Quy tắc giúp phát hiện sớm căn bệnh ung thư có khả năng di căn nhanh

Ngọc Minh |

Quy tắc này rất đơn giản, giúp bạn phát hiện sớm được căn bệnh ung thư có khả năng di căn nhanh và đang có xu hướng gia tăng.

Thời gian qua, Bệnh viện Da liễu Trung ương đã tiếp nhận khá nhiều trường hợp ung thư tế bào hắc tố với những tổn thương ở bàn chân. Qua khai thác tiền sử, các bác sĩ nhận thấy bệnh nhân chưa hề quan tâm tới căn bệnh ung thư này.

Điển hình là trường hợp bệnh nhân N.V.T (sinh năm 1950) tới viện khám với thể trạng gầy gò, có một nốt đen ở vùng gan bàn chân, gần gót chân phải. Bệnh nhân cho biết tổn thương đã có từ nhiều năm nay nhưng vì không ngứa, đau hay khó chịu gì nên bệnh nhân không quan tâm.

Theo thời gian, nốt đen này không những không mất đi mà còn lớn dần và thay đổi hình dạng loang lổ trên bề mặt da. Khi người nhà đọc được các bài viết về ung thư da trên mạng, thấy dấu hiệu được mô tả giống với dấu hiệu của bệnh nhân đang có nên đã động viên bệnh nhân đi khám bệnh.

Tại Bệnh viện Da liễu Trung ương, bệnh nhân được khám, chỉ định xét nghiệm máu, siêu âm, chụp Dermoscopy. Kết quả cho thấy bệnh nhân bị ung thư tế bào hắc tố ở gan bàn chân phải.

Quy tắc giúp phát hiện sớm căn bệnh ung thư có khả năng di căn nhanh - Ảnh 1.

Bệnh nhân có tổn thương ung thư hắc tố tại góc chân (Ảnh BSCC).

ThS.BS Vũ Nguyên Bình, Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ & Phục hồi chức năng, Bệnh viện Da liễu Trung ương cho hay, bệnh nhân đã được các bác sĩ tiến hành phẫu thuật cắt toàn bộ khối ung thư và làm xét nghiệm mô bệnh học nhằm xác định chính xác mức độ xâm lấn, giai đoạn bệnh, từ đó sẽ có kế hoạch điều trị kịp thời, phù hợp với giai đoạn bệnh.

May mắn, ở trường hợp của bệnh nhân này, bệnh không thấy có dấu hiệu của di căn. Sau đó, bệnh nhân đã được phẫu thuật cắt rộng tổn thương để đảm bảo loại bỏ được hết tế bào ung thư, hạn chế tái phát.

Ung thư tế bào hắc tố là loại bệnh lý ác tính phát triển từ các tế bào hắc tố, là tế bào chịu trách nhiệm sản xuất melanin, sắc tố tạo màu da. Hiện nay, tỷ lệ mắc bệnh này có xu hướng gia tăng.

Tính chất nguy hiểm của ung thư tế bào hắc tố

Theo bác sĩ Nguyên Bình, ung thư tế bào hắc tố ít gặp hơn các loại ung thư da khác, chỉ chiếm khoảng 1% các trường hợp mắc ung thư da. Nhưng ung thư tế bào hắc tố lại là nguyên nhân gây ra hầu hết các trường hợp tử vong liên quan đến ung thư da do tính chất xâm lấn và khả năng di căn nhanh.

Các tế bào ung thư hắc tố xâm lấn và di căn tới các cơ quan khác bằng cách di chuyển qua các mô, máu và hệ bạch huyết. Tế bào ung thư có thể di căn đến mọi vị trí trên cơ thể, hay gặp nhất là ở não, phổi, gan…

Bác sĩ Bình cho hay, ung thư tế bào hắc tố có tỷ lệ di căn cao, nhưng nếu được phát hiện sớm và điều trị theo đúng phác đồ thì cho kết quả tốt, tỷ lệ sống 5 năm rất cao.

