Theo Đề án tuyển sinh của Đại học Y Dược TPHCM vừa công bố, mức học phí năm 2020-2021 các ngành dao động từ 30 triệu đồng - 70 triệu đồng. Trong đó, ngành Răng - Hàm Mặt 70 triệu đồng/năm; ngành Y khoa là 68 triệu đồng/năm; ngành Dược học 50 triệu đồng/năm; ngành Kỹ thuật phục hình răng là 55 triệu đồng/năm...
Trường cũng cho biết mức học phí các năm tiếp theo dự kiến mỗi năm tăng thêm 10%.
Trao đổi trên Vietnamnet, ông Ngô Vũ Thắng (Trưởng phòng Tài chính sự nghiệp, Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ Y tế) cho biết, ĐH Y Dược TP.HCM là 1 trong 11 trường đào tạo Y, Dược trực thuộc Bộ Y tế. Đây là đơn vị duy nhất bắt đầu thực hiện tự chủ từ năm 2020. Tuy nhiên, thời điểm trường công bố mức học phí mới, Bộ không hề nhận được thông báo.
Ông Thắng nói sẽ có văn bản gửi Bộ GD-ĐT để làm rõ xem các trường được tự chủ chi thường xuyên xây dựng học phí thế nào, có cần khống chế mức trần không?
Cũng theo ông Thắng, khi nắm thông tin, ông gọi điện cho trường ĐH Y Dược TP.HCM hỏi cụ thể và nhận được câu trả lời rằng, trường xây dựng giá học phí mới theo Luật Giáo dục Đại học sửa đổi. Bảng giá này đã được Hội đồng nhà trường thông qua.
"Giờ chúng tôi chưa thể đánh giá mức học phí như vậy có hợp lý không. Vì để xây dựng giá học phí phải căn cứ vào định mức kinh tế kĩ thuật nhưng hiện chưa có bảng đó nên không biết cụ thể họ xây dựng trên cơ sở nào, kết cấu gồm những gì", Vietnamnet dẫn lời ông Thắng.
Học phí của Trường ĐH Y dược TPHCM
Nhận định về mức tăng học phí cao, ông Thắng cho rằng tăng một lúc quá nhiều sẽ khiến rất nhiều học sinh thuộc nhóm đối tượng không đến mức nghèo để được hỗ trợ bị chơi vơi, không có cơ hội học tập.
Ông Thắng nói trên báo Thanh niên: "Trường đại học Y dược TP.HCM là trường được phép tự chủ về chi thường xuyên, vì thế, trường không cần phải báo cáo Bộ Y tế khi xây dựng mức thu học phí.
Tuy nhiên, do có việc dư luận bàn tán về mức học phí này, Bộ Y tế đã yêu cầu trường giải trình, trong đó có căn cứ việc xây dựng mức học phí này, bao gồm bảng định mức kinh tế khi xây dựng giá từng ngành học".
Trước đó, khi trao đổi với PV Lao động, ông Nguyễn Ngọc Khôi (Trưởng phòng Đào tạo Đại học Y Dược TPHCM) nói, mức học phí mới này sẽ chỉ áp dụng cho sinh viên mới vào học năm học 2020-2021. Còn học sinh khoá trước vẫn theo học phí cũ.
"Theo quy định của Luật Giáo dục Đại học, nhà trường thực hiện tự chủ. Bộ Y tế đã ngừng cấp kinh phí theo quy định mới, nên bây giờ nhà trường phải thực hiện, bắt buộc phải tăng học phí.
Ví dụ ngành Răng - Hàm - Mặt (học phí cao nhất 70 triệu đồng/năm), mỗi sinh viên thực hành trên một máy, một số dụng cụ dùng trong thực hành không thể tái sử dụng, rất đắt tiền.
Phần chi phí này, khi tính đúng, tính đủ còn cao hơn học phí nhưng trường cân đối lại để có mức hiện nay. Mức này chỉ lấy thu bù chi, có một phần đầu tư thiết bị, phát triển nhà trường", Trưởng phòng Đào tạo Đại học Y Dược TPHCM nói trên Lao động.
Theo ông Khôi, trước đây khi nhà trường chưa tự chủ, ngoài phần học phí sinh viên đóng thì nhà trường còn được hỗ trợ tài chính từ Bộ Y tế. Đến ngày 1/1/2020, Bộ Y tế không còn hỗ trợ, nhà trường tự chủ đại học nên chúng tôi bắt buộc phải tính toán phương án thu học phí cao hơn để lấy thu bù chi và có tích luỹ để đầu tư.
Trước lo ngại vấn đề học phí tăng cao sẽ "bít cửa" sinh viên nghèo, ông Khôi nói với Lao động, nhà trường còn hỗ trợ cho học sinh nghèo học giỏi. Tổng học phí học sinh nộp vào nhà trường sẽ dành khoản 10% để cấp học bổng lại cho sinh viên. Nếu các em thực sự học giỏi, gia đình khó khăn vẫn có thể học tập tại trường.
(Tổng hợp)