Giao tiếp nơi công sở vẫn luôn là đề tài thu hút được sự tranh luận rôm rả từ phía chị em và đây cũng là kỹ năng được nhiều người đầu tư, trau dồi đều đặn mỗi ngày. Giao tiếp hiệu quả với đồng nghiệp vốn đã khó, lựa lời để làm vừa lòng sếp còn khó hơn.
Đó là lý do không ít người chọn cách đồng thuận với tất cả những quan điểm cũng như ý kiến mà sếp đưa ra, không một lời phản kháng để tránh bị mang tiếng cãi sếp.
Tuy nhiên, việc cúc cung tận tụy nghe theo lời sếp mà không phản biện suy cho cùng vẫn chưa phải là một người làm công ăn lương "xịn". Một nhân viên xuất sắc và chân thành là người khách quan, biết đâu là đúng và đâu là sai để kịp thời góp ý cũng như trao đổi với cấp trên.
Vậy đâu là phương thức khéo léo cũng như tinh tế để có thể can gián nhưng vẫn làm sếp cảm thấy thoải mái? Câu chuyện của cổ nhân bên dưới đây chắc hẳn sẽ mang đến cho chị em những kinh nghiệm bổ ích trong việc “phê bình” lãnh đạo:
Thời Sở Trang Vương, vua có một con ngựa, yêu quý nó lắm, cho ngựa mặc đồ gấm vóc, ở nhà cao ráo, ăn táo khô. Con ngựa béo quá sinh bệnh mà chết; vua bắt quần thần để tang. Sở Vương còn muốn chôn cất nó trong quan ngoài quách với nghi lễ chôn cất một quan đại phu.
Các quan tả hữu đều bất bình, phản đối. Vua bèn hạ lệnh: “Ai mà dám can gián về chuyện con ngựa thì sẽ bị tội chết”.
Thuở ấy, có Ưu Mạnh, vốn là một kép hát người Sở xưa. Ưu Mạnh vào cửa điện, ngửa mặt lên trời khóc lớn. Vua kinh ngạc hỏi tại sao, Ưu Mạnh tâu: “Con ngựa ấy là con ngựa Bệ hạ yêu quý. Đường đường một nước lớn như nước Sở thì còn thiếu thứ gì mà lại đi chôn cất nó với nghi lễ chôn cất một quan đại phu, như vậy bạc đãi nó quá. Xin chôn cất nó với nghi lễ chôn cất một đấng nhân quân”.
Vua hỏi: “Như thế nào?”.
Ưu Mạnh đáp: “Thần xin đề nghị dùng ngọc chạm làm nội quan; dùng gỗ thi mịn làm ngoại quách; dùng gỗ hoàng tiện, gỗ phong, gỗ dự chương mà chèn khi hạ huyệt; sai quân mặc áo giáp đi đào huyệt; để người già yếu đắp mồ; bắt sứ giả nước Tề, nước Triệu đứng bồi tế đằng trước; sứ giả nước Hàn, nước Ngụy hộ vệ đằng sau; dựng nhà thái miếu thờ; làm cỗ thái lao cúng và cho hưởng thực ấp vạn nóc nhà.
Chư hầu nghe tiếng sẽ đều biết là Đại vương khinh người mà quý ngựa vậy”.
Vua thất kinh, thốt lên rằng: “Ta lầm lỗi đến thế kia ư! Bây giờ làm sao?”.
Ưu Mạnh tâu: “Xin Đại vương chôn nó như chôn một con gia súc, vun đất thành lo thay quách, dùng vạc làm quan, lấy hương táo, hương mộc lan trừ mùi tanh tưởi, tế bằng gạo nếp, mặc cho nó cái áo lửa, rồi chôn nó vào dạ dày người ta”.
Vua bèn giao việc “tống táng” ấy cho viên thái quan, từ đó ỉm đi chuyện muốn làm ma cho ngựa, không muốn để thiên hạ nói đến mãi. Nói đi cũng phải nói lại, làm bề trên mà lại không muốn nghe lời trung trực, chỉ thích nghe lời lọt tai, họa mất nước đã gần kề vậy.
Y Doãn từng khuyên răn vua Thái Giáp nhà Thương: “Có lời nói trái với lòng ta, phải tìm xem chỗ hợp đạo. Có lời nói vừa lòng ta, phải tìm xem chỗ trái đạo. Than ôi! Không nghĩ sao được? Không làm sao nên? Một người đầu hay, muôn nước đều yên”.
Ông bà ta vẫn thường hay nói “lời ngọt lọt đến xương” hoặc “lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Cùng một thông điệp, tuy nhiên, lời lẽ và phương thức truyền đạt khác nhau sẽ mang đến những kết quả chẳng giống nhau.
Vuốt mặt cũng cần nể mũi, chẳng ai muốn bị chỉ trích hoặc phủ định một cách gián tiếp cả nên việc gì chị em phải một hai phản biện hoặc phủ định ý kiến của sếp.
Hãy dùng những dẫn chứng và lý luận cụ thể để sếp tự hiểu ra điểm bất hợp lý trong cung cách suy nghĩ cũng như hành động của bản thân mình rồi tự điều chỉnh. Về sau, sếp sẽ nhớ mãi và tâm đắc với cách hành động nhẹ nhàng mà vẫn vô cùng tinh tế của chị em.