Quy tắc ABCDE phát hiện sớm ung thư tế bào hắc tố

Ung thư tế bào hắc tố đa phần xuất hiện trên các tổn thương tăng sắc tố ở các vùng da bị tỳ đè, cọ sát. Các khối u ác tính ở giai đoạn khu trú thường không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe bệnh nhân nên thường bị bỏ qua không được để ý tới.

Quy tắc giúp phát hiện sớm căn bệnh ung thư có khả năng di căn nhanh - Ảnh 2.

Ung thư tế bào hắc tố bắt nguồn từ nốt ruồi (Ảnh minh họa).

Bác sĩ Nguyên Bình cho hay, các dấu hiệu ban đầu của ung thư tế bào hắc tố có thể khá đa dạng. Trong thực tế, bệnh nhân có thể áp dụng quy tắc ABCDE là những dấu hiệu sớm của ung thư tế bào hắc tố để kiểm tra các tổn thương bất thường trên cơ thể.

- A (Asymmetry – Bất đối xứng): Nốt ruồi hoặc vết tăng sắc tố không có hình dạng đối xứng.

- B (Border – Bờ tổn thương): Bờ tổn thương không đều, lởm chởm hoặc mờ.

- C (Color – Màu sắc): Màu sắc không đều, có thể bao gồm nhiều màu sắc khác nhau như đen, nâu và thậm chí đỏ hoặc xanh.

- D (Diameter – Đường kính): Đường kính lớn hơn 6 mm.

- E (Evolving – Tiến triển): Tổn thương thay đổi về kích thước, hình dạng hoặc màu sắc theo thời gian. Nếu tổn thương có một trong các đặc điểm trên đây cần đến khám ngay tại bệnh viện chuyên khoa.

Vị trí tăng sắc tố trên cơ thể cần lưu ý

Ung thư tế bào hắc tố có thể biểu hiện ở mọi vị trí trên cơ thể. Tuy nhiên, ở người châu Á hay gặp ở lòng bàn tay-bàn chân, chiếm khoảng 50% các trường hợp.

Khởi đầu là một vùng da tăng sắc tố màu sắc không đồng nhất, màu nâu xen kẽ màu đen xám, giới hạn không rõ ràng, không đau, không ngứa. Thương tổn lan rộng ra xung quanh, có thể loét hay xuất hiện các khối u nổi cao.

Ung thư tế bào hắc tố có thể là nốt ruồi ở một số vị trí dễ sang chấn như bàn tay, bàn chân, hay vùng cạo râu tiến triển thành ung thư.

Bác sĩ Bình cho biết thêm, ung thư tế bào hắc tố ở một số trường hợp còn xuất hiện dưới móng, biểu hiện bằng các thương tổn tăng sắc tố không đều, chiếm một phần hay toàn bộ nền của móng. Ung thư tế bào hắc tố dưới móng thường chẩn đoán muộn vì dễ nhầm với các bệnh khác như nốt ruồi dưới móng, xuất huyết do sang chấn, viêm quanh móng, nhiễm nấm, hạt cơm dưới móng. Do vậy, với bất kỳ một thương tổn tăng sắc tố dưới móng, phải được khám kỹ, nhất là với những thương tổn lan hết chiều dài của móng.

Ung thư tế bào hắc tố nếu phát hiện sớm tiên lượng rất khả quan, tỷ lệ sống 5 năm là trên 90%. Với các khối u xâm lấn sâu hơn, tỷ lệ sống 5 năm dao động từ 50-90% tùy thuộc độ dày, loét da và tỷ lệ phân chia tế bào của khối u ác tính. Khi khối u đã di căn hạch, tỷ lệ sống 5 năm sẽ giảm nhiều, dao động từ 20-70%. Tỷ lệ sống 5 năm của ung thư tế bào hắc tố đã di căn xa là khoảng 10%.

Bác sĩ cảnh báo người dân khi có những biểu hiện bất thường trên da, hãy áp dụng quy tắc ABCDE để kiểm tra và đi khám sớm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại