Từ các chương trình đào tạo nghề, chuyển giao kỹ thuật nhiều trang trại, gia trại quy mô lớn theo hướng sản xuất hàng hóa do nông dân làm chủ đã được hình thành, phát triển, cho thu nhập ổn định.
Gia đình anh Lò Văn Quý ở bản Hồng Lếch Cang, xã Thanh Chăn (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) trước đây muốn đầu tư phát triển sản xuất, nhưng không có vốn nên cuộc sống khá bấp bênh.
Từ khi được Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ cho gia đình vay một phần vốn từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân, anh Quý đã đầu tư đào hơn 3.000 m2 ao để thả cá, kết hợp với nuôi gà và trồng bưởi, mỗi năm cho thu nhập hơn 200 triệu đồng.
"Bên Hội nông dân cũng tạo điều kiện cho vay vốn để phát triển kinh tế. Nhờ vậy gia đình phát triển được các cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế gia đình" - anh Lò Văn Quý nói.
Còn đối với gia đình ông Đinh Bá Chuẩn, ở tổ dân phố 2, phường Noong Bua (thành phố Điện Biên Phủ), sau nhiều lần được Hội nông dân các cấp tạo điều kiện đi tham quan, học hỏi những mô hình phát triển kinh tế ở các tỉnh lân cận, gia đình đã nhân rộng diện tích bưởi lên tới cả hecta, cho thu nhập hơn 100 triệu đồng mỗi năm.
"Hội Nông dân tỉnh cũng đã tổ chức cho một số hội viên trong tỉnh đi tham quan, học hỏi một số mô hình làm ăn tiêu biểu tại một số tỉnh phía Bắc, gia đình tôi cũng đi và được tham quan, học hỏi đúc rút ra được nhiều kinh nghiệm để làm ăn tốt hơn" - ông Đinh Bá Chuẩn chia sẻ.
Cùng với hỗ trợ vốn vay và hướng dẫn kỹ thuật, thời gian qua, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh cũng đã đẩy mạnh công tác dạy nghề cho hội viên.
Anh Quàng Văn Hùng, ở bản Pe Nọi, xã Thanh Luông (huyện Điện Biên) cho biết, sau gần 1 tháng tập huấn, dưới sự hướng dẫn tận tình của các giảng viên, anh cùng các học viên khác đã nắm bắt được kỹ thuật trồng, bảo quản nấm rơm và đã thực hành làm ra sản phẩm nấm cho riêng mình. Từ đó phát triển nghề trồng nấm, nâng cao thu nhập cho gia đình.
"Được sự quan tâm của Hội Nông dân tỉnh, trung tâm dạy nghề và hỗ trợ nông dân đã mở lớp tập huấn về kỹ thuật trồng nấm, bảo quản nấm. Trong quá trình học, bản thân tôi cũng như các học viên khác đã được giảng viên lên lớp hướng dẫn từ khâu chọn rơm đến khi đóng bịch. Đến bây giờ tôi đã biết làm nấm và đã cho thu hoạch" - anh Quàng Văn Hùng nói.
Bà Cao Thị Tuyết Lan, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Điện Biên cho biết: để tiếp sức cho hội viên nông dân mở rộng diện tích, tăng thu nhập, Hội Nông dân các cấp trong tỉnh luôn đặc biệt quan tâm tới việc giúp hội viên được tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi.
"Ngoài việc hỗ trợ về chuyển giao khoa học kỹ thuật, về học nghề, các cấp hội nông dân trong tỉnh còn trực tiếp hỗ trợ về vốn cho hội viên nông dân thông qua các nguồn ủy thác. Đến nay, các tổ chức đã hỗ trợ được hơn 1.000 tỷ đồng cho hơn 30.000 lượt hội viên nông dân được vay vốn để mở rộng quy mô, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi có giá trị kinh tế cao hơn" - bà Cao Thị Tuyết Lan cho biết.
Ngoài quan tâm hỗ trợ vốn, kỹ thuật cho bà con, các cấp hội nông dân tỉnh Điện Biên chú trọng triển khai phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững". Thông qua các phong trào này, nhiều hội viên đã nỗ lực vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng, góp phần tạo chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo của các địa phương.