Nhà báo Hoàng Anh Sướng, một học trò của thiền sư Thích Nhất Hạnh, tác giả cuốn sách "Hạnh phúc đích thực", vừa chia sẻ về buổi thiền trà do anh tổ chức cho Hoàng tử Ả Rập Xê Út và phu nhân.
Câu chuyện đã được đăng trên trang cá nhân, và tác giả đồng ý việc chúng tôi đăng lại bài viết này. Các tiêu đề trong bài viết do tòa soạn đặt.
Sáng ngày 27/4 vừa qua, tôi đã tổ chức một buổi thiền trà đặc biệt cho Hoàng tử Ả Rập Xê Út và phu nhân tại trà thất của tôi ở khu đô thị Times City, Hà Nội. Đây là buổi thiền trà đặc biệt bởi thời gian kéo dài suốt 3 tiếng, từ 9h sáng đến 12h trưa (theo đúng lịch trình Hoàng tử đã đặt trước) và vì thế, tôi có cơ hội chia sẻ thật nhiều điều tuyệt vời về vẻ đẹp của văn hóa trà Việt Nam, nghệ thuật thưởng trà của tầng lớp phong lưu quyền quý, nhất là phương pháp chế tác bình an, hạnh phúc qua chén trà.
Xuất thân từ tầng lớp quyền quý nhưng Hoàng tử và vợ ăn vận thật giản dị, phong thái thật gần gũi, dễ thương, tươi mát. Hoàng tử và vợ rất thích thú khi tận mắt chứng kiến tôi pha trà bằng bộ đồ trà cổ, truyền thống của tầng lớp phong lưu quyền quý thời xưa gồm hỏa lò, cấp siêu đồng, than hoa, ấm pha trà, thuyền trà, chén tống, chén quân, khay trạm khảm… Cũng giống như buổi thiền trà cho tỷ phú Bill Gates, tôi cũng pha mời Hoàng tử thưởng thức 2 loại trà quý, nổi tiếng của Việt Nam là trà sen Tây Hồ ướp bằng phương pháp thủ công truyền thống trên nền trà Tân Cương của Thái Nguyên và Hồng trà chế tác từ những cây trà cổ thụ mọc hoang dại trên núi Tây Côn Lĩnh của Hà Giang với tuổi đời vài trăm năm tuổi. Hương vị thơm ngon và hậu vị ngọt bền của 2 thượng phẩm trà khiến Hoàng tử và vợ liên tục tấm tắc khen “ngon quá”.
Chén trà càng trở nên ngon hơn khi tôi kể chi tiết về quy trình sao tẩm vô cùng công phu, cầu kỳ, tinh tế với rất nhiều điều kiêng kỵ để tạo nên thượng phẩm trà sen Tây Hồ “vua biết mặt, chúa biết tên”. Nhất là khi tôi hướng dẫn chi tiết cách thưởng thức trà theo phong cách của tầng lớp vua chúa, phong lưu quyền quý thời trước: “Nâng chén trà ngang tầm mắt, chậm rãi đưa chén trà từ bên phải sang bên trái rồi từ bên trái sang bên phải, mắt nhìn theo. Mục đích để làm gì? Để ngắm nhìn vẻ đẹp của chén trà, nhất là khi ở nhà quý vị có những chén trà quý. Sau đó, chậm rãi đưa chén trà lên mũi, hít những hơi thật sâu để cảm nhận hương thơm của trà. Cuối cùng mới đưa lên môi nhấp ngụm trà đầu tiên.
Ngụm trà đầu tiên, chúng ta ngậm trong miệng khoảng 3-4 giây. Sau đó, mím môi và nuốt khẽ khàng ngụm trà này. Nếu chúng ta ngậm ngụm trà khoảng 3-4 giây thì hương thơm của trà sẽ xông lên não bộ và chúng ta sẽ cảm nhận rất rõ hương thơm của nó. Còn than ôi, nếu ực 100% thì chúng ta sẽ không kịp cảm nhận bất cứ một cái gì. Kiểu uống trà ực 100% ấy, tầng lớp phong lưu gọi là “ngưu ẩm”, tức là trâu ngựa uống). Với người Việt Nam, thưởng trà là một thú tao nhã, nhâm nhi từng ngụm nhỏ nhẹ để cảm nhận hết hương thơm, vị đượm. Cổ nhân có một câu thơ rất hay: “Thập nhị lan can nhất trản trà”. Đi hết 12 bậc cầu thang mới uống hết một chén trà” là vì thế”.
