Học theo Israel, 6 nước NATO xây "bức tường" giống Vòm Sắt để phòng vệ trước Nga

Hữu Hiển |

Sáu nước NATO đang hợp lực tạo ra "bức tường máy bay không người lái" để phòng vệ trước Nga.

Tờ Financial Times đưa tin, cuối tuần qua, bộ trưởng các nước Phần Lan, Na Uy, Ba Lan, Estonia, Latvia và Litva đã nhóm họp để thảo luận về một hệ thống phối hợp nhằm giúp chống lại thứ mà họ gọi là "những hành động khiêu khích" của Nga.

Học theo Israel, 6 nước NATO xây "bức tường" giống Vòm Sắt để phòng vệ trước Nga- Ảnh 1.

Phòng không Ukraine chặn một máy bay không người lái Shahed giữa không trung ở Kyiv vào ngày 30/5/2023. Ảnh AP

Bộ trưởng Nội vụ Litva Agne Bilotaite nói với Baltic News Service rằng: "Đây là một điều hoàn toàn mới – một bức tường máy bay không người lái trải dài từ Na Uy đến Ba Lan và mục tiêu là sử dụng máy bay không người lái và các công nghệ khác để bảo vệ biên giới của chúng ta."

"Không chỉ với cơ sở hạ tầng vật chất, hệ thống giám sát mà còn với máy bay không người lái và các công nghệ khác, sẽ cho phép chúng tôi bảo vệ khỏi những hành động khiêu khích từ các quốc gia không thân thiện và ngăn chặn buôn lậu", bà Bilotaite nói.

Thông tin chi tiết hơn về thời điểm bức tường có thể được xây dựng và cách thức hoạt động của nó vẫn chưa rõ ràng, nhưng bà Bilotaite nói rằng nguồn tài trợ của EU có thể được sử dụng để hỗ trợ dự án.

Bộ trưởng Nội vụ Estonia Lauri Laanemets nói về bức tường được đề xuất rằng: "Khả năng giám sát và chống máy bay không người lái là rất quan trọng để răn đe và chống lại các hoạt động gây ảnh hưởng của nước láng giềng phía đông của chúng ta."

"Ai đi trước đối thủ một bước sẽ thành công, nhưng lợi thế này có thể được tính bằng ngày, vì biện pháp đối phó sẽ được tìm ra rất nhanh chóng và chu kỳ sẽ lặp lại", ông Laanemets nói thêm.

Nga và các nước Baltic leo thang thách thức lẫn nhau

Theo Business Insider, động thái kể trên diễn ra sau một loạt hành động thách thức liên quan đến Nga và khu vực Baltic.

Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk hồi đầu tháng này đã kêu gọi tham gia "Sáng kiến Lá chắn Bầu trời Châu Âu" bao gồm 21 quốc gia. Sáng kiến này nhằm mục đích thiết lập một hệ thống phòng không giống như Iron Dome (Vòm Sắt) của Israel, bao trùm tất cả các quốc gia thành viên NATO trên khắp châu Âu.

Theo trang Iria News, các quốc gia thuộc Liên minh Châu Âu (EU) giáp biên giới với Nga ngày càng lo ngại rằng Nga sẽ chuyển trọng tâm sang các nước láng giềng phương Tây sau các hành động trong cuộc xung đột Ukraine.

Để chuẩn bị, Ba Lan đã đầu tư hàng tỷ USD để tăng cường phòng thủ biên giới với Belarus, Estonia đã xây dựng một mạng lưới hầm quân sự dọc biên giới của mình, và Phần Lan - quốc gia có chung đường biên giới dài hơn 1.300 kim với Nga - đã trở thành thành viên NATO.

Tuần trước, dự thảo nghị định của Nga đề xuất sửa đổi biên giới trên biển với Litva và Phần Lan ở Biển Baltic cũng làm dấy lên lo ngại trong khu vực.

Bộ Ngoại giao Litva cho biết đây là hành động khiêu khích có tính toán nhằm đe dọa các nước láng giềng.

Lực lượng biên phòng Nga tuần trước cũng đã dỡ bỏ khoảng 24 trong số 50 phao đánh dấu các tuyến đường vận chuyển trên sông Narva - nơi đánh dấu biên giới giữa Nga với Estonia (một thành viên EU) - trong một vụ việc mà Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại kiêm Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Josep Borrell coi là "không thể chấp nhận được".

Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) có trụ sở tại Washington nhận định, động thái này "đặt ra các điều kiện để đặt câu hỏi sâu xa hơn về biên giới trên biển và thử thách quyết tâm của NATO".

Một số quan chức đã cảnh báo rằng Nga có thể tiến hành một cuộc tấn công vào NATO trong vòng vài năm tới.

Theo Reuters, Bộ trưởng Quốc phòng Đan Mạch Troels Lund Poulsen từng nói trên tờ Jyllands-Posten của nước này hồi tháng 2 rằng "Không thể loại trừ khả năng trong vòng 3 đến 5 năm, Nga sẽ thách thức Điều 5 và sự đoàn kết của NATO. Đó không phải là đánh giá của NATO trong năm 2023. Đây là kiến thức mới sắp được công bố."

Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius cũng nói trên tờ Der Tagesspiegel vào tháng 1 rằng, mặc dù ông không mong đợi một cuộc tấn công của Nga vào NATO "vào lúc này", nhưng điều đó có thể xảy ra trong "khoảng thời gian từ 5 đến 8 năm".

Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng Nga không có đủ điều kiện để thực hiện hành động như vậy, đặc biệt sau khi bị suy yếu do cuộc xung đột ở Ukraine.

Bản thân Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi tháng 3 khẳng định Nga không có ý định tấn công bất kỳ thành viên NATO nào và cho rằng những tuyên bố như vậy là "hoàn toàn vô nghĩa".

Ruth Deyermond - chuyên gia về quân đội Nga tại trường King's College có trụ sở ở London – nói với Business Insider: "Mối đe dọa mà Nga gây ra cho NATO khó có thể là một cuộc tấn công; nhiều khả năng nó đến từ một loạt các mối đe dọa quân sự và phi quân sự khác - những gì thường được gọi là các mối đe dọa lai."

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại