Mỗi quốc gia đều xem việc đầu tư cho giáo dục là một chiến lược phát triển, thế nhưng đầu tư như thế nào và hiệu quả, chất lượng ra sao thì có lẽ mỗi nước đều có những giải pháp riêng.
Trong số những nền giáo dục dẫn đầu thế giới, không thể không nhắc tới Phần Lan. Một nền giáo dục độc đáo và tuyệt vời được ca ngợi như một hình mẫu thành công nhất mà thế giới cần học tập.
Chất lượng giáo dục Phần Lan như thế nào?
Cùng đi tìm câu trả lời cho sự thành công của mô hình giáo dục Phần lan. Ảnh minh họa.
Ở Phần Lan không không đặt ra các tiêu chí để đánh giá xếp hạng giáo viên và học sinh. Không có sự chạy đua thành tích nhưng giáo dục Phần Lan lại được cộng đồng OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế) xếp hạng có nền giáo dục phổ thông tốt nhất.
Học sinh Phần Lan luôn đứng đầu về khoa học và khả năng đọc viết, dẫn đầu trong nhiều cuộc thi quốc tế PISA (một chương trình đánh giá học sinh quốc tế).
Tính riêng trong môn Toán, học sinh Phần Lan dẫn đầu kết quả PISA về môn Toán năm 2003, xếp thứ 2 năm 2006, xếp thứ 3 năm 2009.
Mặc dù vậy tỉ lệ học sinh cảm thấy căng thẳng với bài tập Toán về nhà là vô cùng thấp (7%) so với các nền giáo dục tân tiến khác như 45% (Pháp và Nhật) vào năm 2003.
Chỉ số Giáo dục, được xuất bản với chỉ số phát triển con người của Liên Hợp Quốc vào năm 2008 xếp Phần Lan trong số các nền giáo dục cao nhất trên thế giới, trong nhóm có cả Đan Mạch, Australia và New Zealand.
Học ít, không áp lực nhưng luôn có kết quả không thua kém những nền giáo dục hàng đầu khác chính là điểm đặc biệt trong toàn bộ hệ thống nền giáo dục Phần Lan mà chúng ta sẽ tìm hiểu ở phần sau.
Giáo viên đều được đào tạo chuyên nghiệp và được tuyển chọn khắt khe.
Thậm chí, một nền giáo dục hiện đại như Mỹ cũng cảm thấy tò mò với phương pháp đặc biệt của Phần Lan và làm hẳn một bộ phim về hệ thống giáo dục này (Hiện tượng Phần Lan: Bên trong hệ thống trường học đáng ngạc nhiên nhất trên thế giới).
Do các Giáo sư nghiên cứu và giáo dục trường Harvard của Mỹ cùng nhà làm phim nổi tiếng Robert Compton thực hiện năm 2011.
Vậy nền giáo dục này có gì đặc biệt?
Nền giáo dục phổ thông khoa học giúp các em phát triển toàn diện. Ảnh minh họa.
Thật khó tin khi nền giáo dục top đầu trong các cuộc thi PISA lại chẳng mấy xem trọng các kỳ thi sát hạch, không có cả những chương trình hay trường lớp nào dạy học sinh thi PISA cả.
Có thể nói đây là một nền giáo dục không ganh đua, chạy theo thành tích.
Bộ giáo dục Phần Lan cho rằng thành công của mình là nhờ "hệ thống giáo dục, giảng viên có thẩm quyền cao, và quyền tự chủ cho các trường".
Nếu như cú sốc tài chính những năm 1990 đã làm cho đất nước này gặp vô vàn khó khăn, thế mà sau 40 năm đổi mới giáo dục. Phần Lan mạnh mẽ vươn lên đứng đầu thế giới về chất lượng giáo dục.
Điều này một lần nữa khẳng định vai trò quan trọng của giáo dục, yếu tố thành công hay thất bại phụ thuộc vào chính con người. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển.
Xuất phát từ chính những cải cách mang tính đột phá mà chưa nước nào trước đó dám thực hiện, Phần Lan đã có được những kết quả mà chưa nước nào có được trước đó,
Luật pháp Phần Lan thậm chí có những quy định "chẳng giống ai" như không được xếp hạng (trường, giáo viên, học sinh...) hoặc cho điểm để đánh giá các học sinh trước lớp 6.
Tư tưởng bình đẳng giáo dục được Nhà nước Phần Lan nêu ra trong một đạo luật ban hành năm 1860. Từ năm 1915, giáo dục được thừa nhận là một quyền công dân.
Không có các trường chuyên lớp chọn, học thêm, không có điểm danh, học sinh được giáo dục nhận thức của tầm quan trọng của việc học với tương lai nên học tập trở thành ý thức mỗi con người nơi đây.
Giáo dục ở Phần Lan là một hệ thống giáo dục không thu học phí và trợ cấp bữa ăn đầy đủ phục vụ cho học sinh, sinh viên toàn thời gian.
Giáo viên tại Phần Lan...
Xã hội và gia đình quan tâm tới giáo dục, phụ huynh tin tưởng vào thầy cô giáo cũng như nhà trường, thầy cô giáo có những quyền lợi nhằm phát huy hiệu quả giáo dục như tự chọn và soạn giáo án của riêng mình, có những phương pháp riêng của mình.
Ở Phần Lan, giáo viên là một nghề nghiệp vô cùng được kính trọng, được hưởng mức lương cao, đổi lại quá trình chọn lọc giáo viên cũng vô cùng khắt khe.
