Hoàng tử thời nhà Thanh không phải ai cũng được coi trọng, có người chỉ là "quân cờ" của nhà vua

Nguyệt Phạm |

Nhiều người cho rằng, các hoàng tử thời nhà Thanh sinh ra đã có thân phận tôn quý nhất vì là con vua nhưng thực tế không phải như vậy.

Hoàng tử phân cấp địa vị dựa trên nhiều yếu tố

Theo các tài liệu sử sách, thân phận của các hoàng tử thời nhà Thanh được phân định dựa vào 2 yếu tố.

Thứ nhất, thân phận của mẹ ruột. Nếu bạn là một người hâm mộ các bộ phim cổ trang của Trung Quốc, bạn có thể hình dung được gia đình bên ngoại ảnh hưởng lớn thế nào đến địa vị của các hoàng tử nhà Thanh qua rất nhiều tình huống trong phim. Đó là những vị hoàng tử do hoàng hậu sinh thường vừa ra đời đã được phong làm Thái tử. Đối với những vị hoàng tử khác, ai có mẹ dù cùng là phi nhưng gia tộc bên ngoại có thế lực, xuất thân cao quý thì địa vị cũng cao hơn hẳn hoàng tử không có chống lưng.

Hoàng tử thời nhà Thanh không phải ai cũng được coi trọng, có người chỉ là "quân cờ" của nhà vua- Ảnh 1.

Địa vị của hoàng tử phụ thuộc vào xuất thân của mẹ ruột và gia tộc bên ngoại. (Ảnh: Sohu)

Điển hình như ở thời Khang Hy, Bát a ca Dân Tự do mẹ ruột là Lương Phi Vệ thị xuất thân là nô tì trong Tân Giả Khố nên địa vị kém xa các huynh đệ của mình. Ngược lại, Thập a ca Dận Ngã có mẹ ruột là Ôn Hi Quý phi Hỗ Lộc thị và dì ruột là Hiếu Chiêu Nhân hoàng hậu Nữu Hỗ Lộc thị, còn ông ngoại là Át Tất Long – một quyền thần cùng cậu là A Linh A là trọng thần trong triều nên địa vị chẳng kém Thái tử là bao.

Thứ hai, tước vị do nhà vua ban cho. Tuy nhiên, một số trường hợp hoàng tử tuy mẹ ruột không có xuất thân cao quý nhưng nhờ được hoàng đế ban cho tước vị cao thì địa vị đối với các huynh đệ cũng cao hơn nhiều. Điển hình ở thời Càn Long, Ngũ a ca Vĩnh Kỳ tuy sinh mẫu là Du Quý phi ban đầu chỉ là Thường tại nhưng được vua cha yêu quý nên được ban tước Thân vương từ rất sớm. Ngược lại, Thập nhị a ca Vĩnh Cơ do Kế hoàng hậu sinh ra nhưng do không được Càn Long yêu thương nên đến khi chết cũng chẳng có tước vị gì. Địa vị còn không bằng Ngũ a ca Vĩnh Kỳ hay những hoàng tử khác do các phi tử sinh ra.

Qua 2 yếu tố trên, ta có thể thấy, triều đại nhà Thanh đặc biệt coi trọng xuất thân và tước vị của các vị hoàng tử. Họ cho dù là con của vua nhưng không phải ai cũng được coi là có thân phận cao quý nhất.

Vì sao các hoàng tử bị đem cho vương gia nuôi?

Mặc dù, các vị vương gia trong triều đại nhà Thanh đều có vợ con đầy đủ, nhưng bản thân họ vẫn phải nhận nuôi các hoàng tử khi hoàng đế chỉ định. Vì sao vậy?

Hoàng tử thời nhà Thanh không phải ai cũng được coi trọng, có người chỉ là "quân cờ" của nhà vua- Ảnh 2.

