Công tử Nigeria sang Việt Nam lập nghiệp
Cuộc hành trình của chân sút xuất sắc nhất lịch sử V-League bắt đầu theo cách rất cổ điển. Một cậu bé mê bóng đá, chơi bóng cùng bè bạn trên sân trường hay những con phố và quyết định trở thành cầu thủ chuyên nghiệp.
“Tôi biết đá bóng từ năm 10 tuổi và thường chơi bóng với bạn bè ở trường cũng như khi về nhà. Chúng tôi rất mê bóng đá. Thế rồi tôi nảy ra suy nghĩ rằng trở thành cầu thủ chuyên nghiệp có vẻ là một ý tưởng hay”, Samson mở đầu câu chuyện.
“Tôi nghĩ là mình có thể đá bóng giỏi và cần được chơi bóng nhiều hơn, đá cho các đội ở khắp thế giới. Đó là cách tôi đến với bóng đá”.
Nói về những ngoại binh gốc châu Phi ở Việt Nam, không ít người sẽ nghĩ tới những cầu thủ sống trong cảnh nghèo khó bằng cách nào đó tìm được đường tới Đông Nam Á với giấc mộng đổi đời. Nhưng câu chuyện của Samson không diễn ra như vậy.
Hoàng Vũ Samson vừa giành chức vô địch V-League lần thứ ba.
Nếu không đá bóng, tiền đạo sinh năm 1988 cũng không phải lo chuyện cơm ăn áo mặc. “Nhà có điều kiện” là một trong những chi tiết hiếm hoi mà Samson tiết lộ về gia đình mình. Anh mô tả về cuộc sống ở Nigeria trước khi sang Việt Nam chơi bóng một cách ngắn gọn bằng hai từ “đơn giản” và “êm đềm”.
“Bố tôi là kỹ sư điện tử làm việc ở đài truyền hình quốc gia Nigeria NTA. Mẹ tôi là giảng viên đại học dạy môn công nghệ ở Kaduna”, anh chia sẻ. “Ban đầu mẹ tôi không muốn tôi chơi bóng. Bà là một giảng viên đại học. Bà không muốn nhưng bố tôi luôn ủng hộ tôi chơi bóng từ lúc còn đi học”.
Bây giờ Samson càng dư dả tiền bạc khi anh đang chơi cho đội bóng nhà giàu bậc nhất V-League là CLB Hà Nội. Anh đi chiếc Mercedes C250 giá khoảng 1,7 tỷ đồng và sống trong một căn hộ ở khu The Manor Mỹ Đình. Cách đây 7 năm, khi Times City hay Royal City còn chưa xuất hiện trên bản đồ thì đây chính là khu đô thị “xịn” nhất Thủ đô với biệt danh mỹ miều là “Paris giữa lòng Hà Nội”.
Trở thành cầu thủ chuyên nghiệp ở Nigeria thật ra cũng không phải một lựa chọn tồi, nhất là khi gia đình Samson đủ điều kiện cho anh ăn tập tử tế ở một câu lạc bộ địa phương.
Bóng đá Nigeria đang trong cơn khủng hoảng, buộc phải hoãn vô thời hạn giải vô địch quốc gia nhưng trước đây thì không như vậy. Năm 2012, giải VĐQG nước này từng được IFFHS xếp hạng 24 thế giới và đứng đầu châu Phi. Đội U17 Nigeria vô địch World Cup năm 2007 gồm toàn các cầu thủ thi đấu trong nước, trong đó có cả đồng đội hiện tại của Samson là Ganiyu Oseni.
“Chúng tôi có một giải chuyên nghiệp, chuyên nghiệp hơn ở Việt Nam ấy. Điểm khác biệt lớn nhất là chuyện tiền bạc. Về mặt này ở Việt Nam tốt hơn. Các CLB có thể chi trả nhiều hơn từ 15-35% so với ở Nigeria”, Samson nói. Tiền nong tất nhiên cũng là một yếu tố, nhưng không phải lý do duy nhất để Samson quyết định bắt đầu chuyến phiêu lưu ra nước ngoài lập nghiệp.
Chân sút xuất sắc nhất lịch sử V-League
Samson đến Việt Nam vào năm 2007, khoác áo Than Quảng Ninh ở giải Hạng Nhất trước khi gây dựng tên tuổi ở Đồng Tháp và đạt đỉnh cao danh vọng cùng CLB Hà Nội.
