Mới đây, chương trình Our Song Việt Nam 2024 đã lên sóng, với sự tham gia của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng.
Trong đó, học trò của NSND Lê Dung là ca sĩ Ngọc Anh đã khiến Trấn Thành phải bật khóc nức nở khi thể hiện ca khúc Đại minh tinh, với kỹ thuật điêu luyện và giọng hát bùng cháy cảm xúc.
Ngọc Anh cũng xúc động chia sẻ “Chị đã khóc ngay từ lúc nhận bài, tập ở nhà đến câu cuối cùng là chị cứ khóc thôi, từ lúc Thành giới thiệu chị đã không chịu nổi”.
Cũng tại chương trình này, Ngọc Anh được xếp chung hàng ngũ với các ca sĩ gạo cội như NSND Thanh Lam, Thu Minh… Vậy, năng lực của cô đáng gờm cỡ nào?
Năng lực quá đặc biệt khiến NSND Lê Dung phải thốt lên một câu
Ngọc Anh tên thật là Hoàng Ngọc Anh, sinh năm 1975 tại Hà Nội, trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật, bố mẹ đều là nghệ sĩ. Bản thân Ngọc Anh hồi nhỏ cũng sống trong một khu tập thể văn công, nên sớm được tiếp thu, hình thành dòng máu nghệ thuật. Từ bé, cô đã mê ca hát và bộc lộ giọng hát thiên phú.
Ngọc Anh nói: "Tôi may mắn khi được chào đời trong cái nôi nghệ thuật. Gia đình tôi ngày ấy sống ở khu văn công dành cho nghệ sĩ, xung quanh nhà đều là nghệ sĩ từ chèo, tuồng tới nhạc dân tộc, xiếc, múa, điện ảnh…
Tôi vừa mở mắt ra đời đã được nghe những âm thanh nghệ thuật. Tôi nghe ngày nghe đêm, nghe cả trong giấc ngủ nên nghệ thuật thấm vào máu tôi từ nhỏ".
Nhận thấy năng khiếu ở con gái, bố Ngọc Anh đã cho cô đi học nhạc từ khi mới 5 tuổi, học chơi cả đàn thập lục. Năm 16 tuổi, cô thi vào Nhạc viện và đạt thủ khoa với điểm số cao nhất. Cô theo học Nhạc viện từ năm 1990 tới 2000 và chỉ học thanh nhạc.
Tại Nhạc viện, Ngọc Anh trở thành học trò cưng của cố NSND Lê Dung. NSND Lê Dung vốn rất khó tính và chỉ nhận dạy những học trò bà thấy ưng ý nhất. Bà nhận Ngọc Anh vì thấy cô có giọng hát đặc biệt, nhiều tố chất bẩm sinh.
Được biết, khi NSND Lê Dung về Nhạc viện, các sinh viên đã học sẵn trong những lớp cố định. Để có được sinh viên cho mình, NSND Lê Dung phải xin với Khoa Thanh nhạc lấy những sinh viên bà muốn dạy. Bản thân Ngọc Anh đã được NSND Lê Dung nhắm trước rồi xin từ NSƯT Mỹ Bình ra để dạy.
Ngọc Anh cũng từng tiết lộ: "Trong lúc thi vào Nhạc viện, NSND Trần Hiếu trực tiếp lên đệm đàn cho tôi thử giọng và một phát lên được tới tận G5 (note rất cao) bằng giọng thật, khiến thầy cô chấm thi ai cũng ngạc nhiên".
Thậm chí, NSND Lê Dung còn bất ngờ về giọng hát đặc biệt của Ngọc Anh tới mức thốt lên: “Thế giọng Ngọc Anh là giọng gì? Cô không hiểu giọng em là giọng gì luôn. Giọng em vừa có trung vừa có cao, xuống thấp cũng được, lên cao cũng được, quãng rất rộng, hát được cả hai loại giọng nữ trung lẫn nữ cao. Vì thế, cô không thể khẳng định về loại giọng của em".