Triều đại nhà Thanh đặc biệt coi trọng xuất thân và tước vị của các vị hoàng tử. (Ảnh: Sohu)

Theo các nhà sử học Trung Quốc, sở dĩ, hoàng đế đem con trai của mình cho các vị vương gia khác nuôi là có 3 mục đích.

Thứ nhất, hoàng đế làm vậy để kiểm soát hoàng thất. Khác với tông thất nhà Minh, các vương công quý tộc ở Mãn Châu, đặc biệt là các bối lặc kỳ chủ thường nắm quyền lực rất lớn trong triều. Sau này, tới thời Khang Hy và Ung Chính, quyền lực của nhóm này đã bị suy giảm nhiều nhưng đối với nội bộ Bát kỳ thì họ vẫn có nhiều sức ảnh hưởng. Trong khi đó, Bát kỳ là một trong những lực lượng quan trọng của triều đình. Do đó, các vương công quý tộc, nhất là những vị Thiết Mạo Tử vương, Thân vương có địa vị cao trong tông thất thường được hoàng đế "để mắt" tới.

Hoàng tử thời nhà Thanh không phải ai cũng được coi trọng, có người chỉ là "quân cờ" của nhà vua- Ảnh 3.

Hoàng đế đem các hoàng tử cho các vương gia nuôi là để kiểm soát quyền lực. (Ảnh: Sohu)

Bằng cách đưa hoàng tử cho các vương gia nuôi, hoàng đế đã giúp con trai kế thừa được tước vị, đồng thời cũng là kế thừa sản nghiệp và quyền kiểm soát nhân khẩu kỳ doanh tương ứng của họ. Hơn nữa, khi hoàng đế cần sẽ dễ dàng mượn thế lực này để thống lĩnh Bát kỳ và củng cố quyền lực của hoàng gia.

Một ví dụ điển hình nhất là việc Ung Chính đem con trai của mình là Hoàng thập lục Dận Lộc cho Trang Thân vương Bác Quả Đạc của nuôi dưỡng. Sau khi Bác Quả Đạc qua đời, Dân Lộc được thừa kế tước vị của ông.

Thứ hai, hoàng đế muốn thể hiện sự tôn trọng với gia tộc. Trên thực tế, hoàng đế đem con trai cho các vương gia nuôi cũng là một cách để bảo vệ danh hiệu của các tước vị. Ví dụ như Càn Long từng đem người con trai thứ tư của mình là Vĩnh Thành cho Lý Thân vương Dận Đào nuôi dưỡng. Hay ông cũng đem em trai của mình là Hoằng Chiêm cho chú của mình là Thập thất a ca Quả Thân vương Dận Lễ. Bằng cách này, Càn Long đã lưu giữ lại danh hiệu tước vị Thân vương của hai người chú sau khi họ qua đời. Đây cũng là ý muốn các vị Thân vương quý tộc khác thấy được tấm lòng của ông.

Hoàng tử thời nhà Thanh không phải ai cũng được coi trọng, có người chỉ là "quân cờ" của nhà vua- Ảnh 4.

Đôi khi, hoàng đế vì muốn bảo vệ tước vị của hoàng thất cũng như thể hiện sự ủng hộ người nối dõi nên đem con trai của mình cho các vương gia nuôi dưỡng. (Ảnh: Sohu)

Thứ ba, hoàng đế muốn ủng hộ người nối dõi. Tình huống này từng xuất hiện trong thời Ung Chính khi ông đem Hoằng Thời cho Bát a ca Dận Tự - một người từng bị phạt, tước tước vị và bị giam cầm cho tới chết. Mục đích của Ung Chính là để loại Hoằng Thời ra khỏi tông thất và giúp Hoằng Lịch (sau này là Càn Long) lên ngôi một cách thuận lợi.

Từ đây, ta có thể thấy hoàng đế đem các hoàng tử cho các vương gia khác nuôi đều có mục đích riêng. Vì vậy, các hoàng tử dù là con vua nhưng không phải ai cũng có thân phận tôn quý nhất.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại