Nếu có theo dõi bà Barbara Corcoran trên mạng xã hội, bạn có thể dễ dàng nhận ra một thông điệp luôn được bà lặp đi lặp lại: Để kiếm được nhiều tiền hơn, bạn cần được tăng lương. Và để được tăng lương, bạn cần phải học cách yêu cầu.
Barbara Corcoran không còn là một cái tên quá lạ lẫm cho những ai quan tâm đến lĩnh vực tài chính và bất động sản. Bà được mệnh danh là nữ hoàng của ngành bất động sản Mỹ và là vị giám khảo, nhà đầu tư của chương trình Shark Tank nổi tiếng. Với địa vị của mình, Barbara Corcoran đã thuê và đàm phán với hàng nghìn nhân viên trong suốt sự nghiệp của mình, chính vì điều này, lời khuyên về vấn đề tăng lương của bà đưa ra rất đáng để tham khảo nếu bạn đang gặp vấn đề tương tự trong công việc của mình. Ai cũng muốn được tăng lương, như chính xác bạn cần phải yêu cầu tăng lương như thế nào? Corcoran đã chia sẻ quy trình ba bước của mình để được tăng lương như sau.
1. Chuẩn bị mọi lập luận trong đầu để đối đáp với những phản hồi của sếp
Trước khi yêu cầu tăng lương, bạn cần phải đảm bảo rằng mình thực sự xứng đáng được nhận mức lương đó. Và Corcoran cũng chỉ ra rằng “Ai là người xứng đáng được tăng lương? Đó là người gánh vác nhiều trách nhiệm hơn”. Do đó, hãy cho sếp thấy được những việc bạn đã làm và cả những việc bạn đã, đang và sẽ phải đảm nhận.
Thời điểm tốt nhất để yêu cầu tăng lương là khi bạn có thể cho cấp trên thấy rằng mình đã có những bước tiến nhất định trong công việc đang đảm nhiệm. Các chuyên gia nghề nghiệp cho biết rằng, bằng chứng cho thấy bạn đã có sự trưởng thành ở vị trí công việc hiện tại có thể được thể hiện thông qua nhiều hình thức khác nhau. Có thể là bạn đã đạt được một bằng cấp, chứng chỉ, kỹ năng mới liên quan tới công việc, bạn tạo ra được nhiều doanh thu hơn so với đồng nghiệp hay cũng có thể là bạn nhận thấy được khoảng cách lương của mình so với tiêu chuẩn ngành. Đó cũng là một trong những trường hợp bạn nên đề xuất tăng lương.
Bạn cũng nên thường xuyên liên lạc với cấp trên của mình để hiểu được những mục tiêu mà họ mong đợi bạn hoàn thành trước khi tăng lương cho bạn. Do đó, khi có trao đổi về vấn đề tăng lương, tốt nhất bạn nên cố gắng trao đổi thông qua văn bản. Hãy nói chuyện với cấp trên sau đó tổng hợp lại cuộc trò chuyện thông qua một email chính thức để ghi nhận nội dung cuộc trò chuyện đó.
Các bước này có thể giúp bạn xác định thời điểm tốt nhất để đề xuất tăng lương, đó là khi bạn hoàn thành các mục tiêu sếp đã để ra. Tuy nhiên, trước khi sắp xếp cuộc trò chuyện với sếp để đưa ra yêu cầu của mình thì hãy kiểm tra yếu tố thời gian. Hãy tìm hiểu khi nào ngân sách công ty được hoàn tất hay thời điểm xét tăng lương của công ty là vào thời gian nào. Ví dụ như năm tài chính mới của công ty bắt đầu từ ngày 1 tháng 7 mà bạn lại yêu cầu tăng lương vào ngày 1 tháng 6 thì có lẽ đã quá muộn và có thể đề xuất sẽ bị trì hoãn hoặc không được chấp thuận.
2. Xác định số tiền lương mình mong muốn
Corcoran nói rằng, khi đề xuất tăng lương, hãy xác định một con số vững chắc trong tâm trí bạn. Vì chắc chắn rằng khi bạn đề xuất, sếp sẽ hỏi con số mà bạn muốn là bao nhiêu. Thực tế cho thấy rằng mọi ông chủ đều sẽ trả cho bạn số tiền ít hơn mức bạn yêu cầu. Do đó, nếu bạn không xác định được số tiền lương mong muốn thì bạn sẽ dễ bị ép lương đến con số thấp nhất có thể.
Và để đưa ra một con số thích hợp, các chuyên gia khuyên bạn nên thực hiện nghiên cứu thị trường về các vị trí tương tự tại các công ty khác thông qua một số trang web tuyển dụng, hoặc thông qua các đồng nghiệp cũ làm việc trong cùng lĩnh vực với bạn.
Đừng quá lo lắng về cuộc đàm phán lương với sếp, hãy tự tin vào khả năng của bản thân. Nếu bạn cảm thấy bản thân mình xứng đáng thì không cần phải ngại ngần dè chừng con số ở mức thấp. Bạn cũng không nhất thiết phải đặt ra một con số chính xác về mức lương mình mong muốn. Thay vào đó có thể đề xuất thành mức phần trăm tăng lên thay vì từ số tiền X sang số tiền Y.
3. Hãy chuẩn bị cho những gì phải làm nếu như câu trả lời là “không”
Corcoran cho biết, bất kỳ ai yêu cầu tăng lương đều phải có kế hoạch đề phòng trong trường hợp sếp từ chối. Đôi khi bạn sẽ bị sếp phũ phàng bằng một câu “không đồng ý” nhưng cũng đừng quá vội bi quan. Bạn có thể kết thúc cuộc đàm phán của mình bằng cách hỏi “Liệu tôi có thể đề xuất trở lại sau vài tháng không?” hay là “Tôi phải làm gì nữa để xứng đáng được tăng lương?”.
Trong những trường hợp này, điều quan trọng nhất là phải hòa nhã và không tỏ ra cáu gắt, dễ gây gổ. Bạn có thể bình tĩnh hỏi lại sếp về lý do từ chối để có thể tìm ra hướng đi mới cho bản thân. Nhưng tốt hơn hết, bạn nên hỏi rõ về mốc thời gian và thời điểm cụ thể có thể được tăng lương sau khi bị từ chối. Hãy xem lần thất bại này là cơ hội để hiểu được những gì sếp mong muốn hơn ở bạn. Đôi khi tăng lương là việc bất khả thi ở thời điểm hiện tại nhưng sếp có thể sẽ cân nhắc một số đặc quyền tốt hơn cho bạn như việc trợ cấp thêm ngoài giờ, tiền ăn trưa hoặc trợ cấp tiền học thêm kỹ năng mới cho công việc…
Tăng lương là điều ai cũng mong muốn nhưng để được nhận mức lương đó, bạn nên chuẩn bị cho mình thật tốt trước cuộc đàm phán và đừng quên chuẩn bị cả một kịch bản “giải vây” trong trường hợp bị sếp từ chối. Hãy nhớ rằng, đôi khi thất bại lại mở ra cho chúng ta những cánh cửa mới tốt đẹp hơn nếu bạn chịu hiểu và chấp nhận nó.