Giáo viên đều là những người tâm huyết với nghề, thương yêu học sinh vì được sống trong một môi trường tự chủ, không áp lực.
Giáo viên từ bậc tiểu học tối thiểu phải có bằng thạc sỹ, và chưa tới 10 % người đăng ký được chọn. Chính việc chú trọng chất lượng giáo viên và đánh giá đúng tầm quan trọng của người thầy giáo đã giúp cho chất lượng học sinh luôn đứng top đầu thế giới.
Chính đầu vào khắt khe của giáo viên nên không cần kiểm tra hay phân loại giáo viên sau này, Giúp tiết kiệm thời gian, công sức tiền bạc và tránh những tiêu cực không đáng có.
Việc giảng dạy gần như toàn quyền của giáo viên quyết định, kể cả hiệu trưởng cũng không có quyền can thiệp. Giáo viên gắn bó học sinh trong thời gian rất dài nên có được sự gắn kết và hiểu nhau.
Trong một lớp học, giáo viên sẽ giúp các học sinh trở thành một tập thể có tính cộng đồng cao, giúp đỡ, hỗ trợ nhau trong học tập. Giáo viên sẽ quan tâm, tập trung cho học sinh yếu chứ không phải học sinh giỏi.
Học sinh giỏi lại giúp đỡ học sinh yếu hơn, điều này đã giáo dục nên những cộng đồng có ý thức giúp đỡ người khác và góp phần nâng cao văn hóa đạo đức của cả đất nước.
Học sinh Phần Lan...
Bài tập về nhà ít cũng như không có áp lực thi cử giúp các em thích tới trường. Ảnh minh họa.
Học sinh bắt đầu học tiểu học từ 7 tuổi, đến trung học mỗi tối học sinh cũng chỉ mất chưa tới 30 phút để làm bài tập về nhà. Học sinh phổ thông cũng không có thi cử (ngoại trừ duy nhất kỳ thi Đại học).
Chính việc giáo dục ý thức học để nắm kiến thức chứ không phải học để thi (như đa số các nền giáo dục khác), để hơn thua,... nên học sinh được thoải mái khám phá theo sở thích và sở trường, không lo áp lực thi cử.
Mọi người đều là thiên tài...
Nếu bạn đánh giá con cá bằng khả năng leo cây của nó, suốt đời nó sẽ tin rằng mình là kẻ ngốc nghếch" - Albert Einstein.
Đây chính là quan điểm giáo dục dựa vào thế mạnh của học sinh. Học sinh có quyền học từ nhiều nguồn chứ không chỉ trên lớp, tự mình khám phá thế giới. Có rất nhiều tiết học ngoại khóa ngoài trời, không khí học luôn vui vẻ, không áp lực như một chuyến dã ngoại vậy!
Vậy thì cần gì điểm danh nếu học sinh cảm thấy thích thú khi đến trường đúng không nào?
Ngoài ra học sinh có thể ngồi học theo tư thế thoải mái nhất đối với mình, không gò bó, tự do đặt câu hỏi và thảo luận. Những vấn đề hóc búa được giải quyết nhẹ nhàng thông qua trò chơi thú vị, sinh động.
Khi cả giáo viên và học sinh có tâm thế thoải mái, việc học trở nên rất nhẹ nhàng và thú vị, hiệu quả tất nhiên sẽ cao hơn cách nhồi nhé, áp lực.
Luật pháp cũng tạo nên một môi trường giáo dục công bằng cho tất cả mọi người khi mà học sinh thành thị hay nông thôn đều được hưởng nền giáo dục như nhau.
Nhà trường tại Phần Lan...
Môi trường học thân thiện tại Phần Lan. Ảnh minh họa.
Phương châm giáo duc của Phần Lan là muốn nhà trường thành thiên đường của trẻ em, thời gian biểu học ở trường rất ít, chủ yếu là dành thời gian cho việc tự học, tự nghiên cứu và vui chơi.
Việc học dù không áp lực nhưng các em vẫn có chế độ nghỉ ngơi hợp lý, mỗi ngày, các học sinh đều có 4 lần nghỉ giữa giờ, mỗi lần 15 phút, để dành cho các hoạt động ngoài trời và bất kể điều kiện thời tiết.
Các nhà giáo dục và các bậc phụ huynh tin rằng chính những giờ nghỉ này đã góp phần giúp các em phát triển về sự tập trung, nhận thức, hành vi, sức khỏe và tất nhiên là cả về mặt điểm số.
Ngoài ra kiến thức mà các em được học đều gắn liền với cuộc sống và có thể áp dụng ngay, không xa rời. Giúp cho hiệu quả tối ưu so với việc học nhồi nhét, "học nhưng không bao giờ dùng" của rất nhiều nền giáo dục.
“Chúng tôi dạy trẻ học cách HỌC, chứ KHÔNG dạy trẻ học cách để THI” GS Pasi Sahlberg, công tác tại bộ giáo dục và văn hóa Phần Lan phát biểu.
Mỗi quốc gia đều có đặc thù kinh tế, xã hội, pháp luật, chính trị,... riêng, do đó việc áp dụng các phương pháp trong giáo dục cũng không được dập khuôn.
Thế nhưng chúng ta có thể rút ra những mô hình, phương pháp hiệu quả từ chính những nền giáo dục phát triển như Phần Lan.
Tham khảo nhiều nguồn