Theo Dave Majumdar, biên tập viên quốc phòng của Tạp chí National Interest (Mỹ), Nga hiện đang phát triển các khả năng tình báo, do thám và trinh sát (ISR) mới để thực hiện các đòn tấn công chính xác tầm xa.
Đặc biệt, học thuyết quân sự mới của Nga nhận định, chiến tranh tương lai sẽ là sự kết hợp giữa các phương tiện bay không người lái (UAV) tiên tiến, những hệ thống đặt trên vũ trụ, tên lửa hành trình thế hệ mới và các vũ khí tấn công tầm xa khác.
Nhưng cùng với sức mạnh quân sự truyền thống, Nga cho rằng các cuộc xung đột tương lai cũng sẽ bao gồm các yếu tố chiến tranh kinh tế, chính trị và thông tin.
"Cơ sở hạ tầng kinh tế và quản lý nhà nước chủ chốt của đối phương sẽ phải bị đánh phá ngay lập tức. Ngoài những mục tiêu quân sự truyền thống, không gian vũ trụ và mặt trận thông tin sẽ phải được chủ động tính tới", Tổng tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Nga, tướng Valery Gerasimov phát biểu trong một hội nghị quốc phòng được hãng thông tấn TASS trích dẫn.
Theo tướng Valery Gerasimov, để chiến đấu và chiến thắng một loại hình chiến tranh mới, Nga sẽ phải tích hợp các khả năng ISR với các vũ khí tấn công chính xác tầm xa.
Tương tự, để bảo đảm tính liên tục, kịp thời và tối đa hiệu quả của các đòn hỏa lực tấn công kẻ thù, Nga cần phải xác lập nhiều vòng trinh sát - tấn công; tích hợp giữa thông tin trinh sát, tổ hợp điều khiển thông tin với các hệ thống vũ khí nhiều chủng loại ở các đơn vị vũ trang.
Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nga cũng cho biết, họ đang xây dựng một hệ thống trinh sát và tấn công tự động hóa kết nối các lực lượng với nhau, với mục tiêu giảm từ 2 - 2,5 lần chu trình thời gian từ khi tiến hành hoạt động trinh sát tới lúc phá hủy mục tiêu, đồng thời vẫn đảm bảo độ chính xác cao gấp 1,5- 2 lần.
Nga đang đầy mạnh phát triển các UAV tấn công
Thọc sâu, đánh hiểm, tiêu diệt các mục tiêu chủ chốt
Để thực hiện được mục tiêu đề ra, Nga sẽ phải đầu tư cho các máy bay không người lái mới có khả năng trụ vững trong những không gian chiến đấu với mức độ rủi ro cao.
Nhưng cùng với những hệ thống nêu trên, Nga cần phải phát triển các hệ thống chỉ huy và điều khiển mới cũng như tìm ra biện pháp tự động hóa tiến trình phân tích và xử lý dữ liệu thu thập được.
"Nga đang phát triển các phương thức chỉ huy và điều kiển tác chiến hiện đại, tích hợp vào một môi trường thông tin đơn nhất", tướng Gerasimov cho biết.
"Mức độ tự động hóa các tiến trình thu thập và phân tích thông tin về tình hình, kế hoạch của kẻ thù đang được nâng lên nhờ đưa vào sử dụng một hệ thống chỉ huy và điều khiển tự động hợp nhất ở cấp chiến thuật".
Từ những động thái quyết liệt trên của Nga, các chuyên gia quân sự phương Tây cho rằng Moscow đang tập trung nhiều hơn cho các khả năng ISR tầm xa.
"Điều cốt lõi nhất là cuối cùng thì Nga cũng đã công khai thừa nhận tầm quan trọng và vai trò không thể thay thế của các hệ thống không người lái trong các cuộc xung đột tương lai", chuyên gia nghiên cứu Sam Bendett thuộc Trung tâm Phân tích Hải quân (Mỹ) phát biểu trên Tạp chí National Interest.
"Ông Gerasimov cũng thừa nhận những hệ thống như vậy sẽ giữ vai trò chủ chốt trong tất cả các cuộc chiến tranh tương lai. Ông cho rằng các cuộc xung đột tương lai không chỉ liên quan tới quân sự mà còn là các yếu tố kinh tế, chính trị và ngoại giao. Bởi vậy, Nga phải sở hữu các vũ khí công nghệ cao để tiến hành các cuộc chiến tranh đó".
Theo Dave Majumdar, mối lo ngại lớn nhất với Mỹ và NATO là nếu Nga hiện thực hóa được tầm nhìn này, họ sẽ có khả năng tấn công chính xác vào sâu bên trong lãnh thổ liên minh. Điều đó có nghĩa là, Quân đội Nga sẽ có khả năng tấn công vào các cơ sở hạ tầng trọng yếu như căn cứ không quân nằm sâu trong lãnh thổ của Mỹ và NATO.
"Mỹ phải có kế hoạch để chống trả nhiều loại phương tiện tấn công không người lái cùng với các hệ thống đặt trên vũ trụ", Sam Bendett cảnh báo. "Đó là chưa kể tới việc phải đối phó với các khả năng tấn công chiều sâu bằng những công nghệ mà Nga đang phát triển hiện nay".
Orlan-10 - "mắt thần trên trời" Nga dùng để kiểm soát NATO