. Hiện tượng này trở nên phổ biến đến mức đã có một tên gọi riêng cho nó trên mạng xã hội, đó là "Hội chứng hang động" (Cave syndrome).
"Hội chứng hang động để chỉ những người đang sợ hãi việc phải ra ngoài, vì họ không muốn nhiễm bệnh," - trích lời Tiến sĩ tâm lý Arthur Bregman. Thuật ngữ này do ông đặt ra vào đầu năm 2021 (chưa được y học công nhận), sau khi chứng kiến một số bệnh nhân cảm thấy sợ hãi và xa lánh xã hội dù đã được tiêm chủng đủ 2 mũi.
Tiến sĩ Bregman cho rằng hội chứng hang động có nhiều mức độ, từ những người được tiêm chủng nhưng chỉ hòa nhập cộng đồng rất giới hạn, cho đến những ai chối bỏ cả thế giới và không ra ngoài.
Việc biến chủng Delta lây lan nhanh và rộng đã khiến nhiều nơi phải tái ban hành yêu cầu đeo khẩu trang, bao gồm từ thành phố Los Angeles của Mỹ cho đến cả một quốc gia như Israel. Nó cũng vô tình khiến nỗi lo của những người gặp "hội chứng hang động" trở nên lớn hơn. Thêm vào đó, Tổ chức Y tế Thế giới WHO gần đây còn đưa ra văn bản trái ngược với CDC, cho rằng cả thế giới vẫn nên đeo khẩu trang dù tiêm chủng có nhiều đến mức nào.
Theo Bregman, các thông tin về Covid-19 liên tục thay đổi - đôi lúc còn tỏ ra mâu thuẫn giữa các tổ chức và quốc gia - đã làm nỗi sợ bị đẩy mạnh. Dù số liệu cho thấy những người được tiêm chủng có nhiễm Delta cũng rất ít khả năng phải nhập viện, nhưng sự sợ hãi vẫn hiển hiện và ngày một lớn mạnh.
"Nỗi sợ và sự thiếu tin tưởng đã khiến nhiều người nghĩ rằng họ có thể dễ dàng nhiễm bệnh, nên họ chọn ở trong nhà," - Bregman cho hay.
Thêm vào đó, khi các lệnh hạn chế liên tục bị dỡ bỏ ở nhiều địa điểm, sự hoang mang tiếp tục xuất hiện vì nhiều người không nắm được cách làm sao để hòa nhập an toàn. Nửa cuối tháng 7, Anh chính thức dỡ bỏ hầu hết các lệnh hạn chế, bao gồm cả quy định đeo khẩu trang bắt buộc và giới hạn tụ tập trong nhà. Đó là một ván bài mà chính phủ Anh đặt vào, cho rằng chiến dịch tiêm chủng diện rộng của họ sẽ chặn đứng làn sóng Covid đầy chết chóc. Còn Canada hôm 26/7 tuyên bố sẽ cho phép những công dân Mỹ đã tiêm chủng được nhập cảnh, đồng thời mở lại du lịch từ ngày 9/8 sau hơn 1 năm đóng cửa biên giới.
Giống như rất lâu rồi mới ra khỏi hang
Các nghiên cứu chỉ ra rằng con người cần thời gian để tái thích nghi với một xã hội mở cửa. Trong một khảo sát vào tháng 6 của Ipsos và Diễn đàn Kinh tế Thế giới trên hơn 12.000 người từ 9 quốc gia, đa số cho biết họ sẽ vẫn tiếp tục thi hành giãn cách xã hội và đeo khẩu trang kể cả khi đã tiêm vaccine.
Nghiên cứu hồi tháng 3/2021 do Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ thực hiện cho thấy, gần 1/2 trên tổng số hơn 3000 người trưởng thành cho biết họ cảm thấy không thoải mái khi phải quay trở lại hình thức tiếp xúc trực tiếp người với người lúc đại dịch chấm dứt. Phản ứng này có tỉ lệ gần như tương đương giữa người có tiêm chủng và chưa tiêm.