Về kỹ thuật điêu luyện đã được NSND Lê Dung truyền đạt, chỉ dạy, Ngọc Anh chia sẻ: “Bản thân tôi khi hát cũng luôn nhớ tới bài học khẩu hình của cô nên có vẻ giống cô về mặt âm thanh, phần vang hốc xoang của cô để lại cho tôi như một báu vật trong sự nghiệp”.
Những kỹ năng điêu luyện của một giọng hát bậc thầy
Ngọc Anh thuộc loại giọng mezzo alto (nữ trung trầm). Xét theo ngũ cung, cô sở hữu giọng hỏa - chất giọng khá đặc biệt và hiếm thấy.
Vì cùng thuộc type giọng hỏa nên Ngọc Anh có nhiều điểm tương đồng với Hồ Ngọc Hà. Cả hai cùng nổi bật ở độ khàn, chất smoky và husky, tạo nên âm sắc vô cùng lạ, hòa trộn giữa phiêu lãng và mê đắm, nhưng lại rất sang trọng.
Nói cách khác, tiếng hát Ngọc Anh giống như ly cà phê đen đặc được phả vào mùi khói thuốc, rất hợp để thể hiện dòng ballad trữ tình đòi hỏi sự lắng đọng, đào sâu nội tâm đến tận cùng.
Mỗi khi hát nhạc trữ tình, Ngọc Anh như tạo ra được cả một không gian thưởng thức riêng cho người nghe, với tràn ngập sự khắc khoải và đam mê.
Một trong những đặc trưng của giọng hỏa là sự linh hoạt, nên tiếng hát Ngọc Anh cũng đa màu sắc và nhiều thanh âm. Quãng giọng của cô khá rộng, xuống trầm tận C3, trụ vững ở F3 và belt cao tới C#5, D5, giả thanh tới G5, G#5.
Thông thường, với một nữ trung trầm (như Thanh Lam, Thu Phương), sẽ rất khó để vươn giọng thật tới quãng 5, nhưng Ngọc Anh lại thoải mái hát ở C5, C#5 một cách căng tràn.
Lợi thế đa sắc thái giúp Ngọc Anh có thể xuống trầm rất tối, hát quãng trung đầy đặn nhưng belt cao thì lại sáng đẹp, chứ không chỉ cố định trong một màu sắc. Nhiều khi, khán giả thấy cô hát thật u sầu, lắng đọng, nhưng lên cao cũng đầy dữ dội và cháy bỏng.
Không những vậy, màu giọng của Ngọc Anh còn phù hợp với nhiều thể loại nhạc, đặc biệt là ballad và rock (hai dòng đối lập nhau).
Sở hữu những đặc tính của giọng hỏa loại mezzo alto giống Hồ Ngọc Hà, nhưng Ngọc Anh lại có nền tảng kĩ thuật bài bản nên ít bị strain, bóp nghẹt giọng như đàn em.
Ngược lại, cô có được cột hơi vững và trường lực lớn giống như Thanh Lam, nên có thể hát cao trào rất khỏe khoắn, nội lực. Quãng trung của cô cũng khá dày và nặng, tương đồng với Thanh Lam nhiều hơn Hồ Ngọc Hà.
Như vậy, có thể thấy, Ngọc Anh là sự kết hợp hoàn hảo giữa chất ưu tư, phiêu lãng của Hồ Ngọc Hà và nội lực căng tràn của Thanh Lam. Nói cách khác, khán giả tìm đến Ngọc Anh để thấy được một giọng hát dễ nghe, dễ cảm hơn Thanh Lam, nhưng đủ đầy kĩ thuật, chắc chắn và có gì đó sang trọng, cao cấp hơn Hồ Ngọc Hà.