Người “làm mối” cho Samson với bóng đá Việt Nam là một nhân vật có tiếng tăm, người được biết đến với tư cách là nhà môi giới, ông bầu, giám đốc điều hành và có lúc là cả huấn luyện viên: ông Trần Tiến Đại. Truyền thông và dư luận Việt Nam có vẻ không có thiện cảm về “cò” Đại, nhưng với Samson thì đây là người có ảnh hưởng lớn nhất tới sự nghiệp của anh.
“Đó là một người đàn ông mà tôi cho là tốt nhất mà mình từng gặp. Ông ấy tìm đến Nigeria săn cầu thủ và phát hiện ra tôi, đưa tôi đến Việt Nam”, Samson nói.
“Tôi biết nhiều người không thích ông Đại. Nhưng bạn không thể đánh giá một cuốn sách qua trang bìa của nó. Ông Đại đối với tôi rất tốt. Nhưng ở đâu cũng vậy thôi, có người quý bạn thì cũng có người lại không ưa bạn. Quan trọng là người đó làm được gì cho bạn. Tôi biết ông Đại cũng gặp vấn đề về tiền nong khi làm việc với các cầu thủ châu Phi, cầu thủ Brazil, nhưng với tôi thì mọi thứ rất suôn sẻ”.
Việt Nam không có sức hút đặc biệt nào với Samson khi anh quyết định theo chân “cò” Đại rời quê hương Nigeria. Trong quan điểm của anh thì đá bóng ở đâu cũng như nhau cả, dù có ở châu Âu hay châu Á, vì một cầu thủ giỏi có thể chơi bóng ở bất cứ đâu.
Nhắc lại câu nói của Samson được trích dẫn ở phần đầu bài viết: “Tôi nghĩ là mình có thể đá bóng giỏi và cần được chơi bóng nhiều hơn, đá cho các đội ở khắp thế giới”. Samson, ở tuổi 19, tin rằng anh là một cầu thủ giỏi và muốn chứng minh điều đó bằng cách bắt đầu chuyến phiêu lưu ra nước ngoài lập nghiệp.
Cách mà Samson mở đầu câu chuyện cũng gợi ra một chút về cá tính của cầu thủ này. Hay như khi kể về việc được một đội bóng lớn ở châu Âu liên hệ, anh nói:“Tôi không bất ngờ khi được họ để mắt tới vì tôi biết mình là một cầu thủ giỏi. Chỉ có những cầu thủ giỏi mới được như vậy. Đó không phải là điều bất ngờ đối với tôi, tôi nghĩ đó là một phần tất yếu trong sự nghiệp của mình”.
Có vẻ như Samson không ngại đề cao khả năng của bản thân. Về điểm này, người ta có thể nói anh tự tin hoặc kiêu ngạo. Riêng với bóng đá Việt Nam, rõ ràng Samson không ảo tưởng khi nói anh là cầu thủ xuất sắc nhất. Lịch sử V-League ghi nhận tiền đạo gốc Nigeria này là chân sút số một với 155 bàn thắng, 2 lần giành danh hiệu vua phá lưới và 3 lần lên ngôi vô địch. Nói Samson là một tượng đài của giải đấu cũng không có gì sai.
Tất nhiên không có chuyện chỉ cần nghĩ mình giỏi là có thể trở thành một kỷ lục gia V-League và duy trì phong độ ổn định gần một thập kỷ.
“Nếu bạn đến từ nơi khác và nghĩ rằng thể dễ dàng gây dựng tên tuổi ở đây thì hoàn toàn sai lầm. Đó là chuyện không tưởng. Bạn phải nỗ lực, phải mạnh mẽ và khôn ngoan”, Samson nói.
"Có nhiều cầu thủ ngoại quốc chỉ đạt phong độ cao một hai mùa rồi sa sút. Có thể là vì hoài bão của họ không đủ lớn. Tôi nghĩ mình chỉ nên ngừng phấn đấu khi giải nghệ và không còn nghĩ đến bóng đá nữa”.
Sự hòa nhập là yếu tố quan trọng nhất quyết định xem một cầu thủ ngoại quốc có cơ hội thành công ở Việt Nam hay không. Theo lời Samson thì đây là lý do mà các cầu thủ châu Phi hoặc Nam Mỹ dễ đá ở Việt Nam hơn các đồng nghiệp đến từ châu Âu. Những cầu thủ châu Âu đa phần “rớt” ngay từ trở ngại đầu tiên mang tên thời tiết, sau đó là cường độ tập luyện và khả năng giao tiếp.
