Cách đây hơn một tuần, vào nửa đêm, một đứa em quen biết gửi tin nhắn cho tôi (cả hai chúng tôi đều đang học ở Anh): "Chị, chị đọc bài ‘Harvard 4.30 sáng’ chưa? Em ước gì nó biến khỏi Internet".
Là người đồng hành cùng cậu ấy để đi qua chuỗi ngày khổ sở vì chứng trầm cảm do áp lực học, hơn ai hết, tôi hiểu vì sao nó ước bài viết kia chưa từng xuất hiện. Tôi cũng ước như nó vì chứng kiến cảnh hào hứng chia sẻ và tán tụng của người Việt Nam với bài viết ‘Harvard 4.30 sáng’ (một bài viết sai sự thật), tôi nhận ra đằng sau đó là cả một quan niệm sai lầm và ám ảnh về sự học.
Số đông người Việt vẫn coi việc học cật lực, ‘bán cả sinh mạng’ theo nghĩa đen như kiểu ‘Harvard 4.30 sáng’ là con đường duy nhất để thành công! Không ai nghĩ rằng việc học với áp lực kinh khủng như vậy khiến những đứa trẻ Việt Nam phải trả giá đắt đến thế nào!
Cậu sinh viên kể trên từng là đứa học rất chăm chỉ, nỗ lực hết sức để đạt kết quả thật cao và nhận được sự công nhận giỏi giang của mọi người.
Cậu từng ‘cày như điên’ để thi đậu vào trường chuyên cấp 3 với mong muốn được trường cấp 2 mời trở về và khen thưởng.
Công thức ‘Học+ Học+ Học+…= Thành công’ ám ảnh cậu suốt thời niên thiếu cho đến khi sang Anh học và có vẻ hiệu quả trong hai năm đầu gồm học dự bị và năm nhất. Lúc đó, cậu đạt kết quả xuất sắc. Cậu chúi đầu vào bài vở cả ngày lẫn đêm, kết bạn giới hạn, không vui chơi, giải trí.
Năm hai, khi việc học khó khăn hơn cùng với áp lực phải tìm cơ hội đi thực tập, xin việc, cậu căng thẳng và hoảng hốt.
Nghĩ đến việc cha mẹ đã bỏ ra một số tiền không nhỏ để cậu sang đây học, cậu càng không cho phép mình được nghỉ ngơi. Cậu vẫn lên thư viện mỗi ngày, ở lại tới nửa đêm nhưng tất cả các bài tập, bài thi đều dở dang.
Làm sao có thể tập trung và hoàn thành tốt bài vở khi cậu luôn ở trạng thái căng thẳng. Điều quan trọng hơn, cậu không có bất cứ cách thức nào để giải toả căng thẳng đó.
Cậu không biết! Cậu cũng không có ý nghĩ là cần chia sẻ khó khăn của mình với người khác.Mọi chuyện trở nên tồi tệ khi cậu nhận kết quả cuối năm là tất cả các môn đều rớt.
Cậu không ngừng trách bản thân, thấy mình ‘không đáng sống’,có lỗi với cha mẹ.
Cậu gần như không thể ngủ được, rơi vào trạng thái trầm cảm, ý định tự tử để trốn tránh thực tại dần xâm lấn ý nghĩ của cậu.
Và chúng tôi đã thật vất vả để giữ được cậu và đưa cậu trở về cuộc sống bình thường.
Không học ở Harvard nhưng kiểu học của cậu sinh viên tôi quen giống như điều bài báo vớ vẩn đó đã sùng bái! Đáng tiếc là kiểu đó không mang lại thành công hay hạnh phúc mà suýt cướp đi mạng sống của cậu!
Và tôi biết, cậu không phải là trường hợp duy nhất! Buổi sáng hôm đọc bài viết ở Harvard, trên Facebook của tôi, một người bạn chia sẻ thông tin đau buồn: Một cậu bé lớp 8 nhảy lầu tự tử trong trường học vì áp lực từ sự kỳ vọng của cha mẹ.
Tôi tin chắc rằng cha mẹ của cậu chỉ mong muốn cậu học giỏi với hy vọng tương lai của cậu sẽ rực rỡ. Họ không mong con mình kết thúc cuộc đời ở cái tuổi quá trẻ như vậy.
Tuy nhiên, việc cả xã hội này (không riêng gì cha mẹ) nhồi nhét vào đầu đứa trẻ ý nghĩ : ‘Học, học, học thật nhiều, thành tích thật cao trong nhà trường thì sau này mới có việc làm tốt, chức vụ cao, kiếm được nhiều tiền’ đã đẩy nhiều đứa trẻ vảo chỗ chết! Những cái chết theo đúng nghĩa đen của nó vì rất nhiều đứa trẻ không chịu nổi áp lực của sự học.
Khi chúng liên tục gặp thất bại trong việc học (theo định nghĩa phổ biến của xã hội), chúng tin chúng là ‘đồ bỏ đi’ và chọn cái chết như một điều ‘đáng phải thế’.
Không chỉ có những cái chết nghĩa đen, việc vùi đầu vào học kiểu ‘quên ăn, quên ngủ, quên chơi’ còn có thể khiến người học ‘chết’ về mặt tinh thần.
Đọc đi đọc lại đoạn mô tả không khí học tập ở Harvard lúc 4.30 sáng, tôi chỉ thấy sợ hãi thay vì ngưỡng mộ.
Nếu đó là sự thật thì sinh viên ở đó không khác gì những cái xác sống (zombie) và cả ngôi trường như vùng đất chết. Họ giao tiếp duy nhất với sách vở - là vật vô tri chứ không phải con người.
Họ trò chuyện với ý nghĩ của bản thân chứ không phải người khác.
Những sinh viên kiểu đó nếu sống sót qua các kì thi, có được tấm bằng danh giá rồi thì còn có gì nữa?
Phải chăng là cuộc đời vô vị, tẻ nhạt khi suốt những năm tháng tuổi trẻ được đóng khung trong giảng đường, nhà ăn, thư viện và khi đi làm thế giới của họ sẽ được chuyển sang văn phòng? Không đợi đến khi vào đại học, nhiều đứa trẻ Việt Nam ‘chết dần’ theo cách đó từ thời phổ thông.
Lịch trình của trẻ được sắp đặt mỗi ngày là: Nhà- trường- lớp học thêm-nhà! Các em quay cuồng giữa đống bài vở, căng thẳng với các kì thi và bài kiểm tra, mệt mỏi rã rời trong những giờ học.
Tôi không nhìn thấy trẻ có bất cứ niềm vui nào kể cả với việc học. Chúng cũng không có cơ hội được nhận biết sở thích, đam mê riêng của bản thân, không biết cách giao tiếp với người khác, không thấy trách nhiệm của bản thân với cộng đồng…
Đời sống tinh thần của trẻ chứa đựng nhiều những xúc cảm tiêu cực hơn là tích cực.
Việc học vốn dĩ có ý nghĩa tốt đẹp, giúp con người phát triển bản thân và từ đó mang lại những lợi ích cho xã hội.
Tuy nhiên, kết quả đó chỉ có thể đạt được khi đứa trẻ được học cả kiến thức khoa học lẫn kiến thức đời sống, rèn luyện cả kỹ năng học thuật lẫn xã hội.
Quan trọng nhất, trẻ phải vui vẻ, hứng thú với việc học, được lựa chọn và hỗ trợ theo đuổi những lĩnh vực học phù hợp với năng lực và sở thích.
Việc học tập là để có cuộc sống tốt hơn mà không phải là đẩy bản thân đến gần với ‘cái chết’ theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.