Hoàng tử và vợ rất thích thú. Đầu gật gù ra chiều tâm đắc, mắt sáng lên. Nhưng phần cuối buổi thiền trà, khi tôi dành nhiều tâm huyết nói về tính thiền và đạo trong trà, Hoàng tử và vợ chăm chú lắng nghe nhất. Và vô cùng tâm đắc. Tôi bảo: “Cô đơn là một hội chứng của con người đương đại. Nhiều người Việt Nam, châu Âu, châu Mỹ… bây giờ rất cô đơn. Nhiều khi về ngôi nhà mình, ngồi cạnh chồng mình, vợ mình, con tôi mà cứ thấy cô đơn. Bởi không ai hiểu mình. Không ai thương mình. Vòng quay gạo tiền cơm áo cứ cuốn mình đi. Mình không còn thời gian dành cho người thân mình nữa. Thậm chí thời gian dành cho chính mình, chăm sóc thân, tâm mình cũng không còn nữa. Và thế là mất kết nối, mất truyền thông. Gia đình rạn nứt, đổ vỡ bắt đầu từ đây.
Uống trà chính là một cách để kết nối. Uống trà độc ẩm (một mình) là cách để trở về với chính mình, để hiểu mình là ai? Khi hiểu mình là ai, mình sẽ nhận ra một điều: trong mình có rất nhiều hạt giống tốt nhưng trong mình cũng có những hạt giống xấu. Trong mình có nhiều phẩm chất hay nhưng trong mình cũng có những hạt giống dở. Nhìn sâu vào bên trong nữa, mình còn thấy: những điều hay, dở, tốt, xấu ấy không phải tự nhiên có mà nhiều khi, mình được (bị) kế thừa từ ông bà, cha mẹ, tổ tiên. Đó là một sự thật chúng ta phải chấp nhận. Và khi chấp nhận sự thật ấy, có nghĩa là, chúng ta cũng phải chấp nhận những điều hay, điều dở ở người thân mình. Vì họ cũng như mình mà.
Hiểu mình chính là nền tảng để hiểu người. Không hiểu mình thì sẽ không bao giờ hiểu được người khác. Và để giúp mình hiểu hơn người khác, người Việt chúng tôi còn có cách uống trà thứ 2, đó là đối ẩm hay còn gọi là song ẩm, tức là 2 người uống. Người Việt thường thưởng trà trong không gian yên tĩnh. Trong trà có cafein, hoạt chất giúp mình tỉnh thức. Không gian yên tĩnh giúp tâm mình tĩnh lặng. Vì thế, mình dễ mở lòng ra, tâm sự những điều sâu kín. Một người nói, một người nghe. Đó là cách tốt nhất để hiểu nhau. Hiểu là nền tảng của thương yêu. Không có hiểu thì không có thương. Nếu chồng yêu vợ mà không hiểu vợ thì chỉ làm vợ khổ. Vợ yêu chồng mà không hiểu chồng thì chỉ khiến chồng cảm thấy ngột ngạt, bức bí, khó chịu. Vì thế, muốn hiểu nhau, muốn mang lại hạnh phúc cho nhau, hãy uống trà với nhau hàng ngày.
Trà, với người Việt Nam, không chỉ là một thức uống mà còn là phương thức để tu tâm dưỡng tính. Không có thức uống nào dạy dỗ con người nhiều như trà. Trà dạy cho chúng ta sự sạch sẽ, ngăn nắp. Trà dạy cho chúng ta lòng kiên nhẫn. Trà dạy cho chúng ta sự khiêm nhường. Trà giúp ta tĩnh tâm để hiểu mình nhờ đó mà sửa mình, để hoàn thiện mình. Cổ nhân người Việt nói: “Uống trà để tẩy bụi trần, rửa lòng tục”, “uống trà là phương thức để tu tâm dưỡng tính” là vì thế.
Khi thân tâm mình thanh tịnh, chúng ta sẽ phát hiện ra một điều: "Hạnh phúc đích thực không phụ thuộc nhiều vào tiền bạc, địa vị, danh vọng, quyền bính. Hạnh phúc đích thực chỉ có khi ta có một cái tâm an, trong đó, chứa đầy hiểu hiết và thương yêu”.
Hoàng tử và vợ rất tâm đắc với những điều tôi chia sẻ. Họ liên tục nói lời cảm ơn mình. Họ bảo: “Thật bất ngờ khi tham dự một buổi uống trà lại cho chúng tôi những bài học thật sâu sắc về hạnh phúc, về phương pháp chế tác tình thương. Điều mà ai ai cũng cần. Một chén trà nhỏ mà chứa đựng biết bao triết lý nhân sinh. Chén trà Việt Nam thật vĩ đại”. Và họ nói: “Chúng tôi sẽ quay trở lại Việt Nam sớm nhất. Và vẫn muốn tham dự buổi thiền trà lần nữa. Thực lòng, chúng tôi muốn ngồi ở trà thất của anh mãi. Vì chúng tôi thấy bình an quá”.