Nói về sự thích nghi, Samson tự tin khoe rằng anh đã hiểu khá rõ về văn hóa và con người Việt Nam cũng như nói được một chút tiếng Việt. Đó cũng là chuyện bình thường với một cầu thủ sống hơn 10 năm ở Việt Nam. Chỉ có một thứ duy nhất ở đây mà anh không chịu được là bệnh sốt rét.
“Tôi phải nghỉ thi đấu chỉ vì một con muỗi”, Samson bật cười nói về khoảng thời gian anh phải về Nigeria chữa bệnh hồi cuối năm 2015.
Giấc mơ cuối cùng
Sau hơn 10 năm gắn bó với bóng đá Việt Nam, Samson đã gây dựng được một sự nghiệp gần như trọn vẹn. Anh kiếm được rất nhiều tiền, giành đủ các danh hiệu từ cá nhân đến tập thể. Cầu thủ gốc Nigeria mang quốc tịch Việt Nam còn mục tiêu gì để phấn đấu? Câu trả lời của Samson nằm ngay trong câu hỏi đó.
Bóng đá Việt Nam từng có thời điểm trải qua cơn khát chân sút nội đẳng cấp, khiến hàng tiền đạo trở thành điểm yếu của đội tuyển quốc gia. Trong hoàn cảnh như vậy, không ít người nhìn vào danh sách những tay săn bàn hàng đầu của V-League và cảm thấy tiếc nuối khi có một cầu thủ mang quốc tịch Việt Nam lại không được trao cơ hội.
Sau khi hoàn tất thủ tục nhập tịch vào năm 2013, Hoàng Vũ Samson từng hơn một lần bày tỏ nguyện vọng được khoác áo đội tuyển Việt Nam. Nhưng mong muốn của anh chưa bao giờ, và rất khó trở thành hiện thực.
“Tôi cảm thấy rất tệ. Giấc mơ của tôi là được chơi cho đội tuyển Việt Nam và tôi vẫn đang chờ cuộc gọi từ VFF. Bây giờ vẫn chưa phải quá muộn”, Samson bày tỏ.
“Nhưng bóng đá mà, tôi phải nỗ lực hết sức, thể hiện hết khả năng của mình để mọi người thấy là tôi đủ khả năng chơi cho đội tuyển quốc gia. Tôi vẫn chưa từ bỏ hi vọng. Tôi vẫn tin một ngày có thể được khoác áo đội tuyển Việt Nam”.
Nói như vậy nhưng Samson cũng đủ khôn ngoan để hiểu rằng có những lý do khó có thể được nêu ra một cách rõ ràng cho việc anh không được gọi lên đội tuyển Việt Nam.
“Tôi không nghĩ đó là sự bất công, có lẽ chỉ đơn giản là vẫn chưa đến lúc”, anh nói. “Họ (VFF) là những người hiểu chuyện hơn tôi và tôi hiểu là họ có lý do cho việc gọi tôi hay không. Đôi khi bạn phải chờ đến đúng thời điểm. Tôi chấp nhận điều đó”.
Samson tự nhận mình là người biết chấp nhận thực tại, giống như việc anh không cảm thấy quá tiếc nuối vì lỡ cơ hội sang châu Âu chơi bóng. Có những thứ mà anh không nắm quyền quyết định và điều mà cầu thủ này có thể làm là tiếp tục cố gắng trong những điều kiện mà mình đang có.
Tiền đạo nhập tịch của CLB Hà Nội hiểu rằng anh khó có cơ hội chơi cho đội tuyển Việt Nam, nhưng anh vẫn tìm ra điểm tích cực từ hoàn cảnh này. Không có tuyên bố chính thức nào về việc có hay không gọi cầu thủ nhập tịch lên tuyển, cũng có nghĩa là cánh cửa không khép lại hoàn toàn. Samson vẫn “treo” giấc mơ của mình ở đó để làm động lực cho những năm tháng đỉnh cao cuối cùng của sự nghiệp.
“Tôi, Hoàng Vũ Samson, vẫn còn khao khát khoác áo đội tuyển Việt Nam và bây giờ tôi chỉ nghĩ về việc đó. Tôi sẽ tiếp tục ghi thật nhiều bàn thắng. Tôi không chỉ muốn vô địch V-League mà còn muốn vô địch cả AFF Cup nữa. Không có gì là không thể”, Samson nói, một cách dõng dạc với một ánh mắt đầy quyết tâm.