Riêng về dòng nhạc trữ tình, thật khó có thể bỏ qua Ngọc Anh. Ở cô là một thứ rượu ngọt lịm nhưng thấm đẫm vị chát và cay của đời, của tình, của người. Nó rất thích hợp để khơi gợi những tâm sự, ái tình đang chất chứa trong lòng khán giả.
Ngọc Anh không đẩy mọi thứ tới cùng cực, đỉnh điểm, nhưng vẫn bùng nổ được cảm xúc. Cô cũng không sến súa, quằn quại quá mức, nhưng vẫn chất chứa được nhiều tâm sự.
Người ta nói, cứ nghe Ngọc Anh là cảm thấy nâng nâng và bùng lên chất men say trong người, như thiêu như đốt để dậy lên cảm xúc vỡ òa. Đó mới đúng là giọng hát ngậm lửa, lúc nào cũng hừng hực đam mê và khát khao cháy bỏng.
Ngọc Anh không phải kiểu ca sĩ thích phô diễn kĩ thuật khó, cô chỉ làm vừa đủ nhưng trọn vẹn và ổn định, đúng chất được học hành bài bản.
Một trong những kĩ thuật đặc trưng Ngọc Anh hay dùng là airy voice. Nó phát huy toàn bộ lợi thế giọng hỏa của cô, tạo nên những quãng âm ấm áp, nhẹ như hơi thở, phớt như khói thuốc đang phiêu du vào không gian. Airy voice của Ngọc Anh còn được kết hợp cùng legato, nên rất mềm mượt, nghe dễ chịu.
Ngọc Anh có khả năng hát treo cao bằng chest voice rất tốt. Cô thường xuyên nhả chữ với đầy đủ ngân rung trên B4, C5 và belt dài thoải mái ở quãng cận cao này.
Đặc biệt, khi belt cao, Ngọc Anh chọn cách “nổ” âm thanh ở vùng quanh mặt, tạo nên sự căng tràn và vỡ òa, rất thích hợp để biểu đạt cảm xúc, mà nghe vẫn đã tai.
Ngọc Anh cũng biết cách tích hợp âm lượng và cộng hưởng trên quãng cận cao, tạo nên chuỗi trường độ lớn. Chỉ cần nhìn khẩu hình của Ngọc Anh mỗi lúc hát cao trào là đủ biết cô đã được đào tạo bài bản, vì nó mở rất tròn trịa và đẹp.
Giả thanh của Ngọc Anh không quá cao, nhưng cũng vươn tới G5, G#5 và được luyến láy đầy ngẫu hứng.
Cột hơi khỏe khoắn cho phép Ngọc Anh belt dài hơn ở quãng cao nhưng bỏ nhỏ cũng thật chắc chắn. Cô có thể kéo dài chuỗi bỏ nhỏ âm lượng li ti tới hàng chục giây.
Ngọc Anh sử dụng vị trí âm thanh cho phần hạ âm rất đẹp. Cô thường đẩy giả thanh lên đỉnh trán khi kéo dài vibrato - piano trên G#4, tạo nên chuỗi thanh âm mềm mại và trôi chảy như một dòng suối của hơi thở. Cách Ngọc Anh ngân rung khi kéo dài giả thanh khá giống với NSND Lê Dung lúc đương thời.
Ngọc Anh hát Hà Nội mùa vắng những cơn mưa với những ngân rung giả thanh phần hạ âm đẹp lung linh.
Nhưng kĩ thuật chỉ là một phần, quan trọng hơn cả vẫn là cách xử lí của Ngọc Anh. Nó rất tinh tế, thể hiện sự thông minh và cảm nhạc tốt. Cô biết cách phiêu và bùng cháy theo nhạc rất đúng lúc, đúng chỗ, tạo nên những cơn cao trào cảm xúc đầy thăng hoa.
Ngọc Anh không “điên” quá mức, cũng không hời hợt hay bi lụy, quằn quại, cô nhấn sâu vào từng chữ, tìm đến điểm tận cùng của tâm sự, để đốt nó lên bằng chất giọng ngậm lửa của mình.