Khi trẻ bị bệnh, thông thường phụ huynh sẽ xin cho con nghỉ học để nghỉ ngơi hoặc đến bệnh viện kiểm tra. Nhưng trên thực tế, không phải cha mẹ nào cũng như vậy. Việc học của con cái họ là quan trọng nhất, sức khỏe xếp hàng thứ yếu. Nỗi sợ "đứt gãy" chương trình học tập khiến nhiều phụ huynh bắt con phải học và làm bài tập dù đang điều trị.
Chẳng hạn trước đó ở Trung Quốc, vấn đề thiết lập "khu vực làm bài tập về nhà" trong các bệnh viện cho học sinh tiểu học và trung học trở thành chủ đề tranh luận "nóng". Sự xuất hiện những khu vực đặc biệt này được ghi nhận ở nhiều tỉnh miền đông Trung Quốc như Giang Tô, An Huy và tỉnh Hồ Bắc.
Những bức ảnh ghi lại cảnh học sinh làm bài tập về nhà trong bệnh viện được lan truyền chóng mặt trên không gian mạng. Các bệnh nhân nhỏ tuổi được cung cấp bàn, ghế và khung truyền dịch rất cao để có thể vừa học bài, làm bài vừa truyền tĩnh mạch. Có một số phụ huynh cũng ở đó cùng con, giúp đỡ và giám sát trẻ học.
Những bức ảnh ghi lại cảnh học sinh làm bài tập về nhà trong bệnh viện được lan truyền chóng mặt trên không gian mạng.
Mới đây, một câu chuyện khác cũng thu hút sự chú ý. Được biết, một giáo viên trung học cơ sở ở Chiết Giang nhìn thấy có học sinh sốt cao nằm trên bàn, giống triệu chứng của những em khác trong lớp bị cúm nên đã đánh thức và chuyển sang phòng khác. Đây là một phòng dạy kèm độc lập, cô giáo bật điều hòa và tiếp thêm nước cho em.
Sau khi thu xếp xong mọi chuyện, giáo viên liên lạc với phụ huynh, nhưng thái độ của người mẹ này rất bất ngờ. Thông thường khi gặp sự việc như vậy, phụ huynh trước tiên sẽ quan tâm đến tình hình của con mình, sau đó gửi lời cảm ơn đến cô giáo. Nhưng phụ huynh lại trách giáo viên tại sao lại tước quyền được học của con mình? Sốt không phải là bệnh hiểm nghèo, cúm cũng không ghê gớm, nên để cho con tiếp tục ngồi học. Cuối cùng người này nói sẽ khiếu nại lên nhà trường.
Phản ứng này đã khiến đa số cư dân mạng bị sốc. Dù vẫn có ý kiến cảm thông rằng từ góc độ phụ huynh, điều này có thể hiểu được. Môi trường giáo dục ngày nay quá phức tạp, đặc biệt là ở các thành phố lớn, nơi mỗi đứa trẻ sinh ra đều là kỳ vọng của cả gia đình. Cha mẹ sợ con "tụt hậu", nên không dám chểnh mảng một ngày.
Nhưng nhiều người cho rằng, đứa trẻ đã bị bệnh rồi, sức khỏe phải được quan tâm hàng đầu. Lịch trình của trẻ không nên được lấp đầy, cần phải cho phép các em nghỉ ngơi khi ốm, khóc khi buồn, hoặc không làm gì trong một thời gian và điều này cũng quan trọng như việc vượt qua kỳ thi tuyển sinh đại học.
"Tôi cảm thấy đau lòng cho những học sinh phải học dù thể chất không được khỏe. Điểm học tập của học sinh quan trọng hơn sức khỏe của các con à?", một cư dân mạng bình luận.