Một meme khá nổi tiếng trên mạng xã hội liên quan đến việc con người trông như thế nào sau khi cách ly trong một khoảng thời gian quá dài
Andrew Ruiz, nhà phân tích công nghệ 32 tuổi tại Fort Myers (Florida) đã được tiêm chủng từ hồi tháng 4 năm nay. Dẫu vậy, anh cho biết mình vẫn duy trì cảnh giác với xã hội và dự tính sẽ bỏ một số sự kiện thường niên vẫn tham dự.
"Chỉ cần biết rằng đó không phải là một không gian kín," - anh chia sẻ. "Tôi muốn được an toàn, và không phải ở trong đám đông."
Hơn nữa, Ruiz cho biết mình vẫn chưa sẵn sàng để đi máy bay, nhất là khi Delta đang lây lan. "Với tôi tốt nhất là chờ thêm 1 năm nữa, để xem tình hình có ổn không."
Sợ virus không phải là lý do duy nhất ngăn nhiều người tái hòa nhập cộng đồng. Một số có cảm xúc như vậy đơn giản là vì họ đã bị ngăn cách khỏi xã hội quá lâu và dần quen thuộc với điều đó - theo Paul S. Appelbaum, giáo sư tâm lý trị liệu tại ĐH Columbia (Mỹ).
"Nó (giãn cách) trở thành một thói quen thoải mái, và tư tưởng ấy được củng cố bởi nỗi sợ vô hình," - ông nhận định. "Chẳng phải sẽ rất kỳ cục sao khi tôi quay trở lại sử dụng tàu điện? Phải chăng sẽ rất khó xử lúc bước vào văn phòng? Những gì quen thuộc sẽ cho ta cảm giác an toàn, và ngược lại khi đã không quen thì sẽ gây lo lắng."
Như Eoin Hamilton - một nhà thiết kế đã tiêm vaccine được nhiều tháng là một ví dụ. Ông cho biết mình cảm thấy "ruột gan như lộn nhào" khi tổ chức tiệc sinh nhật 43 tuổi với gia đình tại một khách sạn ở Dublin hồi đầu tháng 7. Đó là lần đầu tiên ông Hamilton đứng ở trong một đám đông sau suốt 18 tháng ở lì trong nhà cùng vợ và con của mình tại ngôi làng Ballivor (Ireland).
"Ai cũng cảm thấy ổn, nhưng trong lòng tôi thì không," - Hamilton trải lòng. "Tôi đã nghĩ rằng mọi thứ có thể khá gượng gạo, chỉ không ngờ cảm giác ấy tệ đến như vậy."
Vấn đề không nằm ở virus, mà là "nỗi sợ khi phải tiếp xúc với con người sau khi đã xa lánh họ quá lâu," - ông chia sẻ thêm, đồng thời khẳng định rằng sau lần đó ông đã thề sẽ tiếp tục giãn cách xã hội. "Tôi đã từng rất thích tụ tập ăn uống, nhưng giờ thì không."
Eileen Ybarra - thủ thư 44 tuổi tại Los Angeles cũng đã được tiêm chủng đủ 2 mũi từ tháng 4, và bắt đầu trở lại cuộc sống bình thường bằng việc đi mua sắm và thăm bạn bè, người thân. Dẫu vậy, bà vẫn cảm thấy không thoải mái khi đi xem phim hoặc ăn uống tụ tập trong nhà.
"Có lẽ tôi đang trong giai đoạn 'tái hòa nhập từ từ'," - Ybarra nhận định, sau khi quyết tâm dự lễ sinh nhật của một người thân trong gia đình. Tuy nhiên sau khi Los Angeles ra quyết định yêu cầu đeo khẩu trang trong nhà, sự tự tin của Ybarra cũng giảm dần.
Nguồn: WSJ